Mục đích của Thủ tướng Anh khi đề xuất “treo” Nghị viện
VOV.VN - Trong bối cảnh thời hạn chót để Anh rời khỏi EU (Brexit) đang đến gần, theo kế hoạch là vào ngày 31/10, chính trường Anh vừa có những biến động mới.
Trong bức thư gửi cho các nghị sĩ Anh sáng 28/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu tiên công khai khẳng định ý định của ông về việc sẽ đóng cửa Nghị viện Anh trong thời gian từ ngày 10/9-14/10.
Quốc hội Anh. Ảnh: CarbonCulture. |
Như vậy Nghị viện Anh sẽ rơi vào trạng thái “treo” trong vòng hơn 1 tháng tới. Vậy mục đích khi đề xuất Nghị viện “treo” là gì? Điều này sẽ tác động ra sao đến tình hình chính trường Anh trong thời gian tới?
Phản ứng từ các nghị sĩ và người dân Anh
Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư đề nghị Nữ hoàng Anh chấp thuận việc treo Nghị viện Anh trong 45 ngày là một cú sốc lớn trên chính trường Anh và đang tạo ra các tranh cãi gay gắt trên chính trường cũng như trong dư luận Anh. Ngay sau khi ông Boris Johnson công bố quyết định của mình, rất nhiều chính trị gia từ mọi đảng phái, trong đó có cả đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson, đã lên tiếng chỉ trích.
Chủ tịch Hạ viện Anh, John Bercow cho rằng đây là một sự xâm phạm nghiêm trọng về Hiến pháp. Các lãnh đạo các đảng đối lập như ông Jeremy Corbyn của Công đảng, bà Jo Swinson của đảng Dân chủ-tự do (Lib-Dems) hay bà Nicola Sturgeon của đảng Dân tộc Scotland thì chỉ trích đây là một quyết định phản dân chủ, phớt lờ quyền lực của Nghị viện là nơi đại diện cho tiếng nói của cử tri, thậm chí coi đây là một hành động độc tài của ông Boris Johnson.
Trước hết, cần phải nói rõ rằng, quyết định của ông Boris Johnson không hoàn toàn là vi hiến. Lý do là vì Vương quốc Anh vốn không có một bản Hiến pháp thành văn mà là một tập hợp các thông lệ, các truyền thống, đồng thời được hỗ trợ bởi các luật thành văn khác. Vì thế, tranh cãi về việc ông Boris Johnson có “vi hiến” hay không hiện tại không có kết quả đúng-sai. Một số người cho rằng quyết định của ông Johnson không vi hiến vì trong quá khứ, Thủ tướng Anh từng có thông lệ tạm treo Nghị viện Anh.
Tuy nhiên, một chuyên gia luật Hiến pháp nổi tiếng Anh là Meg Russell thì phân tích rằng do Hiến pháp Anh dựa trên việc các thành phần chính trị đều tôn trọng truyền thống nên việc ông Johnson bỏ qua điều đó và lại treo Nghị viện Anh quá dài trong giai đoạn đặc biệt quan trọng với nước Anh, có thể coi là vi hiến.
Tuy nhiên, vì các tranh cãi này không thể có kết luận nên trong hai ngày qua, các đảng phái tại Anh đang sục sôi tìm kiếm các liên minh, đề ra các giải pháp để ngăn chặn quyết định của ông Boris Johnson. Về tổng thể, phe các đảng đối lập gồm Công đảng, đảng Dân chủ-tự do và đảng Dân tộc Scotland đang lôi kéo lực lượng và vận động để tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Boris Johnson ngay trong tuần sau, khi Nghị viện Anh làm việc trở lại. Mục tiêu lớn nhất của nhóm này hướng tới có thể là lập một chính phủ đoàn kết quốc gia thay chính phủ của ông Johnson.
Trong khi đó, nhóm các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ, trong đó có các nhân vật nổi bật như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, cựu Bộ trưởng Tư pháp David Gauke lại muốn vận động để Nghị viện Anh ngay lập tức thông qua luật bác bỏ mọi kịch bản Brexit không thoả thuận, bởi nhóm này tuy không muốn lật đổ chính phủ của chính đảng mình nhưng cũng không tin là ông Boris Johnson có thể tìm được giải pháp khác cho Brexit trong thời hạn 30 ngày mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra cho phía Anh.
Cuối cùng, trong dư luận và giới trí thức Anh thì quyết định của ông Boris Johnson về việc treo Nghị viện Anh cũng tạo nên sự phản đối gay gắt. Hơn 1,5 triệu người đã ký vào lá đơn trên mạng yêu cầu ông Johnson huỷ bỏ quyết định này. Nhiều cuộc biểu tình đã và đang tiếp tục diễn ra. Trên các tờ báo lớn, nhiều trí thức Anh chỉ trích hành động này làm tổn hại đến các nền tảng dân chủ lâu đời của nước Anh nên họ cương quyết phản đối. Ngay trong chiều 28/8, một cuộc thăm dò dư luận do hãng YouGov tiến hành cho thấy, 47% dân chúng Anh phản đối quyết định treo Nghị viện của ông Boris Johnson và chỉ có 27% đồng tình.
Mục đích trong đề xuất của Thủ tướng Anh
Đa số giới phân tích cho rằng việc đình chỉ hoạt động của Quốc hội là
“chiêu bài” của tân Thủ tướng Johnson nhằm ngăn cản Quốc hội Anh tranh
luận cũng như các cản trở trong việc thực thi ý định rời EU vào ngày 31/10
mà không có thoả thuận. Bằng việc treo Nghị viện Anh đến ngày 14/10, chính phủ Anh đã thu hẹp nghiêm trọng không gian và thời gian tranh luận của Nghị viện Anh về các bước đi liên quan đến Brexit.
Theo tính toán kỹ của giới phân tích, dù chỉ bị treo đến 14/10 nhưng phải đến 21/10, tức chỉ 10 ngày trước khi Brexit có hiệu lực, các nghị sĩ Anh mới có thể tranh luận về Brexit. Bằng cách này thì chính phủ của ông Johnson loại bỏ được rất nhiều các đe doạ từ các nghị sĩ vốn muốn chống đối kịch bản Brexit không thoả thuận đến cùng.
Ý định này của ông Johnson càng nhìn thấy rõ hơn từ phía Brussels bởi trong thời gian qua, bất chấp việc ông Johnson tuyên bố mình vẫn muốn rời EU với một thoả thuận, giới ngoại giao ở Brussels cho rằng đội ngũ cố vấn cũng như đàm phán của Anh hiện nay chỉ đang tìm cách kéo dài thời gian.
Hôm 28/8, cố vấn của ông Johnson là ông David Frost tiếp tục tới Brussels để có cuộc họp kỹ thuật với phía EU để bàn về khả năng tìm kiếm thoả thuận Brexit mới nhưng phía EU thông tin cho biết là qua rất nhiều cuộc họp kỹ thuật trong 1 tháng qua, phía Anh chưa đưa ra bất cứ đề xuất cụ thể nào. Vì thế, EU tin rằng chính phủ Anh đã lựa chọn Brexit không thoả thuận và chỉ đang cố tạo vỏ bọc đàm phán với EU nhằm né tránh chỉ trích từ trong nước Anh.
Kịch bản cho chính trường Anh trong thời gian tới
Có thể nói, Brexit là một sự kiện vô cùng phức tạp và với các diễn biến mới trên chính trường Anh mấy ngày qua thì sự phức tạp này càng lớn hơn. Hiện tại, có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra bởi mỗi một khả năng lớn, như việc Nghị viện không bị treo, lại dẫn đến 3-4 khả năng nhỏ hơn và từ 3-4 khả năng nhỏ này lại nảy sinh 2-3 khả năng khác nhỏ hơn nữa. Nói cách khác là tình thế Brexit hiện tại giống như một cái cây cổ thụ có nhiều cành lớn và từ nhiều cành lớn lại chìa ra nhiều cành nhỏ hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có thể đề cập đến một số kịch bản chính như sau. Trước hết, hiện đã có 2 đơn kiện của một số nghị sĩ và luật sư Anh lên Toà công lý tối cao tại London và tại Edinburg về quyết định của ông Boris Johnson. Nếu Toà ra phán quyết ủng hộ ông Boris Johnson thì chính phủ Anh khi đó sẽ cố gắng thuyết phục EU đàm phán lại thoả thuận Brexit. Nếu EU từ chối thì ngày 31/10/2019, Anh sẽ rời EU mà không có thoả thuận. Nếu EU đồng ý có một thoả thuận Brexit mới thì khi đó thoả thuận này sẽ lại được đem về cho Nghị viện Anh bỏ phiếu. Nếu đồng ý thì ngày 31/10/2019, Anh sẽ rời EU có thoả thuận. Nếu Nghị viện Anh bác bỏ thì có 3 kịch bản có thể xảy ra: Brexit bị tạm hoãn; Anh huỷ bỏ Brexit hoặc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2.
Tuy nhiên, dù Toà ở Anh có ra phán quyết ủng hộ hay huỷ bỏ quyết định của ông Johnson thì nhiều khả năng vào tuần sau, Nghị viện Anh có thể có một phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Johnson. Đây là điều các đảng đối lập đang hướng đến. Nếu chính phủ của ông Johnson qua được cuộc bỏ phiếu này thì sẽ tiếp tục chiến lược Brexit hiện nay còn nếu không thì phía đảng Bảo thủ đe doạ sẽ tổ chức tuyển cử sớm từ 1-5/11/2019, tức là sau khi Anh rời khỏi EU mà không có thoả thuận.
Nhưng khả năng các đảng đối lập lật đổ được ông Boris Johnson để lập nên một chính phủ đoàn kết quốc gia, mà nhiều khả năng sẽ do ông Jeremy Corbyn đứng đầu là không cao. Thứ nhất, để làm điều đó thì phe đối lập cần lôi kéo được các nghị sĩ chống đối trong đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại chính phủ của đảng Bảo thủ. Việc này về lý thuyết là không khả thi. Quan trọng hơn, bản thân giữa các đảng đối lập Anh hiện cũng đang chia rẽ rất lớn, đồng thời đa số không chấp nhận viễn cảnh ông Jeremy Corbyn làm Thủ tướng Anh, do ông này quá thiếu quyết đoán và quá mập mờ về đường lối chính trị.
Khả năng tương đối lớn có thể xảy ra là nghị sĩ các đảng đối lập cũng như các nghị sĩ chống đối của đảng Bảo thủ có thể liên kết để cho ra một bộ luật ngăn cản mọi hình thức rời EU mà không có thoả thuận. Vấn đề là các nghị sĩ này sẽ chỉ có thời gian rất ngắn, từ ngày 3-9/9 để làm điều đó. Tóm lại, tình thế Brexit hiện tại đang đặc biệt phức tạp và khó lường và không ai dám chắc điều gì sẽ đến trong những ngày tới./. Chính trường Anh rối loạn vì Quốc hội treo