Lý do ông Trump phớt lờ Ukraine và châu Âu trong cuộc đàm phán Nga-Mỹ
VOV.VN - Một viễn cảnh đầy lo ngại đang mở ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vội vã thúc đẩy kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Kiev dường như rơi vào tình thế bị động còn châu Âu loay hoay tìm vai trò trong sân sau khi đứng ngoài cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ khao khát một chiến thắng chính trị sớm để thực hiện cam kết của ông đưa ra trong cuộc bầu cử bằng cách thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nhưng một kết thúc công bằng cho cuộc xung đột có thể không diễn ra nhanh chóng vì điều này đặt ra các vấn đề hiện hữu đối với an ninh Ukraine và châu Âu.

Căng thẳng này trở nên trầm trọng hơn khi Tổng thống Trump quyết định gạt các quan chức từ Ukraine và các nước châu Âu khỏi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga diễn ra tại Saudi Arabia vào ngày 18/2.
Thành công của ông Trump trong nỗ lực chấm dứt xung đột sẽ phụ thuộc vào việc liệu các thỏa thuận có giải quyết được những vấn đề quan trọng như đảm bảo hòa bình cho Ukraine, bảo vệ biên giới và an ninh của châu Âu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Nga hay không. Mỗi bên đều có những mối lo ngại riêng và có đòn bẩy nhất định. Điều này giải thích tại sao việc chấm dứt xung đột sẽ khó khăn hơn nhiều so với cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Mong muốn của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như nhanh chóng mong muốn đạt được một thỏa thuận về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo giới phân tích, quyền hạn của ông Trump và việc mở ra kênh liên lạc mới giữa Nga và Mỹ có thể làm thay đổi động lực của cuộc chiến tiêu hao theo kiểu Thế chiến thứ nhất này.
Tổng thống Trump có lẽ đang nêu bật thực tế mà nhiều quan chức Mỹ và châu Âu nhắc đến trong nhiều tháng qua, đó là Ukraine hầu như không có cơ hội giành chiến thắng và khó có thể giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga đang chiếm giữ. Về phần mình, nhà lãnh đạo Nga đã làm ấm bầu không khí trước các cuộc đàm phán Mỹ tại Saudi Arabia bằng cách thả một số tù nhân Mỹ.
Cuộc gặp diễn ra chưa đầy một tuần sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga. Sau đó, ông Trump cho biết hai nhà lãnh đạo đã nói về "lợi ích to lớn" mà Mỹ và Nga "sẽ có được khi hợp tác với nhau" và hai nhà lãnh đạo đã nhất trí "bắt đầu đàm phán ngay lập tức" để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Mối lo của Ukraine
Trong khi Tổng thống Trump muốn tạo ra một dấu ấn lớn về mặt chính trị trong nhiệm kỳ thứ hai thì Tổng thống Ukraine Zelensky đang đối mặt với bài toán nan giải là làm thế nào vừa đàm phán về một thỏa thuận chấm dứt xung đột lại vừa đảm bảo không phải nhượng bộ về mặt lãnh thổ. Quyết định của ông Trump tiến hành các cuộc đàm phán Nga- Nga tại Saudi Arabia mà không có sự tham gia của Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng ông đang muốn có một thỏa thuận nhanh chóng với Tổng thống Putin và cuối cùng có thể áp đặt đối với Kiev.
Tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước, ông Zelensky cảnh báo sẽ "không bao giờ chấp nhận các thỏa thuận không có sự tham gia của Ukraine". Nhưng nếu ông Trump không đồng ý, Ukraine sẽ phải quyết định có nên tiếp tục chiến đấu mà không có vũ khí và đạn dược của Mỹ, hay chấp nhận dựa vào sự hỗ trợ yếu hơn của châu Âu.
Tổng thống Zelensky có lẽ hiểu rằng ông khó có thể trông cậy nhiều vào sự ủng hộ của Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump. Về phần mình, có rất ít dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đặt trọng tâm vào lợi ích của Ukraine. Tuần trước, ông Trump nói rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine đã góp phần dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Ông Trump cho rằng Ukraine cần bầu cử "vào một thời điểm nào đó" sau khi các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình, đồng thời lưu ý, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Zelensky "không cao".
Nga đang có một khởi đầu thuận lợi?
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump cho biết, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông đã bị thuyết phục rằng nhà lãnh đạo Nga muốn chấm dứt xung đột. "Tôi nghĩ ông ấy muốn ngừng chiến đấu. Tôi hiểu điều đó. Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu và rất kỹ", ông Trump nói.
Nhưng về mặt chiến lược, Nga có thể có lý do để tiếp tục chiến đấu. Bất chấp tổn thất lớn, lực lượng Nga đang đạt được những tiến triển đáng kể trên chiến trường.
Nga đã đạt được một số mục tiêu của mình trước khi ông Putin có cuộc điện đàm với ông Trump. Tổng thống Mỹ đã nói một cách nhiệt tình về khả năng tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ở cả Mỹ và Nga. Với việc loại trừ con đường trở thành thành viên NATO cho Ukraine và loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ tại Ukraine, chính quyền ông Trump được cho là đã từ bỏ các đòn bẩy tiềm năng quan trọng.
Nga đã chiếm được một phần lớn lãnh thổ ở phía Đông Nam mà nước này có thể sử dụng để bảo vệ Crimea và tạo ra một bờ biển dài dọc theo bờ biển Biển Đen có vị trí chiến lược quan trọng. Moscow hiện phải tính toán xem liệu một thỏa thuận hòa bình có lớn hơn lợi ích của việc tiếp tục chiến đấu hay không. Chẳng hạn như nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine, Nga có thể được Mỹ và châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt để khôi phục nền kinh tế.
Châu Âu loay hoay tìm vai trò trong sân sau
Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia chỉ là sơ bộ, nhưng nhiều nhân vật ở châu Âu chỉ trích Washington đã không có sự phối hợp với các đồng minh trong cách tiếp cận với Nga.
Kết quả của cuộc xung đột tại Ukraine rất quan trọng đối với châu Âu cũng như đối với Ukraine. Một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga sẽ khiến lục địa này phải đối mặt với một đối thủ tương đối mạnh mẽ.
Lực lượng vũ trang của châu Âu bị suy yếu nghiêm trọng sau nhiều năm cắt giảm ngân sách khiến nhiều người cho rằng, họ khó có thể duy trì một lực lượng gìn giữ hòa bình mạnh mẽ ở Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận nào. Dù các nước châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng nhưng họ có thể mất nhiều năm để lấp đầy khoảng trống an ninh, chưa kể, đây sẽ là một động thái chính trị nặng nề buộc họ phải cắt giảm chi tiêu xã hội.
Sau các cuộc hội đàm tại Paris hồi đầu tuần, Thủ tướng Anh Keir Starmer cảnh báo, châu Âu đang phải đối mặt với "khoảnh khắc ngàn năm có một". Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên X rằng Ukraine xứng đáng có được "hòa bình thông qua sức mạnh". Ông Starmer đã đề xuất điều quân đội Anh giúp giám sát bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine như một phần của lực lượng quốc tế, nhưng với yêu cầu cần phải có một "biện pháp dự phòng" từ Mỹ.
Bình luận của ông Keir Starmer cho thấy, các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn, thậm chí bị kéo vào cuộc xung đột với Nga nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.