Mô hình trung lập như Áo hay Thụy Điển có ý nghĩa như thế nào với Ukraine?
VOV.VN - Theo các chuyên gia, việc thông qua quy chế trung lập như Áo hay Thụy Điển là một cách để Ukraine sớm chấm dứt xung đột, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đã bước sang tuần thứ 4.
Điện Kremlin ngày 16/3 kêu gọi Kiev thông qua một quy chế trung lập tương tự như Thụy Điển hay Áo, đồng thời gọi đây là một lựa chọn “thỏa hiệp” trong bối cảnh 2 bên đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.
Trước đó, trợ lý của Tổng thống Putin, ông Vladimir Medinsky, cho biết, tại các cuộc đàm phán với Nga, phía Ukraine bày tỏ sự sẵn sàng phi quân sự hóa, trong khi vẫn duy trì các lực lượng quân đội của riêng mình, như Thụy Điển hoặc Áo.
Trái với tuyên bố từ phía Nga, Ukraine đã bác bỏ thông tin nói rằng họ muốn theo mô hình giống Áo và Thụy Điển, khẳng định các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt giao tranh nên tập trung vào “đảm bảo an ninh”.
Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố bình luận của trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mikhailo Podolyak nêu rõ: “Ukraine hiện là quốc gia có xung đột trực tiếp với Nga. Do đó, mô hình chỉ có thể là ‘Ukraine’ với các đảm bảo an ninh mang tính pháp lý”.
Quy chế trung lập là gì?
Theo luật pháp quốc tế, trung lập đề cập việc một quốc gia sẽ không can thiệp vào xung đột quân sự của các nước khác. Điều này bao gồm cả việc không gia nhập các liên minh quân sự như NATO hay Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).
Trung lập bao gồm cả quy chế không tham chiến. Công dân các nước trung lập được bảo vệ theo luật chiến tranh khỏi các hành động thù địch nhiều hơn so với các đối tượng không tham chiến khác như công dân của đối phương (của bên tham chiến) và các tù nhân chiến tranh.
Ví dụ điển hình của những nước trung lập là Thụy Sỹ, Thụy Điển, Ireland, Phần Lan và Áo. Tuy nhiên, quy chế trung lập cũng được diễn giải khác nhau tùy theo mỗi nước. Ví dụ, Costa Rica cũng là một quốc gia trung lập nhưng nước này đã phi quân sự hóa, trong khi Thụy Sỹ lại có quy chế “trung lập có vũ trang” và không triển khai lực lượng ở nước ngoài.
Thụy Điển, có quân đội không liên kết trong thời bình và trung lập trong thời chiến, đã chấm dứt chính sách trung lập năm 1992 khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nước này không phải là thành viên NATO nhưng là đối tác của liên minh gần 30 năm qua.
Theo các chuyên gia, việc thông qua quy chế trung lập như Áo hay Thụy Điển là một cách để Ukraine sớm chấm dứt xung đột, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đã bước sang tuần thứ 4.
Quy chế trung lập kiểu nước Áo sẽ như thế nào?
Ở Áo, chính sách trung lập được áp dụng năm 1995.
“Trung lập là một đặc điểm nhận dạng của Áo”, ông Martin Senn, nhà khoa học chính trị tại Đại học Innsbruck nói.
Chính sách này đem lại cho Áo con đường để thoát khỏi những đổ nát của Thế chiến 2 và tránh bị đổ lỗi vì đồng lõa trong chính quyền phát xít.
Áo cũng tận dụng quy chế trung lập để làm nơi đặt trụ sở các tổ chức quốc tế quan trọng và tổ chức các hội nghị thượng đỉnh trong đó có 2 cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Xô, giữa Tổng thống Mỹ John F Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev năm 1961, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và lãnh đạo Liên Xô Brezhnev năm 1979.
Tuy nhiên, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Áo đã có một số bước đi ngả về phía phương Tây. Áo gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1995 và tham gia vào chính sách an ninh và phòng vệ chung được nêu trong Hiệp ước Lisbon năm 2009.
Hiện nay, một số nhân vật trong giới quốc phòng Áo đã lên tiếng ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng và lập trường này cũng được dư luận ủng hộ trong các cuộc khảo sát gần đây.
Ở EU, chỉ có Ireland và Malta có mức chi tiêu quốc phòng thấp hơn Áo - ở mức 0,7% GDP.
Chính phủ Áo – đứng đầu là Thủ tướng Karl Nehammer, một cựu quân nhân – muốn tăng chi tiêu quân sự lên mức 1% GDP, bằng với nước láng giềng Thụy Sỹ. Tuy nhiên ông Nehammer đã loại trừ khả năng thay đổi quy chế trung lập chính thức của Áo.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cứ 5 người Áo thì có 4 người phản đối gia nhập NATO.
Một số thực tế về quy chế quân đội trung lập của Thụy Điển và Áo
Cả Thụy Điển và Áo đều là thành viên EU nhưng không phải thành viên NATO. Trong khi Ukraine mong muốn gia nhập cả 2 tổ chức này.
Thụy Điển trung lập trong Thế chiến 2 và tham gia phong trào không liên kết trong Chiến tranh Lạnh, dù nước này hợp tác bí mật với Mỹ trong việc cung cấp thông tin nhạy cảm về Liên Xô. Nước này từ bỏ quy chế trung lập chính thức khi gia nhập EU năm 1995 và thay bằng chính sách quân đội không liên kết.
Thụy Điển tăng cường liên kết với NATO trong những năm gần đây và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận quân sự. Thủ tướng Magdalena Andersson gần đây bác bỏ lời kêu gọi gia nhập NATO, cho rằng làm như vậy sẽ chỉ khiến an ninh châu Âu tồi tệ thêm.
Thụy Điển có tham gia các phái bộ Liên Hợp Quốc và NATO, ví dụ như ở Mali, Afghanistan và Iraq, dù thường trong vai trò huấn luyện và hỗ trợ liên lạc. Thụy Điển hợp tác chặt chẽ với một số nước về vấn đề quốc phòng, trong đó có Mỹ, Pháp và nước láng giềng Phần Lan – cũng có quan điểm trung lập và không phải là thành viên NATO.
Thụy Điển tham gia Lực lượng viễn chinh hỗn hợp - một lực lượng phản ứng nhanh do Anh dẫn đầu tập trung vào khu vực cận cực Bắc, Bắc Đại Tây Dương và vùng Baltic. Không có đồng minh nào chính thức cam kết chiến đấu cùng Thụy Điển nếu nước này bị tấn công.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thụy Điển cho biết nước này có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP càng sớm càng tốt, mức mà các nước NATO được yêu cầu phải đáp ứng, dù nhiều thành viên không thực hiện được.
Trường hợp của Áo, sau khi áp dụng quy chế trung lập, nước này trở thành vùng đệm giữa Đông và Tây, nhưng các nước xung quanh Áo đều đã trở thành thành viên NATO, ngoại trừ Thụy Sỹ và Liechtenstein.
Áo có quân đội tương đối nhỏ và ngân sách eo hẹp. Theo số liệu của Eurostat, chi tiêu quốc phòng của Áo năm 2020 chỉ ở mức 0.6% GDP, thấp thứ 2 trong EU sau Malta, thấp hơn so với mức trung bình 1,3% của EU.
Áo là một đối tác của NATO, tham gia các hoạt động với phái bộ Liên Hợp Quốc do NATO chỉ huy, như lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR ở Kosovo.
Áo thường không cho phép các lực lượng nước ngoài sử dụng hoặc đi qua lãnh thổ nước này, trừ khi lực lượng đó hoạt động theo ủy thác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc./.