Thế giới 24h: Máy bay ném bom chiến lược B-52 tuần tra ở Biển Đông
VOV.VN- Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay vào gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
1. Lầu Năm Góc ngày 12/11 cho biết, trong quá trình bay, hai máy bay nói trên nhận được tín hiệu liên lạc từ trạm kiểm soát không lưu Trung Quốc nhưng vẫn tiếp tục hoàn tất lộ trình của mình và không bị cản trở gì.
Một pháo đài bay B-52. Ảnh Không quân Mỹ |
Việc 2 chiếc B-52 của Mỹ tham gia tuần tra ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh vào tuần tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến Philippines để tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) nơi ông dự kiến cũng sẽ tái khẳng định cam kết của Washington trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tư lệnh Bill Urban cho biết, trong chuyến bay trong đêm mùng 8 rạng sáng 9/11, hai chiếc B-52 đã bay qua khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa nhưng không tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này.
“Hai chiếc B-52 đang tham gia nhiệm vụ tuần tra thường xuyên ở Biển Đông”. Cả hai chiếc này đều xuất phát và sau đó quay trở lại căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, ông Urban cho biết.
“Hai chiếc B-52 của chúng tôi đã bay trong không phận quốc tế ở khu vực này rất nhiều lần rồi”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 12/11.
Biển Đông sẽ là trọng tâm trong chuyến công du châu Á của ông Obama
2. Đao phủ có biệt danh “John Thánh chiến” của IS đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ngày 12/11.
ABC News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, tên đao phủ có tên Mohammed Emwazi này được cho là đã thiệt mạng ngay khi hắn rời khỏi một tòa nhà ở thành phố Raqqa- thủ phủ của IS ở Syria- và chuẩn bị lên xe rời đi.
Đao phủ John Thánh chiến của IS. Ảnh AP |
Quan chức Mỹ cho biết, cuộc không kích này là “hoàn hảo”, “sạch sẽ” không gây ra thương vong không cần thiết và cơ bản là tên Emwazi đã “hoàn toàn bốc hơi”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết: “Quân đội Mỹ ngày 12/11 đã tiến hành một cuộc không kích vào Raqqa, Syria để tiêu diệt tên Mohamed Emwazi- còn được biết đến với biệt danh “John Thánh chiến”.
Cũng theo ông Cook: “Tên Emwazi có quốc tịch Anh, đã xuất hiện trong một loạt video hành quyết 2 nhà báo Mỹ Steven Sotloff và James Foley; nhân viên cứu trợ người Mỹ Abdul-Rahman Kassig; 2 nhân viên cứu trợ người Anh David Haines và Alan Henning và nhà báo Nhật Bản Kenji Goto cùng một số con tin khác của IS. Chúng tôi đang đánh giá lại kết quả của cuộc không kích và sẽ công bố thêm thông tin vào thời điểm thích hợp”.
Họ hàng ông Assad: Mỹ hợp tác với Nga là cách duy nhất để đánh bại IS
3. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Diễn đàn APEC tại Manila, Philippines mà sẽ cử Thủ tướng Dmitry Medvedev đi thay.
Tờ Inquirer dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/11 cho biết với các lãnh đạo, quyết định này được đưa ra là bởi ông Medvedev sẽ có rất nhiều cuộc gặp trong khu vực trong vào sau Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC).
Thủ tướng Nga Medvedev sẽ dự APEC thay ông Putin. Ảnh Spunik News |
“Tôi có thể xác nhận rằng, Thủ tướng Medvedev sẽ là đại diện của Nga tại Diễn đàn APEC tại Manila”, ông Peskov nói.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ không tham dự Diễn đàn APEC.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura del Rosario cho biết, ông Widodo quyết định ở lại Indonesia để giải quyết những vấn đề trong nước.
“Tôi vừa nhận được tin từ giới chức cao cấp Indonesia rằng, có những việc tại thủ đô Jakarta mà ông Widodo phải quan tâm”, bà Del Rosario nói.
4. Tổng thống Mỹ Obama đã gọi điện chúc mừng thắng lợi gần như chắc chắn của Đảng đối lập của bà Suu Kyi trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar.
Theo AFP, trong cuộc điện đàm ngày 12/11, ông Obama đã ca ngợi “những nỗ lực không biết mệt mỏi trong nhiều năm qua để tạo dựng một Myanmar hòa bình và dân chủ hơn” của bà Suu Kyi, người đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991.
Bà Suu Kiy vẫn tay chào người dân Myanmar. Ảnh AFP |
Cùng ngày Tổng thống Obama cũng đã điện đàm với người đồng cấp Myanmar Thein Sein để ca ngợi về cuộc bầu cử ở nước này và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tất cả các bên tại Myanmar cần tôn trọng kết quả chính thức của cuộc bầu cử và hợp tác trên tình thần đoàn kết gắn bó”.
Tính đến cuối ngày 12/11, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Suu Kyi đã giành được 80% số ghế được đưa ra tranh cử. Hiện NLD chỉ còn thiếu 2 ghế để đạt được đa số cần thiết cho phép NLD có thể tự thành lập Chính phủ mà không phải liên minh với các đảng, phái khác.
Đây được coi là một bước tiến lớn của NLD trong quá trình đấu tranh vì dân chủ của Đảng này cũng như sự khẳng định về danh tiếng ngày một lan rộng của bà Suu Kyi.
Tổng thống Myanmar Thein Sein: “Gorbachev và tôi không giống nhau”
5. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cảnh báo Chủ tịch Đảng đối lập (CNRP) Sam Rainsy về những lời nói và hành động xuyên tạc nhằm vào Chính phủ.
Trong những ngày qua, tại các cuộc gặp với người ủng hộ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Chủ tịch Đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy đã phát biểu rằng: “Đảng cầm quyền (CPP) ở Campuchia không muốn tổ chức bầu cử Quốc hội Campuchia vào năm 2018 do lo ngại trước thất bại của Đảng cầm quyền ở Myanmar”.
Trước đây ông Sam Rainsy cũng đã từng có những câu nói tương tự nhằm bôi nhọ Đảng cầm quyền để trục lợi chính trị. Phản ứng trước những câu nói này, Thủ tướng Hun Sen cho rằng, ông Sam Rainsy có ý định chia rẽ, gây mất đoàn kết dân tộc, làm bất ổn trong nước.
Ông Sam Rainsy đượcn cho là có những lời lẽ vu khống và phỉ báng Chính phủ Campuchia. Ảnh AP |
Tuyên bố của Chủ tịch Đảng đối lập Sam Rainsy đã phạm vào tội vu khống và phỉ báng Chính phủ đã được nêu trong Bộ luật Hình sự, đủ điều kiện kết tội.
Thủ tướng Hun Sen lưu ý rằng, nếu ông Sam Rainsy còn tiếp tục nói những câu này thì pháp luật sẽ được thực thi: “Tôi đề nghị ông Sam Rainsy phải rất thận trọng khi phát biểu vu khống Chính phủ, Chính phủ sẽ thực thi pháp luật nếu ông tiếp tục nói những câu nói không có cơ sở như thế này.
Những lần trước ông Sam Rainsy từng bỏ ra nước ngoài để sống lưu vong và tôi đã từng đề nghị để ông được ân xá 2 lần. Tôi nghĩ rằng lần này ông khó có thể bỏ ra nước ngoài được”./.