Nga-Mỹ vẫn đang ngấm ngầm chạy đua vũ trang?
VOV.VN - Chính truyền thông phương Tây nói rằng, chương trình vũ khí hạt nhân mới của Mỹ đã khơi mào khiến Nga đưa ra Thông điệp liên bang cứng rắn như vậy.
NATO không chấp nhận Thông điệp liên bang của Nga
Chúng tôi không muốn có một “Cuộc chiến tranh lạnh mới” hay một “Cuộc chạy đua vũ trang mới”. NATO đã tuyên bố như vậy sau bản Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Putin hôm 1/3, trong đó tiết lộ những loại vũ khí mới mà ông mô tả là “không thể đánh bại”.
Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang 2018 hôm 1/3. Ảnh: AP |
Trong tuyên bố mới nhất, nữ phát ngôn viên NATO Oana Lungescu khẳng định: “Thông điệp của Nga đe dọa nhằm mục tiêu vào các nước NATO là điều không thể chấp nhận và sẽ phản tác dụng. Tất cả các nước thành viên NATO ủng hộ những thỏa thuận kiểm soát vũ khí được xây dựng trên sự tin tưởng vì lợi ích của tất cả các bên”.
Nữ phát ngôn viên Oana Lungescu đã dẫn ra việc Tổng thống Putin sử dụng các đoạn video minh họa khi giới thiệu các loại vũ khí tối tân mới, trong đó là hình ảnh tên lửa Nga bay xuyên các dãy núi, các đại dương và dường như đang bay về phía bang Florida của Mỹ. Theo bà Oana Lungescu, NATO sẽ tiếp tục duy trì 2 hướng tiếp cận đồng thời là “đối thoại cùng với giải pháp quân sự” với Nga.
“NATO là một liên minh quân sự mang tính chất phòng ngự và chúng tôi sẵn sàng bảo vệ tất cả các thành viên trước mọi mối đe dọa. Tôi muốn nhắc lại rõ ràng rằng, tên lửa phòng vệ của NATO không nhằm vào Nga. Hệ thống phòng vệ của NATO để chống lại các tên lửa chiến lược từ bên ngoài bắn vào khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương”, nữ phát ngôn viên Oana Lungescu nói.
Trong Thông điệp liên bang ngày 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ kho vũ khí bất khả chiến bại, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng phòng thủ của Mỹ và NATO, trong đó có những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Những tiết lộ này làm dấy lên không ít lo ngại từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây. Song trên thực tế, bản thân Nga cũng nhiều lần chỉ trích hệ thống hệ lửa của Mỹ triển khai tại các nước đồng minh châu Âu gần biên giới với Nga.
Nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận rằng, Nga và phương Tây lâu nay vẫn ngấm ngầm chạy đua vũ trang. Trong bản Thông điệp liên bang hôm 1/3, Tổng thống Putin cũng nói rằng: “Nga đã cảnh báo Mỹ và các nước châu Âu khi các nước này công khai triển khai các tên lửa gần biên giới Nga. Nga đã có bước đột phát về công nghệ, về vũ khí và chúng ta đã thành công”.
Tổng thống Putin cho biết Nga chế tạo các hệ thống phòng thủ mới để đối phó với động thái triển khai lực lượng của Mỹ. Trong khi đó, tất cả các đề xuất cùng phối hợp làm việc của Nga đã bị phía Mỹ bác bỏ, theo đó, nhà lãnh đạo Nga cho rằng Washington chỉ bắt đầu "lắng nghe" sau khi biết được Moscow chế tạo các hệ thống vũ khí mới.
Sau bản Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm. Nội dung cuộc trao đổi này không được tiết lộ, tuy nhiên, nguồn tin từ Berlin cảnh báo Tổng thống Putin đang khiêu khích Mỹ trong một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tổng thống Putin đã đáp trả cảnh báo này, nói rằng cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM).
Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga khiến Mỹ và Đức lo ngại
Chạy đua vũ trang-Điều không hề bất ngờ
Bản Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Putin là tâm điểm của giới truyền thông thế giới trong những ngày qua.
Những tiết lộ của ông Putin về kho vũ khí đáng sợ đã khiến truyền thông phương Tây bị “kích động”. Một số hãng tin cho rằng, Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga không khác gì gửi một lời đe dọa trực tiếp tới các nước phương Tây và tuyên bố một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.
Báo Aftenposten của Na Uy có bài viết “Putin đã giới thiệu vũ khí tận thế mới”. Tờ The Sun của Anh thu hút độc giả với tiêu đề “Ngón tay đặt trên nút bấm”. Thậm chí, báo Paris Match của Pháp giật dòng tít rất mạnh: “Putin khoác lác về những vũ khí mới”.
Bưu điện Washinton (The Washington Post) thì nhìn nhận Thông điệp của Tổng thống Nga chính là thông điệp gửi tới Washington, bởi vì Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố các kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân mới của mình. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một số hãng truyền thông khẳng định rằng chính chương trình vũ khí hạt nhân mới của Mỹ đã khơi mào khiến Nga đưa ra bản Thông điệp liên bang cứng rắn như vậy.
Tờ Thời báo Tài chính (The Financial Times) cũng viết rằng, Washington đã công bố chiến lược hạt nhân mới và đắt đỏ hồi đầu tháng 2, kéo theo đó là phản ứng mạnh mẽ của Nga. Bởi vậy, Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga không hề gây bất ngờ.
Dư luận Nga về Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin
Chuyên gia về chính sách ngoại giao và chính trị Gevorg Mirzayan tại trường Đại học Tài chính thuộc chính phủ liên bang Nga cho rằng, dư luận Mỹ đã không hiểu thông điệp thực sự của Tổng thống Putin.
Trao đổi với Sputnik, ông Gevorg Mirzayan nhận định: “Những học thuyết Nước Mỹ Mới về an toàn hạt nhân và an ninh quốc gia đã được thông qua từ vài tháng trước. Trong những học thuyết này Mỹ thậm chí còn không che giấu ý đồ ép buộc các đối tác có ưu thế về địa chính trị phải làm những gì Mỹ cần thông qua việc sử dụng sức mạnh cứng rắn".
Theo chuyên gia Gevorg Mirzayan, Tổng thống Putin khẳng định rõ ràng việc dùng sức ép quân sự với Nga là không thể chấp nhận được. Và sự đáp trả của ông Putin không chỉ bằng lời nói mà còn là việc hé lộ những vũ khí mới của Nga.
Tuy nhiên, ông Gevorg Mirzayan cho rằng báo chí phương Tây đã bỏ qua mất thông điệp quan trọng nhất của Tổng thống Putin khi tiết lộ các vũ khí mới.
“Tổng thống Putin đã đặc biệt nhấn mạnh chính sách của Nga không bao giờ dựa trên những tham vọng. Chính sách của Nga không những bảo vệ các lợi ích của mình mà còn tôn trọng lợi ích của các nước khác”, ông Gevorg Mirzayan nói.
Đối đầu Nga-Mỹ sẽ mãi mãi là như vậy. Lịch sử đã chứng minh chưa bao giờ 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đứng chung một chiến tuyến. Trong diễn biến nóng hiện nay trên toàn thế gới, như nội chiến Syria, khủng hoảng Ukranie hay vấn đề hòa bình Trung Đông, Nga luôn đối đầu với Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Ngoại trưởng Sergei Lavov hồi tháng 1 vừa qua đã thừa nhận, Nga đang bị Mỹ và phương Tây ghét hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ và phương Tây đến nay vẫn luôn sẵn sàng các trừng phạt mới nhằm vào Nga, liên quan tới Ukraine hay vì nhiều lý do khác./.
Thông điệp liên bang hé lộ sức mạnh quân sự đáng sợ của Nga