Nga-NATO so kè, Bắc Cực sẽ trở thành “đấu trường” khốc liệt?
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, với nguồn tài nguyên dầu và khí đốt phong phú, Bắc Cực sẽ là mục tiêu mà nhiều nước lớn nhằm đến trong tương lai không xa.
Bắc Cực đang trở thành “đấu trường” cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt để kiểm soát các tuyến đường vận chuyển và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng toàn cầu. Cuộc tập trận Trident Juncture sắp tới của NATO được cho là một trong những nỗ lực để chứng tỏ tầm ảnh hưởng của tổ chức này trong khu vực và là minh chứng cụ thể cho nhận định trên.
Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận Trident Juncture của NATO hồi năm 2015. Ảnh: AFP.
NATO không nhằm vào Nga thì nhằm vào ai?
NATO nói rằng Nga không phải lo lắng bởi cuộc tập trận sẽ được tổ chức ở Na Uy và Iceland từ ngày 25/10-23/11 “không nhằm đến mục tiêu” là Nga. Tuy nhiên, theo kế hoạch, trong khuôn khổ cuộc tập trận Trident Juncture, các lực lượng tham gia sẽ xử lý tình huống giả định khi điều 5 (phòng thủ tập thể) của Hiệp ước NATO được viện dẫn vì một trong số các quốc gia thành viên của khối bị kẻ thù đe dọa.
“Chúng ta phải tự hỏi mình, ai có khả năng đe dọa NATO ở phía Tây Bắc?”, Trung tướng Valery Zaparenko, một cựu phó tổng tham mưu trưởng của quân đội Nga đặt câu hỏi.
Theo quan điểm của ông Zaparenko, không một quốc gia nào ngoài Nga có thể đặt ra mối đe dọa như vậy đối với NATO. “Vì vậy, việc NATO nói rằng Nga không phải là mục tiêu của Trident Juncture thực chất là dối trá”.
Cuộc tập trận Trident Juncture 18 sẽ là cuộc tập trận lớn trong loại hình tập trận tương tự của NATO từ năm 1991 với sự tham gia của khoảng 50.000 binh sĩ, 150 máy bay quân sự, 60 tàu chiến, gần 10.000 phương tiện cơ giới từ 31 nước thành viên NATO và đối tác.
Một khía cạnh đáng chú ý của cuộc tập trận là NATO sẽ thực hành hoạt động di chuyển chiến lược, có nghĩa là các lực lượng sẽ được điều đến từ nhiều địa điểm khác nhau ở châu Âu và Bắc Mỹ. Một mục tiêu khác là kiểm tra các yếu tố của việc triển khai những nguồn lực dự trữ chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, tập trận cũng sẽ tập trung vào việc cải thiện hỗ trợ hậu cần.
“Ngay cả khi NATO có nói khác đi, Trident Juncture thực sự đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn ở các khu vực giáp với Liên bang Nga," Tướng Zaparenko nhận định.
Tại sao lại là Bắc Cực?
Giới quan sát cho rằng, Bắc Cực giờ đây không chỉ là mối quan tâm của những nước có liên quan trực tiếp như Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch mà còn với cả các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Khám phá vùng cực Bắc giờ không còn là những chương trình khoa học thuần túy nữa mà đã trở thành một vấn đề kinh tế dẫn đến cuộc cạnh tranh chính trị khốc liệt.
Nguồn video: YouTube.
“Chúng ta phải hỏi: Tại sao các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia giờ đây coi ưu tiên hàng đầu là khám phá các vùng đất mà họ không phải quan tâm để sử dụng? Câu trả lời rất đơn giản – Bắc Cực có thể chứa tới 1/4 trữ lượng dầu và khí đốt toàn cầu”, ông Konstantin Makienko, Phó Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga giải thích.
Theo ông Makienko, người ta đã phát hiện được hơn 20 mỏ dầu và khí đốt lớn ở Bắc Cực vào thời điểm này. 10 mỏ trong số đó đã được chứng minh có khả năng sinh lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường của Nga ước tính có khoảng 15,5 tỷ tấn dầu và 84,5 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên tập trung trong khoảng 6,2 triệu km2 ở Bắc Cực. Khu khai thác khí đốt Shtokman của Nga ở biển Barents là một trong những khu mỏ khí tự nhiên nổi tiếng nhất. “Vì thế, những tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ở Bắc Cực là vô cùng quan trọng”, Makienko kết luận.
Theo ông Makienko, một nguồn tài nguyên quan trọng khác mà Bắc Cực có khả năng cung cấp chính là các tuyến giao thông quan trọng. Do băng tan chảy ở Bắc Băng Dương nên ngày càng có nhiều hàng hóa được vận chuyển qua hành lang Đông Bắc (NEP) với khối lượng tăng nhanh mỗi năm. Lloyd's Register dự đoán đến năm 2021 sẽ có khoảng 15 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua NEP.
“Thêm vào đó là con số 25 triệu tấn dầu và khí đốt khác của Nga sẽ được xuất khẩu với khối lượng đi qua vùng biển phía Bắc ngày một lớn hơn”. Ông Makienko dự đoán vào năm 2030, Nga sẽ xuất khẩu tới 50 triệu tấn qua NEP.
Makienko cho rằng, có lý do rõ ràng đằng sau việc gia tăng mối quan tâm gia tăng đột biến với NEP. Tuyến đường biển từ Trung Quốc tới khu vực Tây Âu qua NEP dài khoảng 8.100 hải lý. Tuyến đường đi qua Kênh đào Suez xa hơn khoảng 2.400 hải lý và nếu đi vòng qua châu Phi lại xa hơn khoảng 4.000 hải lý. Như vậy, với lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua lại giữa châu Âu và Đông Á ngày càng tăng, việc sử dụng NEP mang lại nhiều thuận lợi hơn.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cho phép Nga được điều chỉnh lưu lượng truy cập NEP ở một mức độ nào đó.
“Đây là lợi thế mà chúng tôi cần phải nắm giữ và bổ sung với tất cả những gì có trong tay”, ông Makienko nhấn mạnh.
Trên thực tế, tình hình ở Bắc Cực rất phức tạp bởi luật pháp quốc tế hiện có những khoảng trống nghiêm trọng khi đề cập đến khu vực này.
“Bảo vệ lợi ích của Nga ở Bắc Cực và thúc đẩy vùng này phát triển năng động vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với các lực lượng vũ trang”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói trong một cuộc họp hồi tháng 8 năm nay. Tổng thống Nga Putin kêu gọi đối thoại công bằng ở Bắc Cực
Bắc Cực sẽ trở thành điểm nóng?
Theo ông Shoigu, Bắc cực giờ đây đã trở thành một khu vực mà nhiều quốc gia đang cố gắng để giành phần tuyên bố lãnh thổ, giành lợi ích về kinh tế và chiến lược. Điều này có thể dẫn đến leo thang xung đột trong khu vực.
“Hiện nay có những tàu phá băng từ Hàn Quốc, Thụy Điển, Đức, Mỹ và Trung Quốc chứ không chỉ có Nga hoạt động ở vùng biển phía Bắc”, Bộ trưởng Shoigu cho biết.
Ông Shoigu cũng nói thêm rằng, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch toàn diện đến năm 2020 để mở rộng năng lực của các lực lượng Bắc Cực, nhằm đối phó hiệu quả với các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai.
Người đứng đầu các chiến dịch tác chiến của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hà Lan – Tướng Jeff Mac Mootry trong một tuyên bố gần đây nêu rõ: “Chúng tôi thấy nhiều tàu Nga hơn bình thường và họ đến gần chúng ta hơn so với những thập kỷ qua. Rõ ràng là Nga muốn làm cho chúng ta thấy sự hiện của họ”.
Trong 5 năm qua, Nga đã hoàn thành việc xây dựng các căn cứ sau ở Bắc Cực: căn cứ Temp trên đảo Kotelny thuộc quần đảo New Siberia; căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk; lực lượng kỹ thuật vô tuyến và trung tâm theo dõi đường không ở vùng Arkhangelsk; khoảng 425 tòa nhà và các công trình khác đã được xây dựng trên diện tích hơn 700.000m2 ở Bắc Cực và một đường băng cũng đang được xây dựng trên quần đảo Franz Josef Land.
Điều này được phía Nga giải thích sẽ cho phép nước này bảo vệ quyền lợi của mình ở Bắc cực và trung hòa tất cả các mối đe dọa: từ trên không, trên biển và trên đất liền.
“Chẳng có nghi ngờ nào về việc NATO sẽ không thay đổi mục tiêu của các cuộc tập trận ở Bắc Cực trong tương lai gần. Các hoạt động huấn luyện như Trident Juncture sẽ diễn ra thường xuyên hơn và tiến gần hơn về phía bắc”, ông Mekienko nói và cho rằng, “cuộc đấu” tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực mới chỉ bắt đầu./. Quan hệ sóng gió Nga-NATO lại đứng trước thử thách mới