Một tháng sau vụ ám sát Kim Jong-nam: Bí ẩn chưa có lời giải
VOV.VN - Với những tranh cãi ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên, bí ẩn vụ sát hại ông Kim Jong-nam cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Đã tròn một tháng kể từ khi công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho chính là ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị sát hại tại sân bay Quốc tế Kuala Lumpur (KLIA2), đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy câu chuyện này sẽ sớm kết thúc.
Vụ sát hại ông Kim Jong-nam cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn. (Ảnh: freemalaysiatoday)
Ngày 13/2, công dân Triều Tiên mang hộ chiếu dưới cái tên Kim Chol, 45 tuổi đã bị hai phụ nữ nước ngoài sát hại khi đang chuẩn bị đáp chuyến bay từ KLIA2 về Macau. Diễn biến của vụ việc sau đó được CCTV công bố cho thấy, ông Kim Chol đã chết trong khoảng 20 phút sau vụ tấn công.
Một ngày sau đó, khi tin tức về vụ sát hại công dân Triều Tiên ngay tại KLIA2 được loan báo, các phương tiện truyền thông đã đổ xô tới bệnh viện Putrajaya - nơi thi thể ông Kim Chol được chuyển đến sau khi không thể qua khỏi.
Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar sau đó cho biết, dựa trên tấm hộ chiếu ngoại giao, cảnh sát xác định nạn nhân là công dân Triều Tiên có tên Kim Chol.
Cũng giống như nhiều trường hợp liên quan đến những nhân vật quan trọng khác, thi thể của ông Kim Chol được lưu giữ tại nhà xác của bệnh viện Kuala Lumpur để phục vụ công tác khám nghiệm tử thi dưới sự canh phòng cẩn mật của lực lượng đặc nhiệm.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc lấy mẫu ADN của người thân nạn nhân để hoàn tất thủ tục trao trả thi thể cho phía Triều Tiên vẫn chưa được hoàn tất. Nhật Bản cung cấp dữ liệu dấu văn tay Kim Jong-nam cho Malaysia
Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc
Ngày 15/2, hai ngày sau khi xảy ra vụ sát hại ông Kim Chol, cảnh sát Malaysia bắt nghi phạm đầu tiên liên quan đến vụ việc. Nghi phạm này được xác định là Đoàn Thị Hương, 28 tuổi mang hộ chiếu Việt Nam.
Chỉ một ngày sau đó, ngày 16/2, cảnh sát Malaysia bắt thêm một nghi phạm người Indonesia có tên Siti Aisyah, 25 tuổi. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó Thủ tướng Malaysia ông Ahmad Zahid Hamidi chính thức xác nhận, người đàn ông Triều Tiên chết bất thường tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 hôm 13/2 chính là Kim Jong-nam - người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Cảnh sát Triều Tiên cũng bắt một công dân Triều Tiên có tên Ri Jong-chol ngày 17/2. Tuy nhiên, ông Ri được phóng thích vào ngày 3/3 sau khi nhà chức trách Malaysia không tìm thấy bằng chức buộc tội. Nhà hóa học 47 tuổi này đã bị trục xuất cùng ngày.
Mặc dù Đại sứ quán Triều Tiên nhấn mạnh rằng, nạn nhân đã chết vì một cơn đau tim và ông này từng có tiền sử bệnh lý liên quan, kết quả khám nghiệm tử thi của phía Malaysia lại cho thấy, người được cho là ông Kim Jong-nam bị giết bằng chất độc thần kinh VX – chất độc được Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cơ quan điều tra của Malaysia xác định, những nghi phạm liên quan đến giết người vẫn chưa dừng ở đó. Đáng chú ý, trong số những người bị liệt vào “danh sách đen” của cảnh sát Malaysia còn bao gồm Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia Hyon Kwang-song.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương được đưa tới tòa hôm 1/3. (Ảnh: AFP) |
Ngày 1/3, Tòa án sơ thẩm Sepang, bang Selangor, Malaysia đã buộc tội giết người đối với hai nữ nghi phạm liên quan đến vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, người được cho là ông Kim Jong-nam – người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Cụ thể, hai nghi phạm, gồm Đoàn Thị Hương mang quốc tịch Việt Nam và Siti Aisyah, người Indonesia, bị buộc tội theo điều 302, Bộ luật Hình sự Malaysia với tội danh tội giết người.
Căng thẳng ngoại giao bị đẩy lên cao trào
Quan hệ ngoại giao Malaysia – Triều Tiên đã bị thử thách nặng nề khi Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia Kang Chol lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc điều tra do cảnh sát Malaysia tiến hành, đồng thời cáo buộc chính quyền Malaysia "che đậy điều gì đó" liên quan đến cái chết của ông Kim.
Tuyên bố của của Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia đã châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa ông với Bộ Ngoại giao Malaysia. Ông Kang Chol sau đó vẫn tiếp tục có những phát biểu chỉ trích cách thức giải quyết vụ việc của phía Malaysia.
Malaysia đáp trả bằng việc ngừng miễn thị thực cho công dân Triều Tiên. Điều đáng nói, Malaysia là quốc gia duy nhất không yêu cầu thị thực với công dân Triều Tiên.
Ngày 6/3, Đại sứ Kang Chol rời khỏi Malaysia sau khi chính quyền sở tại tuyên bố trục xuất ông này hôm 4/3. Lý giải cho quyết định trục xuất ông Kang Chol, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, nước này đang bảo vệ "chủ quyền và lòng tự trọng" của mình.
Đáp lại, Triều Tiên cũng trục xuất Đại sứ Malaysia tại Triều Tiên Mohamad Nizan.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol bị trục xuất. (Ảnh: AP) |
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang vào ngày 7/3 khi Bình Nhưỡng ra quyết định cấm toàn bộ 11 người Malaysia rời khỏi Triều Tiên, biến những người này thành “con tin ngoại giao”.
Malayia cũng “ăn miếng trả miếng” bằng cách ban hành lệnh cấm tương tự với 315 công dân Triều Tiên đang có mặt ở nước này.
Cũng trong ngày 7/3, cảnh sát Malaysia ngày 7/3 đã phong tỏa Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur và yêu cầu nhân viên sứ quán không được rời đi. Động thái này được đưa ra sau khi Malaysia cho rằng, hai nghi phạm người Triều Tiên trong vụ sát hại ông Kim Jong-nam trốn trong sứ quán.
Ngày 10/3, Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia, Khalid Abu Bakar lên tiếng khẳng định, người đàn ông bị sát hại tại KLIA2 hôm 13/2 là ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát Malaysia chính thức xác nhận danh tính của người đàn ông thiệt mạng tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur với hộ chiếu mang tên Kim Chol.
Cuối ngày 10/3, cảnh sát Malaysia cũng đã tiến hành bàn giao thi thể ông Kim Jong-nam cho Bộ Y tế nước này sau khi hoàn tất quá trình khám nghiệm./. Bộ Y tế Malaysia chưa biết làm gì với thi thể ông “Kim Jong-nam”
Cảnh sát Malaysia xác nhận người thiệt mạng ở sân bay là Kim Jong-nam