Mỹ hỗ trợ đồng minh Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông
VOV.VN- Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị hỗ trợ Philippines 1 tàu chiến trong gói hỗ trợ các đồng minh Đông Nam Á trị giá 250 triệu USD.
Theo AFP, tuyên bố của ông Obama được đưa ra ngày 17/11 khi ông có mặt trên chiếc soái hạm của Philippines sau khi đặt chân đến nước này để tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực bày tỏ quan ngại về tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ông Obama phát biểu trên soái hạm của Hải quân Philippines. Ảnh AFP |
Trung Quốc giận dữ phi lý
“Chuyến thăm [chiếc soái hạm] này của tôi là nhằm nhấn mạnh cam kết của chúng ta về việc đảm bảo an ninh biển và tự do hàng hải trong khu vực”, ông Obama tuyên bố trước khi công bố các khoản hỗ trợ của mình.
Theo đó, các khoản hỗ trợ này là nhằm trấn an các đồng minh rằng, Mỹ vẫn sẽ tìm cách duy trì an ninh trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc rầm rộ tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp các bãi đá thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Theo các chuyên gia, tuyên bố trên của ông Obama chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu bởi nước này nhiều lần khẳng định, Mỹ không có quyền gì tham gia vào các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực vốn nằm rất xa nước Mỹ.
Trước đó, Trung Quốc cũng từng lên tiếng rằng, Diễn đàn APEC chỉ nên tập trung vào việc thúc đẩy kinh tế và thương mại chứ không nên bị lái sang các tranh chấp khác.
Hình ảnh cho thấy một bãi đá bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh AP |
Ngay trước khi ông Obama tuyên bố khoản hỗ trợ nói trên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên cảnh báo các nước có tranh chấp với nước này ở Biển Đông rằng, Trung Quốc hoàn toàn có thể giành lại hết các đảo mà theo Trung Quốc là bị các nước này chiếm đóng trái phép.
“Chính phủ Trung Quốc có toàn quyền và có đủ năng lực để lấy lại các đảo và các bãi đá bị các nước láng giềng chiếm một cách phi pháp”, ông Lưu Chấn Dân ngang ngược đe dọa và thậm chí còn giả vờ xoa dịu rằng: “Nhưng chúng tôi đã không làm thế và đã kiềm chế ở mức tối đa”.
Mỹ ủng hộ các đồng minh đến cùng
Dù là nước có lực lượng quân sự ở mức khiêm tốn ở châu Á, Philippines là nước luôn có tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất nhằm vào những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính vì thế, theo ông Obama, Philippines sẽ nhận được sự hỗ trợ ở mức cao nhất từ phía Mỹ. Theo đó, nước này sẽ tiếp nhận một chiếc tàu của lực lượng tàu duyên Mỹ được cải hoán thành một chiếc tàu chiến hiện đại để tăng cường sức mạnh của Hải quân Philippines trong việc tiến hành những chuyến tuần tra kéo dài trên biển.
Ngoài ra, Philippines cũng sẽ nhận được một chiếc tàu nghiên cứu để vẽ lại bản đồ lãnh hải của mình cùng với số tiền hỗ trợ kỷ lục lên đến 79 triệu USD trong năm tài khóa này.
“Sự hỗ trợ của Mỹ sẽ giúp cải thiện năng lực đảm bảo an ninh trên biển của chúng tôi”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez tuyên bố.
Trong khi đó, Indonesia- nước dù không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng cũng lên tiếng sẽ kiện nhằm yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường 9 đoạn chồng lấn lên một phần hòn đảo Natuna của nước này- sẽ nhận được 20 triệu USD từ Mỹ nhằm “bảo vệ vùng biển của mình”.
Malaysia, nơi Tổng thống Obama dự kiến sẽ đặt chân đến ngày 20/11 để tham gia một Hội nghị Thượng đỉnh trong khu vực cũng sẽ nhận được số hàng viện trợ nhằm đảm bảo an ninh biển trị giá 2,5 triệu USD.
APEC sẽ chệch hướng sang các vấn đề khác?
Dự kiến, trong ngày hôm nay, 18/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thời điểm khai mạc Diễn đàn APEC, quy tụ lãnh đạo 21 nền kinh tế trong khu vực chiếm tới hơn 50% nền kinh tế toàn cầu.
Dù Diễn đàn kéo dài 2 ngày này được thiết lập để các nhà lãnh đạo tập trung bàn thảo về thúc đẩy thương mại trong khu vực, sự kiện thường niên này thường bị lái sang các chủ đề nóng khác trên toàn cầu.
Cảnh sát Philippines được tăng cường đển đảm bảo an ninh cho Diễn đàn APEC sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Ảnh AFP |
Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang chia sẻ nỗi đau sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris (Pháp) đêm 13/11 khiến 129 người thiệt mạng mà IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm.
Trước khi dự APEC, cả ông Obama và ông Tập Cận Bình cũng đã nhóm họp cùng với lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ cũng bàn thảo rất nhiều về IS và cách thức đập tan mạng lưới của chúng.
Trong khi đó, giới chức Philippines cho biết, họ đã điều động hơn 20.000 cảnh sát và binh sĩ tham gia bảo đảm an ninh cho hội nghị nhất là sau vụ tấn công ở Paris./.