Mỹ dừng ủng hộ phe đối lập, Syria có thoát khỏi vòng xoáy nội chiến?
VOV.VN - Tình hình nội chiến Syria sẽ đi tới đâu sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố ngưng hỗ trợ cho phe đối lập Syria.
Trong những ngày qua, dư luận khu vực Trung Đông đang có nhiều ý kiến và nhận định khác nhau xung quanh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chương trình hỗ trợ cho lực lượng đối lập Syria.
Phiến quân Syria. Ảnh: WashingtonTimes.
Thay vào đó, sự can dự của Mỹ vào Syria chỉ còn bao gồm các hoạt động đi cùng với chiến dịch không kích của liên quân chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các chương trình huấn luyện cho lực lượng người Kurd tại quốc gia này.
Các nhà bình luận khu vực cho rằng, bước đi của Washington là nhằm giảm bạo lực và xung đột, nhất là sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Nga ở các khu vực bất ổn phía Nam Syria. Tuy nhiên, một số khác cũng đã bày tỏ lo ngại về khả năng các nhóm cực đoan tại Syria nhân cơ hội này để tái tập hợp và “sản sinh” ra những tổ chức thánh chiến mới, từ đó làm gia tăng hơn bất ổn ở khu vực.
Sự thay đổi chính sách có dụng ý của Mỹ
Nhiều nguồn tin ở khu vực đồn đoán, quyết định chấm dứt hỗ trợ phe nổi dậy Syria đã được Nhà Trắng đưa ra cách đây một tháng, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Theo đó, tại buổi làm việc với người đứng đầu Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc đến giải pháp dừng cung cấp vũ khí và các nhu yếu phẩm cho Lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ hơn nữa từ phía Nga. Điều này cho thấy sự thay đổi chính sách của Mỹ, muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, thay vì chống lại chế độ Tổng thống Syria Bashar Al Assad như trước đây.
Một số ý kiến cũng cho rằng, quyết định của chính quyền Mỹ là nhằm điều chỉnh một chính sách hiệu quả hơn tại khu vực. Được biết, thời gian qua, giải pháp hỗ trợ cho phe đối lập Syria đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Mục tiêu ban đầu của Mỹ là nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad, nhưng kế hoạch này đã bị phá vỡ kể từ khi Nga tăng cường hiện diện tại Syria. Sự can thiệp của Moscow vừa nhanh chóng khôi phục và củng cố lại chính quyền tại Damascus, đồng thời cũng làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.
Việc Mỹ và Nga sau đó đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn tại khu vực miền Nam Syria được xem là bước đi phù hợp của Washington.
Bởi, trong bối cảnh cuộc chiến chống IS bước vào giai đoạn quyết định, Mỹ buộc phải đưa ra lựa chọn: hoặc là tăng cường hỗ trợ cho nhóm nổi dậy với hy vọng buộc chính phủ Syria phải thỏa hiệp; hoặc từ bỏ ý định lật đổ Tổng thống Assad, và hợp tác với Nga trong những nỗ lực ngừng bắn để bảo toàn lực lượng. Và như vậy, trong thời điểm này, chỉ có phương án hợp tác với Nga mới có thể mang lại các lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, chấm dứt tài trợ cho lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) sẽ không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Mỹ dừng hỗ trợ cho các nhóm đối lập khác với ông Assad. Theo đó, với hạt nhân là các tay súng người Kurd, lực lượng dân chủ Syria (SDF) ở khu vực miền Đông Syria đang được phía Mỹ đánh giá là có tiềm lực quân sự mạnh, có khả năng đương đầu với các nhóm khủng bố cũng như ở thế đối trọng với chính phủ Syria. Được biết, hiện tổ chức này đang chiến đấu khá thành công nhằm giành lại thủ phủ của IS ở thành phố Raqqa. Do đó, trong thời gian tới, Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ sự hỗ trợ trên không và vũ khí cho SDF.
Lỗ hổng sau khi Mỹ ngừng hỗ trợ phe đối lập
Việc Mỹ chấm dứt bảo trợ cho phe nổi dậy Syria sẽ không tránh khỏi những tác động và hệ quả tiêu cực sau đó. Trước tiên là khả năng sẽ làm tan rã các phe nhóm nổi dậy. Theo đó, các nhóm như lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan, hoặc sẽ phải chịu sự sáp nhập, điều khiển bởi các lực lượng tham chiến khác do Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh Arab hậu thuẫn.
Quân đội Syria tuyên bố ngừng bắn ở đông Ghouta (Syria)
Trong khi đó, sự “rút lui” của Mỹ được xem là cơ hội không thể thuận lợi hơn cho chính quyền Tổng thống Assad, cho phép quân đội nước này có thể tập trung vào mặt trận chống IS và dồn lực tái chiếm các khu vực khác, kể cả khu vực của các tay súng FSA.
Triển vọng hòa bình cho Syria vẫn còn là một dấu hỏi lớn
Việc Mỹ chấm dứt hỗ trợ cho phe nổi dậy Syria là để nối lại đàm phán với Nga, qua đó nhằm hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Ý đồ của các bên là muốn định hình lại chính trường Syria sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc. Tuy nhiên, một lộ trình hòa bình cho Syria chưa thể xác định khi các thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên không được đảm bảo và tình hình trên thực địa vẫn chưa được hạ nhiệt.
Trong khi đó, quyết định vừa qua của Mỹ dường như là “chất xúc tác” khiến các bên tại Syria gia tăng hơn các hoạt động trên thực địa. Theo đó, các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, các tay súng người Kurd, phiến quân IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác sẽ tiếp tục khai thác “lỗ hổng” an ninh này để gia tăng quyền kiểm soát lãnh thổ. Điều này dẫn đến khả năng Syria sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy của nội chiến, bị phân chia thành các vùng tự trị riêng biệt, dưới sự kiểm soát của các phe nhóm khác nhau.
Ngoài ra, quan điểm của Mỹ và Nga về Syria hiện vẫn còn khá khác biệt, sẽ là trở ngại lớn trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Được biết, Mỹ coi các động thái “rút lui” vừa qua là nhằm hướng tới một chính quyền chuyển tiếp với sự tham gia của các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad và các phe nhóm đối lập. Tuy nhiên, Nga lại ít quan tâm giải quyết cuộc xung đột theo giải pháp của Washington, nhất là việc chia sẻ quyền lực với ông Assad hay hạn chế vai trò ảnh hưởng của Iran tại Syria./.