Mỹ gây sức ép cho Hamas về lệnh ngừng bắn với Israel, cho rằng “thời cơ đã đến”
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 1/5 đã gia tăng áp lực lên phía Hamas nhằm chấp nhận đề xuất mới nhất về một lệnh ngừng bắn với Israel và cho rằng “đã đến lúc” cho một thoả thuận phóng thích con tin cũng như tạm dừng gần 7 tháng xung đột tại Gaza.
Tuy vậy, điều quan trọng là liệu thoả thuận này có chấm dứt hoàn toàn cuộc tấn công của Israel như phía Hamas đã yêu cầu hay không.
Sức ép về một lệnh ngừng bắn
Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Israel - điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du thứ bảy đến khu vực Trung Đông kể từ khi xung đột nổ ra vào 7/10 và cố gắng thúc đẩy một thoả thuận giữa Israel và Hamas. Mỹ cùng các bên trung gian hòa giải Ai Cập và Qatar hy vọng sẽ ngăn chặn được cuộc tấn công của Israel vào thị trấn Rafah ở miền Nam Gaza, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine đang trú ẩn.
Trong suốt nhiều tháng đàm phán, Hamas tuyên bố việc phóng thích tất cả các con tin mà lực lượng này bắt giữ phải đưa đến việc chấm dứt xung đột vĩnh viễn và Israel phải rút quân ra khỏi Gaza.
Theo một số nguồn tin, thoả thuận được đề xuất hiện đang là trọng tâm của các cuộc đàm phán. Tuy vậy, quan chức Ai Cập cho biết phía Hamas đang tìm cách tăng cường tiếng nói của mình nhằm đảm bảo Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, đồng thời nhận định, Israel có thể sẽ đưa ra phản hồi về đề xuất này vào ngày 2/5.
Trong một bài phát biểu trước công chúng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kiên quyết từ chối việc chấm dứt xung đột trước khi Hamas bị tiêu diệt. Ông Netanyahu trong các cuộc đàm phán ngày 1/4 cũng đã nhắc lại tuyên bố về việc phát động cuộc tấn công vào Rafah, nơi ông cho rằng là thành trì cuối cùng của Hamas tại Gaza.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Israel đã thực hiện các thoả hiệp “rất quan trọng” trong nỗ lực về một lệnh ngừng bắn và bây giờ tình hình tuỳ thuộc vào phía Hamas để đạt được thoả thuận. Ngay trước khi rời Israel, ông Blinken cũng cho biết “không còn thời gian để mặc cả thêm nữa, thoả thuận đã có ngay tại đây”.
Trước đó, trong cuộc đàm phán với Tổng thống Israel Issac Herzog tại Tel Aviv, ông Blinken tuyên bố Hamas sẽ chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thất bại nào trong việc đạt được thoả thuận.
“Không chậm trễ, không bào chữa. Đã đến lúc rồi”, ông Blinken nói.
Theo ông Blinken, thoả thuận này sẽ cho phép thực phẩm, thuốc men và nước uống thiết yếu vào Gaza, nơi cuộc xung đột đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đẩy miền Bắc đến bờ vực của nạn đói và 2,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Ông Blinken cho biết đã có những “tiến triển ý nghĩa” trong nỗ lực tăng viện trợ. Vào ngày 1/5 vừa qua, Israel đã mở lại cửa khẩu Erez nhằm vận chuyển hàng hoá viện trợ vào miền Bắc Gaza lần đầu tiên kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas.
Một vấn đề luôn bỏ ngỏ trong các cuộc đàm phán ngừng bắn là khả năng về một cuộc tấn công của Israel vào Rafah, nơi hơn một nửa dân số Gaza đang tị nạn trong các lều trại và các khu trú ẩn khác. Ngày 30/4, Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công bất chấp thoả thuận ngừng bắn.
Sau cuộc gặp với ông Blinken ngày 1/5, văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết “chiến dịch ở Rafah không hề phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Thủ tướng cũng đã làm rõ điều này với Ngoại trưởng Blinken”. Những người theo đường lối cứng rắn trong liên minh của ông Netanyahu đã phản đối bất cứ thoả thuận nào nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công vào Rafah và xem đây là chiến thắng cho phía Hamas.
Mỹ đã kiên trì ủng hộ chiến dịch bắn phá và mặt đất của Israel ở Gaza kể từ cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10. Tuy vậy, Mỹ ngày càng chỉ trích việc số lượng lớn dân thường Palestine thiệt mạng và thẳng thắn phản đối động thái ở Rafah. Giới chức Mỹ cũng cho biết họ phản đối một cuộc tấn công lớn nhưng nếu Israel tiến hành tấn công, trước hết nước này phải sơ tán dân thường.
Còn tại Rafah, người dân Palestine đang bám víu vào hy vọng về một lệnh ngừng bắn sẽ được ban hành và ngăn chặn được cuộc tấn công.
Bà Salwa Abu Hatab, một người phụ nữ phải chạy trốn khỏi Khan Younis, hiện đang sống trong một khu trại tị nạn, cho biết mình muốn được về nhà.
“Bạn có nghĩ rằng chúng tôi thích cuộc sống trong lều không? Chúng tôi mệt mỏi và đau khổ. Mỗi ngày họ đều nói rằng có một thoả thuận ngừng bắn và các cuộc đàm phán, nhưng rồi cuối cùng lại thất bại. Chúng tôi hi vọng lần này sẽ thành công”, bà Salwa nói.
“Nếu cuộc tấn công xảy ra, chúng tôi không biết phải đi đâu nữa”, bà Enas Syam, một phụ nữ trong trại tị nạn cho biết. Theo bà: “Không còn nơi nào an toàn để dung thân”.
Các cuộc không kích của Israel vào Gaza vẫn tiếp tuc. Theo các nhà chức trách y tế, một cuộc tấn công ngày 30/4 đã đánh trúng một ngôi nhà ở Rafah, khiến ít nhất 2 trẻ em thiệt mạng.
Cuộc đột kích ngày 7/10 của Hamas vào miền Nam Israel đã châm ngòi cho cuộc xung đột tại Gaza, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, đa số là dân thường và khoảng 250 con tin bị bắt giữ. Lực lượng Hamas được cho là vẫn giữ hơn 100 con tin và thi thể của hơn 30 người khác.
Theo giới chức y tế địa phương, kể từ đó, chiến dịch của Israel tại Gaza đã khiến hơn 34.000 người Palestine thiệt mạng và những sự tàn phá kinh khủng.
Lộ trình thực hiện lệnh ngừng bắn
Trong suốt chuyến thăm, với các điểm dừng chân trước đó là Saudi Arabia và Jordan, ông Blinken đã thúc giục Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn và gọi đó là “sự hào phóng phi thường” từ phía Israel.
Theo truyền thông Lebanon, đề xuất đưa ra ba giai đoạn từ 6 đến 7 tuần. Giai đoạn đầu tiên chính là việc tạm dừng cuộc xung đột mà trong đó Hamas sẽ thả phụ nữ và các công dân lớn tuổi để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel. Trong các giai đoạn tiếp theo, quân đội Israel sẽ rút khỏi các con đường ven biển của Gaza, sau đó những người di tản từ trung tâm Gaza sẽ quay trở về miền Bắc dải đất này.
Quan chức Ai Cập cho biết, trong khi đó các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu khôi phục
“sự bình yên vĩnh viễn”.
Giai đoạn tiếp theo chính là việc thực hiện các biện pháp hoà bình, bao gồm việc Hamas phóng thích các con tin còn lại kể cả quân đội và thường dân, cũng như Israel phải rút các lực lượng ra khỏi Gaza. Theo quan chức Ai Cập, phía Hamas cho rằng tuyên bố về việc rút quân quá mơ hồ và muốn chỉ định một cuộc rút quân hoàn toàn nhằm tránh những cách lý giải khác nhau.
Giai đoạn cuối cùng sẽ chứng kiến việc trả lại thi thể của các con tin đã thiệt mạng và bắt đầu kế hoạch tái thiết 5 năm. Trong kế hoạch này bao gồm việc Hamas đồng ý sẽ không xây dựng lại kho vũ khí quân sự của mình.