Mỹ - Trung “đấu trí” căng thẳng tại Alaska: Cán cân giữa hai bên đã thay đổi?
VOV.VN - Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiếp cận với các chính phủ Mỹ ở một vị trí có phần yếu thế hơn về kinh tế và quân sự. Hiện giờ, thế đứng của Bắc Kinh dường như đã khác trước.
Bầu không khí căng thẳng và những phát ngôn cứng rắn trong cuộc gặp cấp cao trực tiếp Mỹ-Trung đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, báo hiệu một giai đoạn nhiều sóng gió trong quan hệ giữa hai nước.
Màn mở đầu cuộc gặp nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát và biến thành cuộc “khẩu chiến”, một phần là do các kỳ vọng của 2 bên khác xa nhau. Mặt khác, các nhà ngoại giao đều muốn đưa ra những phát biểu nhằm “trấn an” dư luận trong nước và gửi thông điệp mạnh mẽ với phía bên kia.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden muốn duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là trong những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm với Bắc Kinh, chẳng hạn như Hong Kong, Tân Cương, bởi bất cứ động thái nào được coi là yếu đuối trước Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ phe cứng rắn trong Quốc hội Mỹ. Về phần mình, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng nước này sẽ không dễ bị đe dọa hoặc lo sợ trước những tuyên bố của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Nhà kinh tế học Cailin Birch của The Economist Intelligence Unit (EIU) nhận xét: “Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có một cuộc đối thoại cởi mở, thực chất, vì vậy việc các bên không đạt được thỏa thuận không khiến chúng tôi ngạc nhiên. Nhưng sự đổ vỡ quá nhanh chóng của cuộc gặp này trong một bối cảnh như vậy là điều thực sự đáng chú ý”.
Theo giới phân tích, sự khởi đầu đầy sóng gió có thể gây khó khăn cho việc hợp tác trong những lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm. “Nhìn chung, các cuộc gặp ngày 18 và 19/3 chứng tỏ rằng có rất ít sự cải thiện quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới”.
Khởi đầu sóng gió
Tại Anchorage, Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã có cuộc gặp với hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Chủ nhiệm văn phòng công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Cuộc gặp diễn ra sau khi các quan chức Mỹ thăm hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, và sau một loạt động thái của Washington cho thấy họ giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Về phần mình Bắc Kinh cũng đưa ra những lời cảnh báo rằng Washington đừng ảo tưởng họ sẽ thỏa hiệp.
Mở đầu cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken đã nêu bật “những lo ngại sâu sắc” của Mỹ đối với các hành vi của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ và cả những hành vi cưỡng ép kinh tế với các đồng minh Mỹ. Chuyên gia Cailin Birch cho rằng: “Phần lớn bài phát biểu này dường như dành cho khán giả trong nước Mỹ. Tất nhiên, vẫn có một số yếu tố dành cho các quan chức của Trung Quốc”.
Đáp lại, ông Dương Khiết Trì khẳng định Mỹ không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không thể khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu, hoặc thúc đẩy tầm nhìn của nước này về dân chủ và nhân quyền, do những tranh cãi nội bộ liên quan cuộc bầu cử 2020 và những thách thức đặt ra liên quan đến các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ. “Mỹ không có đủ tư cách để nói rằng họ có thể đối thoại với Trung Quốc từ một vị thế áp đảo hơn”, ông Dương Khiết Trì khẳng định.
Chỉ ra sự “mạnh mẽ” và “không kiêng dè” trong phát ngôn của ông Dương Khiết Trì, chuyên gia Birch cho rằng “điều này cho thấy Trung Quốc không cảm thấy bị đe dọa và Bắc Kinh dường như gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ không tuân theo các quy tắc của một trật tự do Mỹ dẫn đầu”.
Một trợ lý cấp cao của đảng Cộng hòa nhận xét, có lẽ cả ông Blinken và ông Sullivan đều nhận thức rõ các nhà lập pháp của Mỹ cũng đang theo dõi từng cử chỉ, lời nói của họ tại cuộc gặp.
“Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại của Quốc hội Mỹ. Vì thế họ không thể nhượng bộ dù chỉ là một chút. Họ phải mạnh mẽ và cứng rắn”.
“Nếu chính quyền muốn theo đuổi lập trường mềm mỏng với Trung Quốc, các nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ sẽ gây sức ép và đặt ra những hạn chế đối với nỗ lực đó. Vì thế, có những lo ngại trong nước mà nhóm đàm phán buộc phải cân bằng. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã xảy ra phía sau cánh cửa đóng kín”.
Các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden cung cấp bản thông báo chi tiết về cuộc gặp. Cố vấn Sullivan cho biết, phái đoàn của Mỹ đã tỏ thái độ rất “cứng rắn” và theo kế hoạch, ông cùng với Ngoại trưởng Blinken sẽ trở lại Washington để tham vấn với Quốc hội và các đồng minh về cuộc gặp này.
Kết thúc ảm đạm
Sau các cuộc đối thoại được đánh dấu bằng những lời "đấu tố" lẫn nhau, phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc đã rời Anchorage hôm 19/3 mà không ra bất cứ tuyên bố chung nào về việc sẵn sàng hợp tác, ngay cả trong những lĩnh vực mà họ chia sẻ những lợi ích chung như biến đổi khí hậu hay phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi dự kiến sẽ có những cuộc đàm phán trực tiếp và khó khăn về nhiều vấn đề, giống như những gì chúng tôi đã trải qua trước đó”, cố vấn Sullivan cho biết. Còn Ngoại trưởng Blinken nêu rõ: “Chúng tôi biết rằng có rất nhiều lĩnh vực mà hai bên về cơ bản theo đuổi lập trường mâu thuẫn nhau. Không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi nêu ra những vấn đề đó một cách rõ ràng và trực tiếp, thế nhưng chúng tôi đã nhận được một phản ứng phòng thủ”.
Theo giới phân tích, một yếu tố khác góp phần đào sâu mâu thuẫn là việc hai bên có những kỳ vọng khác nhau về cuộc gặp lần này.
“Trung Quốc hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ được thiết lập lại. Về mặt lý thuyết, Bắc Kinh mong muốn đây sẽ là cuộc trao đổi thông thường, mang tính chất giới thiệu về chính sách của ông Biden”, chuyên gia Birch nhận định. “Thế nhưng với các tuyên bố và bình luận của ông Blinken, hy vọng này đã sớm tiêu tan. Về phần mình, các nhà ngoại giao Mỹ đến cuộc gặp với ý định thảo luận về những vấn đề được cho là nhạy cảm với Trung Quốc, chẳng hạn như nhân quyền hay tham vọng mở rộng lãnh thổ”.
Bằng cách nhấn mạnh những lo ngại của chính quyền Biden về hành vi và mối đe dọa mà Trung Quốc đang gây ra với những nước nhỏ hơn và các đồng minh của Mỹ, cả ông Blinken and Sullivan báo hiệu rằng, cách tiếp cận mang tính giao dịch, tập trung vào thương mại và đơn phương của chính quyền cựu Tổng thống Trump đã chấm dứt.
Cán cân quyền lực Mỹ-Trung đã thay đổi?
Theo New York Times, mặc dù đây không phải là cuộc “đấu trí” căng thẳng đầu tiên giữa các phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc, nhưng cán cân quyền lực của hai bên hiện giờ đã thay đổi. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiếp cận với các chính phủ của Mỹ ở một vị trí có phần yếu thế hơn về kinh tế và quân sự. Điều đó, buộc Bắc Kinh đôi khi phải nhượng bộ trước các yêu cầu của Washington, chẳng hạn như chấp nhập các điều kiện mà Mỹ đặt ra để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trung Quốc hiện giờ cảm thấy tự tin về khả năng thách thức Mỹ và thúc đẩy tầm nhìn riêng của nước này về hợp tác quốc tế. Tâm lý tự tin đó đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định kể từ năm 2012. Trong một phát biểu công khai, ông Tập Cận Bình nói rằng: “Phương Đông đang trỗi dậy còn phương Tây đang suy yếu”. Việc Trung Quốc nhanh chóng khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và những chia rẽ về chính trị đang gây xáo trộn nước Mỹ dường như đang góp phần củng cố quan điểm này.
Giới phân tích cho rằng, lập trường ngoại giao ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc có thể đẩy căng thẳng với Mỹ lên đến cao trào. Bắc Kinh không đưa ra bất cứ lời giải thích nào trước những vấn đề mà Ngoại trưởng Blinken nêu ra trong các cuộc đối thoại, từ Hong Kong, Tân Cương đến công nghệ, thương mại. Bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và lời cảnh báo của Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi gây hấn tại Biển Đông, biển Hoa Đông, mạnh tay xử lý vấn đề Hong Kong.
Sự thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là để “cố gây ấn tượng" với người dân trong nước, như một quan chức cấp cao trong phái đoàn ngoại giao của Mỹ nhận xét, mà còn có nhằm mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã theo đuổi chiến lược xây dựng và củng cố các liên minh để đối đầu và ngăn chặn hành vi của Trung Quốc, ngay từ khi lên nắm quyền,. Vẫn còn phải xem xét liệu chiến lược mới này có thành công hay không? Một số ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục hành xử cứng rắn bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, sẽ khiến nhiệm vụ của chính quyền Biden trở nên khó khăn hơn.
Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Bắc Kinh, cho biết: “Nhìn chung, cuộc đối thoại này là dịp để hai bên đặt tất cả các quân bài lên bàn cân cũng như nhận thức rõ sự khác biệt về quan điểm lớn và sâu sắc ở mức độ nào. Trên thực tế, nó sẽ không mấy giúp ích cho việc hòa giải hay giảm căng thẳng trong quan hệ”. Tuy vậy, cuộc gặp có thể “mở đường” để khởi động lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về những vấn đề gây tranh cãi, giúp các bên đánh giá và định hình lại phản ứng thực tế đối với những mối lo ngại và tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau./.