Nga giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh không gian bằng cách nào?
VOV.VN - Giới phân tích đã đưa ra nhiều suy đoán về cách Nga có thể hỗ trợ Triều Tiên phát triển vệ tinh không gian, sau cuộc gặp của Tổng thống Putin và lãnh đạo Kim Jong Un.
Trong cuộc gặp tại Sân bay vũ trụ Vostochny thuộc vùng Viễn Đông hôm 13/9, Tổng thống Nga Putin đã cam kết sẽ giúp Triều Tiên phát triển vệ tinh không gian đồng thời đưa nhà lãnh đạo Kim Jong đi tham quan cơ sở phóng tàu vũ trụ hiện đại nhất của Nga.
Trước đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Nga có giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh hay không, Tổng thống Putin cho biết: “Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra rất quan tâm đến kỹ thuật tên lửa. Họ cũng đang cố gắng phát triển phương tiện thăm dò không gian”.
Chuyến thăm chưa từng có tiền lệ này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang tìm cách đưa vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo, sau khi thực hiện không thành công các vụ phóng vào tháng 5 và tháng 8 năm nay. Cam kết của Nga được cho là một sự khích lệ lớn khi các nhà khoa học Triều Tiên thông báo sẽ phóng thử tên lửa đẩy Chollima-1 mới vào tháng 10/2023.
Tại sao Triều Tiên muốn phát triển vệ tinh không gian?
Kể từ năm 1998, Triều Tiên đã phóng sáu vệ tinh, hai trong số các vụ phóng này dường như đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công. Trước đó năm 2015, một quan chức phụ trách lĩnh vực không gian của Triều Tiên cho biết, nước này muốn tăng cường hợp tác với Nga trong việc khám phá không gian vũ trụ vì mục đích “hòa bình”.
Sau nhiều lần thất bại, Triều Tiên đã đưa thành công vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo năm 2012 và vệ tinh thứ hai vào năm 2016. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, các vệ tinh dường như đã được kiểm soát nhưng đến nay vẫn tranh cãi về việc liệu nó có gửi đi bất cứ đường truyền tín hiệu nào hay không. Sau vụ phóng năm 2016, một quan chức khác của cơ quan vũ trụ Triều Tiên cho biết có kế hoạch đưa nhiều vệ tinh tiên tiến hơn vào quỹ đạo vào năm 2020 và cuối cùng là "cắm cờ trên mặt trăng".
Tại đại hội đảng vào tháng 1/2021, Chủ tịch Kim Jong Un đã đưa ra danh sách các mục tiêu cần làm, trong đó có việc phát triển vệ tinh trinh sát quân sự.
Các nhà phân tích cho rằng Chollima-1 là tên lửa mới, có thể sử dụng động cơ phun nhiêu liệu lỏng hai vòi được phát triển cho tên lửa xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Bình Nhưỡng, vốn có nguồn gốc từ các thiết kế của Liên Xô. Hàn Quốc đã trục vớt được một số mảnh vỡ của Chollima-1 và lần đầu phát hiện thấy một số bộ phận của vệ tinh.
Seoul đánh giá vệ tinh này có rất ít giá trị quân sự, trong khi các nhà phân tích cho rằng bất kỳ vệ tinh nào hoạt động trong không gian sẽ cung cấp cho Triều Tiên thông tin tình báo tốt hơn.
Chuyên gia Brian Weeden thuộc tổ chức Secure World Foundation - một tổ chức an ninh và chính sách về không gian có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Theo đánh giá của chúng tôi, năng lực chế tạo vệ tinh của Triều Tiên còn rất hạn chế. Rất ít vệ tinh đạt được khả năng đáng kể”.
Nga có thể làm gì để giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh?
Mỹ và các đồng minh đã lên án vụ thử vệ tinh của Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra về cấm phát triển công nghệ áp dụng cho chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, được thông qua với sự hỗ trợ của Nga, cấm mọi hình thức hợp tác với Triều Tiên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ hàng không và không gian vũ trụ hoặc kỹ thuật và phương pháp sản xuất tiên tiến. Trong khi Triều Tiên khẳng định chương trình không gian và các hoạt động quốc phòng là quyền lợi chính đáng của nước này.
Tại thời điểm phóng vệ tinh năm 2016, Triều Tiên vẫn chưa phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhưng chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã lên án vụ phóng cho đây là “vụ thử nghiệm trá hình” công nghệ tên lửa có khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Kể từ năm 2016, Triều Tiên đã phát triển và phóng ba loại tên lửa ICBM, đồng thời cam kết đưa các vệ tinh vào không gian. Giới phân tích cho rằng, nếu kế hoạch được thực hiện thì điều đó không chỉ giúp Triều Tiên thu được thông tin tình báo tốt hơn mà còn chứng minh rằng họ có thể theo kịp các cường quốc vũ trụ đang phát triển khác trong khu vực.
Lee Choon Geun thuộc Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc suy đoán, phát biểu của Tổng thống Putin trước khi gặp Chủ tịch Kim Jong Un tại Sân bay vũ trụ Vostochny cho thấy Nga có thể sẽ tìm cách hướng dẫn Triều Tiên tạo vệ tinh, thay vì chế tạo chúng cho Triều Tiên. Rất khó có khả năng Nga sẽ phóng vệ tinh thay Triều Tiên vì điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
“Bất kỳ hình thức chuyển giao hoặc phối hợp công nghệ vệ tinh nào giữa Nga và Triều Tiên đều có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế”, ông Lee Choon Geun lưu ý.
Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu Nga - quốc gia luôn bảo vệ chặt chẽ công nghệ vũ khí quan trọng nhất, có sẵn sàng chia sẻ các công nghệ đó với Triều Tiên hay không. Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tập trung vào các năng lực quân sự thông thường.
Viện này cho biết Nga có thể giúp Triều Tiên cải thiện lực lượng không quân vốn chủ yếu phụ thuộc vào các máy bay chiến đấu do Liên Xô chuyển giao vào những năm 1980 hoặc cung cấp tên lửa phòng không để tăng cường khả năng phòng thủ của Triều Tiên.