Mỹ chia nhỏ Trung Đông, Nga bảo tồn lợi ích
VOV.VN - Nga ủng hộ chính quyền Syria song cũng không tuyên bố sẽ có hành động quân sự vì lợi ích của ông Assad.
Khi việc chuẩn bị tấn công bằng hỏa lực của Mỹ vào Syria đã lên đến đỉnh điểm, chỉ còn đợi giờ khai hỏa, thì bất ngờ Tống tống Obama đưa vấn đề trên ra xin ý kiến lưỡng viện. Và tiếp sau là hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ (15/9) theo đó kho vũ khí hóa học của Syria sẽ bị tiêu hủy vào giữa năm 2014, ông Obama gọi đây là một “bước đi quan trọng” đã tạm thời loại bỏ cuộc chiến Syria do Mỹ khởi xướng, khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao.
Lợi ích chiến lược của Mỹ
Những gì đã và đang xảy ra tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, đều nằm trong định hướng của chính sách “Đại Trung Đông” mới, do Mỹ đưa ra sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Với chủ trương trả lại thời nguyên thủy của Trung Đông dưới hình thức bộ lạc sẽ dễ quản lý hơn, vì sẽ không có đòi hỏi dân tộc, đàm phán với bộ lạc cũng dễ dàng hơn, chỉ cần thông qua các hình thức mua chuộc thủ lĩnh bằng tiền là các vấn đề có thể được giải quyết.
Tàu chở thuyền đổ bộ của Nga tại Syria (ảnh: RT) |
Trong bối cảnh Mỹ hiện đang gặp khó khăn về kinh tế, cùng với sự biến động chính trị, xã hội tại Trung Đông, khiến cho khu vực này thêm bất ổn với nhiều mâu thuẫn nội tại ngày càng gia tăng.
Mặc dù Tổng thống Obama tuyên bố chấp nhận một thế giới đa cực, nhưng Mỹ vẫn muốn giữ vị thế lãnh đạo thế giới, và các giải pháp được tối ưu hóa, can dự có chọn lọc, giảm thiểu sự hiện diện và coi trọng hơn các hoạt động phối hợp với các đối tác và đồng minh khu vực, nhất là phát huy vai trò của NATO.
Trong bối cảnh trên, thì thỏa thuận Mỹ - Nga mới đây được coi là một bước tiến trong quá trình thực thi chiến lược đã được xác định vì chính quyền Syria buộc phải giao nộp kho vũ khí hóa học và tiêu hủy kho vũ khí này dưới sự kiểm soát quốc tế, trong khi vấn đề vũ khí hạt nhân của Israel vẫn không bị đả động tới. Và mặc nhiên, phe đối lập vẫn còn đó và được Mỹ cung cấp vũ khí trang bị chiến tranh để tiếp tục tìm cách lật đổ chế độ của Tổng thống Assad.
Chiến tranh vẫn còn đó, đúng như Ranpho Pito, một Đại tá Mỹ về hưu viết cuốn sách có tựa đề “Đừng bao giờ ngừng chiến” và “Các biên giới đẫm máu. Trung Đông có thể tốt hơn”. Vì thế, cuộc chiến bắt đầu từ Iraq đến Lybia, Syria và tiếp theo có thể là Ai Cập, Iran... đều nằm trong sự trù liệu của Mỹ - “Chiến lược Đại Trung Đông” mới.
Điều quan trọng hơn là lần này Nga đã “giúp” Tổng thống Obama thoát khỏi thế lúng túng trước nguy cơ phản đối của lưỡng viện và người dân Mỹ, và giữ lại danh hiệu Tổng thống “bồ câu” mà ông đã nhận được hồi năm 2009.
Lợi ích của Nga được bảo tồn
Syria vốn là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của Nga ở Trung Đông. Nếu mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích, vị thế ở Trung Đông suy giảm, các hợp đồng vũ khí không thể tiếp tục và số phận của căn cứ hải quân tại bờ biển Địa Trung Hải này cũng khó giữ được…
Trong những năm qua, Nga đã rất kiên định trong lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Assad và chống lại mọi nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm lật đổ ông này. Nga luôn khẳng định, công việc nội bộ của một nước phải do chính người dân nước đó tự quyết định, sự can thiệp từ bên ngoài là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong hơn hai năm rưỡi vừa qua, Nga ủng hộ Syria nhưng luôn ở thế phòng thủ với cái gậy ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng giờ đây Moscow đã chuyển sang thế tấn công ngoại giao, chủ động đưa ra kế hoạch đẩy lui cuộc tấn công quân sự đang cận kề do Mỹ phát động, bằng cách thuyết phục Damascus chấp nhận đặt các kho vũ khí hóa học của nước này dưới quyền kiểm soát quốc tế.
Trong khi Nga đã điều một số tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen tiến vào Địa Trung Hải, đưa số tàu chiến của Nga tại khu vực lên hàng chục chiếc, vũ khí sẵn sàng, tuy nhiên Moscow vẫn tuyên bố rằng họ sẽ không hành động quân sự vì lợi ích của ông Assad.
Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Putin đã cố gắng hồi sinh nước Nga nhưng đó chưa phải là sức mạnh mà quốc gia này đã từng có dưới thời Xô viết.
Vị thế địa chiến lược của Nga tuy đã thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng tầm ảnh hưởng vẫn còn hạn chế. Nga có thể bị đánh giá là bất lực về quân sự, nên các tàu chiến của Nga chỉ có thể tuyên bố chẳng làm gì cả.
Nhà phân tích Alexander Konovalov cho rằng, Nga đang có nhiều mối quan ngại nếu cuộc chiến lan rộng ra khu vực tiếp giáp với đường biên giới Nga. Vì thế, kế hoạch đặt các vũ khí hóa học Syria vào tầm kiểm soát quốc tế thực sự là một tình huống đôi bên cùng có lợi, khiến “các bên đều thoát khỏi bế tắc và giữ thể diện về chính trị”.
Biên tập viên tạp chí Nước Nga, Fyodor Lukyanov tin rằng “nước Nga đã nhìn thấy một cơ hội cho chiến thắng ngoại giao bởi kế hoạch về vũ khí hóa học của nước này mang lại cho tất cả các bên một điều gì đó”.
Người Mỹ có thể tự nhận “áp lực của chúng tôi lên Assad, cũng như các đe dọa của chúng tôi, đã cho kết quả”. Còn “phía Nga có thể tuyên bố họ đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh”. Và ông Assad “có thể nói rằng ông đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất”.
Như vậy, thỏa thuận Mỹ - Nga về Syria đã làm hạ nhiệt “điểm nóng” Trung Đông xuất phát từ vị thế địa chiến lược và lợi ích của hai bên. Các chuyên gia phân tích cho rằng Syria nói riêng và Trung Đông nói chung là nơi diễn ra cuộc đấu tranh chiến lược quyết liệt lâu dài giữa hai cường quốc Mỹ - Nga và hồi kết vẫn còn khó đoán định./.