Mâu thuẫn khó vượt giữa Nga và Phương Tây trong vấn đề Syria
VOV.VN - Chưa kịp mừng trước thỏa thuận Nga-Mỹ về ngừng bắn tại Syria vào trung tuần tháng 9, người ta lại phải thất vọng trước tình hình chiến sự leo thang.
Cả hai phía đối nghịch là Chính phủ Bashar al-Assad do Nga hỗ trợ và các lực lượng đối lập ôn hòa do phương Tây chống lưng liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây khiến vấn đề Syria đi vào ngõ cụt. Ảnh: AP |
Điểm nóng Aleppo
Ngày 9/10 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đồng thời bác bỏ cả hai dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria do Nga và Pháp soạn thảo. Nếu như dự thảo nghị quyết của Nga bị bác bỏ do nhận phải 9 lá phiếu chống trên tổng số 15 nước thành viên Hội đồng bảo an, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, thì bản dự thảo nghị quyết của Pháp cũng chịu số phận như vậy với sự phủ quyết của Nga, Venezuela. Các nước Trung Quốc, Cuba bỏ phiếu trắng.
Dự thảo nghị quyết của Pháp đề nghị chấm dứt ngay các cuộc không kích thành phố Aleppo của Syria và tạo điều kiện chuyển đồ cứu trợ nhân đạo đến các vùng chiến sự ở Syria. Nga không chấp nhận đề nghị này vì cho rằng nó chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo, cản trở việc Nga hỗ trợ quân Chính phủ Syria làm chủ Aleppo, một thành phố có ý nghĩa địa - chiến lược hết sức quan trọng, nằm ở miền Đông Bắc Syria.
Cuộc bỏ phiếu vừa qua ở Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Nga với Mỹ và phương Tây, liên quan đến việc Nga đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đặc biệt là tại thành phố chiến lược Aleppo.
Chiến dịch này gắn bó với thỏa thuận Nga-Syria về hỗ trợ quân sự, vừa được Quốc hội Nga thông qua ngày 7/10. Đây là lời đáp trả cứng rắn những toan tính của Mỹ và phương Tây làm suy yếu và sụp đổ chính quyền Bashar al-Assad.
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo có thể bắn rơi các máy bay chiến đấu của liên quân nếu Mỹ không kích vào lực lượng Chính phủ ở Syria. Kèm theo đó là quyết định triển khai hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 tới Syria sau khi thông tin rò rỉ cho thấy Mỹ dự định ném bom các căn cứ không quân của Syria.
Mâu thuẫn khó vượt
Trong một vòng luẩn quẩn, cuộc thương lượng giữa Nga và phương Tây có lúc làm lóe lên những tia hy vọng, nhưng ngay sau đó lại rơi vào bế tắc.
Thất bại của việc thông qua các dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ lần này phản ánh mâu thuẫn khó vượt qua trong việc bảo vệ các mục đích chiến lược tại Syria của hai bên Nga và phương Tây.
Syria của chính quyền Bashar al-Assad, là cơ sở cuối cùng của Nga tại Trung Đông. Tại đây, Nga có các căn cứ quân sự tại hải cảng Latakia, nơi các tầu chiến Nga có thể tới neo đậu và triển khai ở Đông Địa Trung Hải, nơi có các sân bay quân sự để không quân Nga vươn tầm hoạt động ra toàn khu vực Trung Đông.
Với Nga, khẳng định vị trí tại Syria là khẳng định việc duy trì và phục hồi ảnh hưởng tại Trung Đông, đã bị Mỹ lấn lướt sau khi Liên Xô tan vỡ. Trước mắt, việc duy trì vị trí ấy của Nga gắn liên với sự tồn tại của chính quyền Bashar al-Assad, vốn thân Nga.
Để loại bỏ hoàn toàn vị trí của Nga khỏi Trung Đông, Mỹ và phương Tây đặt mục tiêu phải loại bỏ chính quyền Bashar al-Assad. Lợi dụng tình hình bất ổn do các cuộc biểu tình chống Chính phủ hồi tháng 1/2011, Mỹ và phương Tây đã ủng hộ các phe phái đối lập, gây sức ép nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, bị cho là độc tài và áp dụng các biện pháp đàn áp dã man (như sử dụng vũ khí hóa học).
Tháng 9/2013, theo sáng kiến của Nga, Chính phủ Bashar al-Assad chấp nhận hủy bỏ kho vũ khí hóa học, qua đó loại bỏ được khả năng tấn công quân sự của Mỹ.
Việc Mỹ và phương Tây ủng hộ các phái đối lập ở Syria chống chính quyền Bashar al-Assad vô hình chung đã tạo điều kiện cho sự phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ý thức rõ về sự nguy hiểm của IS, từ cuối 2014, Mỹ và phương Tây đặt ưu tiên cho việc tiêu diệt tổ chức này. Cũng để bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad trước sự uy hiếp của IS, từ 2/10/2015, Nga mở chiến dịch không kích tại Syria.
Tính hiệu quả của chiến dịch này khẳng định vai trò của Nga và buộc Mỹ và phương Tây phải có sự phối hợp nếu muốn tiêu diệt IS. Tuy nhiên, điều đó cũng mâu thuẫn với mục tiêu loại bỏ Bashar al-Assad.
Cũng vì mâu thuẫn không thể giải quyết về vấn đề Bashar al-Assad mà cho tới nay, đã có một số thỏa thuận về ngừng bắn và kéo các bên đối lập ở Syria vào đàm phán, nhưng tất cả đều nhanh chóng đi vào bế tắc.
Cuộc xung đột Syria, đã kéo dài hơn 4 năm qua, khiến trên 300.000 người chết, hàng chục vạn người phải chạy tỵ nạn, với các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngoài sức tưởng tượng, một lần nữa lại đi vào ngõ cụt.
Như một quy luật, cuối tháng 9 đầu tháng 10, cả Nga và phương Tây lại tăng cường các hoạt động quân sự hỗ trợ lực lượng thân mình, với cái cớ chung chống hiểm họa IS. Năm nay, nếu Aleppo là mục tiêu ưu tiên của Nga trên lãnh thổ Syria, thì tái chiếm Mosul là cái đích của Mỹ và phương Tây trên lãnh thổ Iraq.
Hệ quả nhãn tiền của các chiến dịch này phải chăng là những cuộc trả đũa tàn khốc của IS như đã từng thấy, những cuộc khủng hoảng nhân đạo, và dòng người tỵ nạn mỗi ngày một lớn đổ tới châu Âu./.