Mỹ - Taliban bất đồng về chống khủng bố
VOV.VN - Có nhiều phức tạp bất đồng giữa Mỹ và Taliban, đặc biệt là trong vấn đề chống khủng bố tại Afghanistan.
Lý do Mỹ đặc biệt quan tâm chống khủng bố lúc này
Cuộc gặp giữa quan chức tình báo cấp cao của Mỹ và Taliban cho thấy tầm quan trọng của vấn đề chống khủng bố kể từ sau khi Mỹ rút quân khỏi Afganistan.
Một trong những mối quan ngại lớn nhất mà các nước phương Tây nêu ra kể từ khi Taliban trở lại cầm quyền là việc Afghanistan sẽ có thể trở thành thiên đường chứa chấp các nhóm khủng bố xuyên quốc gia. Các nhóm khủng bố này có thể sử dụng lãnh thổ quốc gia Nam Á như một căn cứ để lên kế hoạch và tổ chức tấn công vào châu Âu và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, cho tới giờ người ta vẫn chưa tìm được tiếng nói chung rằng liệu các mối lo ngại này có thể thành hiện thực rõ ràng hay không. Trong hơn một năm qua kể từ khi chính quyền dân sự sụp đổ và Taliban trở lại, dù xảy ra nhiều vụ tấn công tại Afghanistan nhưng chưa có các dấu hiệu cho thấy các vụ tấn công xuyên quốc gia bắt nguồn từ Afghanistan đã hình thành và chuẩn bị áp sát Mỹ và các đồng minh. Nói vậy nhưng không hẳn là không có lý do để lo ngại.
Một báo cáo tình báo của Liên hợp quốc hồi tháng 6/2022 kết luận rằng al-Qaeda đã thiết lập được chỗ đứng tại Afghanistan và đã ‘gia tăng quyền tự do hành động’. Báo cáo này cũng cảnh báo Afghanistan có thể một lần nữa trở thành căn cứ cho các vụ khủng bố quốc tế. Vụ tấn công bằng máy bay không người lái giết chết thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đang củng cố cho quan điểm này. Vụ việc này cho thấy Taliban đã cho phép người đứng đầu al-Qaeda được sống tại thủ đô Kabul, nơi nhân vật này dàn dựng và công bố những video tuyên truyền khủng bố trên mạng.
Cũng giống như al-Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) chi nhánh tại Afghanistan của IS hiện được cho là cũng muốn tổ chức các cuộc tấn công vào các nước phương Tây. Tuy nhiên, khả năng này chưa được đánh giá cao. Hiện IS-K đã tổ chức được một cuộc tấn công ra bên ngoài. Đó là vụ phóng rocket vào lãnh thổ nước láng giềng Uzbekistan hồi tháng Tư vừa qua. Tuy vậy, các đánh giá tình báo khác thì cho rằng IS-K sẽ khó thực hiện được các vụ khủng bố xuyên quốc gia trước năm 2023. Điểm bất lợi của IS-K là việc nhóm này khó tuyển mộ được thành viên mới do hoạt động chủ yếu ở khu vực phía Đông xa xôi của Afghanistan. Và nhóm này cũng đang chịu các áp lực từ phía chính quyền Taliban.
Hơn 1 năm đã trôi qua không phải là quãng thời gian đủ dài để xây dựng căn cứ khủng bố và tuyển mộ, hình thành mạng lưới để có thể vươn cánh tay ra nước ngoài. Vậy nhưng mối đe dọa sẽ gia tăng theo thời gian. Hơn nữa, tới thời điểm này, cộng đồng quốc tế vẫn không dám chắc được rằng Taliban có đủ khả năng và cả ý chí để ngăn chặn các nhóm khủng bố hay không. Chính vì lẽ đó, không thể loại trừ các mối đe dọa khủng bố từ Afghanistan trong trung và dài hạn.
Khả năng thu hẹp bất đồng
Cuộc gặp giữa Mỹ và Taliban cho thấy sự bất đồng giữa hai bên khi Mỹ cáo buộc Taliban không tuân thủ thỏa thuận Doha, còn Taliban cũng mạnh mẽ lên án chiến dịch tiêu diệt Thủ lĩnh al-Qaeda trên lãnh thổ Afganistan.
Suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi xảy ra loạt vụ khủng bố 11/9 và kéo theo cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan, niềm tin gần như là điều chưa bao giờ tồn tại giữa Mỹ và lực lượng Taliban. Vụ không kích bằng máy bay không người lái để tiêu diệt thủ lĩnh al Qaeda ngay giữa ‘Vùng Xanh’ của thủ đô Kabul là bằng chứng rằng Taliban vẫn đang phần nào đó chấp nhận cho các phần tử khủng bố tồn tại trên lãnh thổ Afghanistan. Điều này xảy ra bất chấp các tuyên bố và cam kết của lực lượng này.
Trong thỏa thuận Doha mà Taliban ký kết với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, lực lượng hiện đang cầm quyền tại Afghanistan này cam kết không để lãnh thổ quốc gia Nam Á trở thành nơi khủng bố ẩn náu, hoạt động để tấn công các nước láng giềng. Thế nhưng, hơn 1 năm sau khi lên nắm quyền, thực tế đã chứng minh lời hứa của Taliban không có nhiều giá trị.
Còn về phần mình, Taliban đáp trả bằng tuyên bố rằng hành động không kích tiêu diệt al-Zawahiri của Mỹ là vi phạm chủ quyền của Afghanistan cũng như thỏa thuận Doha ký năm 2020. Và Taliban không hề biết về việc Ayman al-Zawahiri đang sinh sống và thiết lập liên lạc với các phần tử al Qaeda từ thủ đô Kabul.
Đây là điều rất khó chấp nhận với Mỹ. Sự nghi kỵ vẫn đang tồn tại trong mối quan hệ giữa Mỹ và Taliban không chỉ trong lĩnh vực chống khủng bố mà còn trên nhiều vấn đề khác như quyền của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, các nhóm thiểu số, xây dựng chính phủ bao trùm tại quốc gia Nam Á này...
Tuy nhiên, thực tế là cả Mỹ và Taliban vẫn cần phải hợp tác với nhau trong tương lai. Mỹ không cần Taliban phải chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của mình, nhưng sẽ chỉ chấp nhận hợp tác nếu Taliban không để Afghanistan lại trở thành trung tâm khủng bố. Còn về phần mình, Taliban vẫn đang chờ Mỹ công nhận tính chính danh của mình, và mong muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận, trừng phạt, trong đó có cả lệnh phong tỏa khối tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan gửi ở nước ngoài. Mối quan hệ lợi ích này dường như không có nhiều điểm chung và thậm chí còn mâu thuẫn gay gắt nhau. Bởi vậy, khả năng thu hẹp bất đồng vẫn còn xa vời.
Tác động lên an ninh ở Afghanistan
Tại cuộc gặp, Phó Giám đốc CIA David Cohen đã đưa ra thông điệp cứng rắn với Taliban rằng, Washington sẽ tiếp tục tổ chức các vụ không kích nếu tìm ra bằng chứng cho thấy các thành viên al-Qaeda tại Afghanistan đang hỗ trợ các chiến dịch đe dọa Mỹ và đồng minh.
Kể từ khi rút toàn bộ binh lĩnh đồn trú khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021, vụ tấn công bằng máy bay không người lái sát hại al-Zawahiri là sự việc hiếm hoi khi Mỹ ra tay can thiệp vào quốc gia Nam Á này. Đó là bởi Mỹ không còn nhiều lợi ích cần bảo vệ tại đây. Mỹ chỉ quyết định hành động khi xuất hiện mục tiêu đủ lớn, có tác động tới an ninh quốc gia và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của mình.
Thực tế với việc các mối đe dọa từ các nhóm khủng bố ở Afghanistan hiện duy trì ở mức thấp. Khả năng các tổ chức này tập hợp lực lượng, huấn luyện và vũ trang hóa đủ để tấn công ra nước ngoài chưa lớn, sẽ khó có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục động thái này. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại một cuộc tấn công như vậy sẽ tạo ra làn sóng phản đối trong dư luận Afghanistan, thúc đẩy các tư tưởng cực đoan, chống phương Tây diễn biến nhanh hơn. Đó cuối cùng cũng sẽ là nguồn gốc của khủng bố nhằm vào Mỹ và phương Tây.
Về phần Taliban, với tư cách là lực lượng nằm quyền tại Afghanistan, họ cũng muốn xây dựng quan hệ tốt hơn với Mỹ ở một chừng mực nhất định. Thứ nhất, họ trông đợi sự công nhận của Mỹ với chính quyền hiện tại. Đó gần như là chìa khóa để Taliban ra với thế giới. Tiếp theo, Taliban, hay Afghanistan đang cần các nguồn lực của thế giới, đặc biệt là Mỹ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nhân đạo và suy thoái kinh tế như hiện nay. Bởi vậy, chắc chắn lực lượng này cũng sẽ phải cân nhắc từng hành động và phát ngôn của mình để không đẩy mối quan hệ này tới chỗ đổ vỡ./.