Moscow sẽ ra tay nếu Ukraine can thiệp vào hệ thống vệ tinh Nga?
VOV.VN - Trong xung đột Nga - Ukraine, các vệ tinh liên lạc đóng vai trò quan trọng và do vậy cũng trở thành một mục tiêu cho các "tác động" từ đối phương. Nga tuyên bố có đủ nguồn lực đáp trả nếu vệ tinh dân sự của họ bị can thiệp.
Cảnh báo từ phía Nga
Ngoại trưởng Nga đã cáo buộc Ukraine nỗ lực can thiệp vào hệ thống vệ tinh liên lạc của Nga với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.
Hãng thông tấn TASS cho hay, hôm 5/4, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo nhấn mạnh nỗ lực được cho là của Ukraine nhằm can thiệp vào các vệ tinh liên lạc dân sự của Nga.
Cụ thể, Bộ này tuyên bố như sau: "Chính quyền Kiev, với sự tham gia của các chuyên gia từ một số nước ngoài, đang nỗ lực gây ảnh hưởng lên các vệ tinh liên lạc dân sự của Nga".
Theo Bộ Ngoại giao Nga, hành động trên là sự vi phạm nặng nề luật pháp quốc tế và Nga có quyền phản ứng thích hợp. Không chỉ vậy, Moscow còn nhấn mạnh rằng họ có sẵn tất cả nguồn lực cần thiết để hành động.
Các vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong xung đột Nga - Ukraine hiện nay. Trong không gian vũ trụ, Nga có năng lực cao hơn Ukraine.
Dựa trên những gì mà các chuyên gia vũ trụ đã nói với tờ Eurasian Times, thì có khả năng Ukraine với sự giúp đỡ của phương Tây đã can thiệp vào các dòng chảy dữ liệu giữa các vệ tinh Nga và các trạm mặt đất.
Các chiêu thức của hacker
Trên thực tế, năm 2008, một trạm mặt đất ở Na Uy trở thành mục tiêu cho một cuộc tấn công mạng, khiến các vệ tinh Landsat của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) bị can thiệp trong 12 phút. Sau đó, cùng năm 2008, các tin tặc kiểm soát vệ tinh quan sát Terra Earth của NASA và giành quyền tiếp cận đầy đủ đối với vệ tinh này, ngoại trừ việc đưa ra lệnh chỉ huy.
Giới phân tích tin rằng nếu tuyên bố của Ngoại trưởng Nga là đúng thì các tin tặc có thể có khả năng phi kích hoạt liên lạc của vệ tinh Nga, khiến nó không hoạt động được.
Các tin tặc cũng có một phương án khác, đó là gây ra hư hại không thể phục hồi bằng cách vứt bỏ hết nhiên liệu của vệ tinh và hướng thiết bị chụp ảnh của nó về phía mặt trời nhằm khiến nó bị đốt cháy.
Nga có lịch sử dài lâu khám phá vũ trụ và đã phát triển một loạt các công nghệ vũ trụ tiên tiến, bao gồm phương tiện phóng, vệ tinh và tàu vũ trụ có người lái. Trái lại, Ukraine phụ thuộc nặng nề vào các liên lạc vệ tinh thương mại chủ yếu do Mỹ cung cấp.
Vệ tinh lưỡng dụng
Trong các năm gần đây, xuất hiện xu hướng nhà nước thuê các công ty tư nhân để thực hiện một phần đáng kể các nhiệm vụ liên quan đến vũ trụ do các công ty này có chuyên môn sâu và khả năng phát triển, thực thi các loại công nghệ vũ trụ hiệu quả hơn.
Điều này dẫn tới việc gia tăng sử dụng các vệ tinh tư nhân cho các mục đích cả quân sự lẫn dân sự. Một vệ tinh có thể phục vụ đồng thời nhiều mục đích khác nhau. Ukraine hiện đang sử dụng các dịch vụ vệ tinh thương mại do công ty Space X có trụ sở ở Mỹ cung cấp.
Starlink, một dịch vụ internet dựa trên vệ tinh do SpaceX cung cấp, đã trở thành nguồn cung cấp thông tin trọng yếu cho quân đội Ukraine, giúp kết nối với các binh sĩ triển khai ở tiền tuyến, nơi các phương pháp liên lạc truyền thống không có sẵn.
Giới chức Ukraine đã ca ngợi hệ thống này, nêu các ví dụ mà Starlink có khả năng tái thiết lập các kết nối sau khi cơ sở hạ tầng của Ukraine bị các tên lửa hành trình phá hủy.
Trong khi đó, Nga cáo buộc rằng các diễn biến ở Ukraine đã nhấn mạnh một xu hướng đặc biệt nguy hiểm vượt ra ngoài việc triển khai hòa bình các công nghệ vũ trụ.
Moscow thường nói rằng nếu các vệ tinh thương mại của Mỹ được sử dụng để ủng hộ Ukraine thi Nga có thể tấn công chúng - điều này sẽ làm xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine leo thang lên một nấc mới có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ một cách trực tiếp hơn.
Thực tế, Tổng giám đốc điều hành của SpaceX, Elon Musk, có đề cập rằng các vệ tinh Starlink đã đương đầu với các nỗ lực tác động từ phía Nga./.