Nga rút quân khỏi Syria: Liều thuốc kích thích cho vòng hòa đàm mới
VOV.VN - Theo giới phân tích, quyết định rút quân của Nga đánh dấu nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt xung đột ở Syria.
Từ ngày 15/3, Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria trong bối cảnh vòng hòa đàm mới về Syria được nối lại tại Geneva, Thụy Sĩ.
Quyết định rút quân của Nga được đánh giá là một “thành quả lớn” trong nỗ lực hợp tác giữa Nga và Mỹ để tìm lời giải cho bài toán cuộc khủng hoảng Syria đã kéo dài 5 năm qua.
Tổng thống Putin ra lệnh rút các lực lượng chính của Nga khỏi Syria sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. (Ảnh: RT)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (14/3) có cuộc điện đàm ngay sau khi Nga tuyên bố rút một phần lực lượng khỏi Syria. Giới chức hai bên cho biết, Tổng thống Putin và Tổng thống Obama đã thảo luận về “những bước đi tiếp theo” trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.
Theo tuyên bố chính thức của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, ông Obama hối thúc ông Putin gây sức ép với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad ngừng mọi hoạt động quân sự có nguy cơ làm đổ vỡ lệnh ngừng bắn mong manh mới đạt được. Bên cạnh đó, ông Obama cũng đề cập sự tiến triển trong việc triển khai các nỗ lực viện trợ nhân đạo tại Syria.
Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh rút các lực lượng chính của Liên bang Nga khỏi Syria từ hôm nay (15/3).
Ông Putin hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là liều thuốc kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở quốc gia Trung Đông này. Ông Putin cho biết thêm rằng, lực lượng quân đội ở lại Syria sẽ tham gia giám sát thỏa thuận ngừng bắn.
Phản ứng với quyết định này của Nga, Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Đại diện thường trực của Angola tại Liên Hợp Quốc - Đại sứ Gaspar Martins cho rằng: “Chúng ta đã chứng kiến một diễn biến tích cực trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria là việc Nga rút một phần quân đội khỏi Syria. Khi chúng ta chứng kiến việc quân đội rút đi, đồng nghĩa với việc cuộc chiến Syria đã có bước tiến mới. Quyết định của Nga là một dấu hiệu tốt”.
Ông Martins cũng khẳng định, tuyên bố rút quân của Nga là một “thành quả lớn” trong nỗ lực hợp tác giữa Nga và Mỹ để tìm lời giải cho bài toán về cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại Syria.
Trong khi đó, vòng hòa đàm mới giữa các đại diện của phe đối lập và chính quyền Syria đã được nối lại vào chiều 14/3 (theo giờ địa phương) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Vòng đàm phán lần này đóng một vai trò quan trọng, đồng thời đánh dấu nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người và khiến hàng triệu người dân Syria mất nhà cửa.
Chính phủ Syria hôm qua cũng đã trao một văn bản có tựa đề “Các yếu cố cơ bản cho một giải pháp chính trị” cho Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan De Mistura. Phát biểu với báo giới, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar Ja'afari khẳng định, ông đã có một cuộc đàm phán tích cực và xây dựng với Đặc phái viên Mistura.
Ông Ja'afari nói:“Chúng tôi đã đệ trình những ý tưởng và quan điểm của mình với những yếu tố cơ bản cho một giải pháp chính trị tại Syria. Chúng tôi hy vọng những ý tưởng này sẽ hữu ích cho nỗ lực ngoại giao của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc trong cuộc gặp của ông với những phái đoàn đối lập tại Syria”.
Đặc phái viên Mistura sẽ có thêm một cuộc gặp nữa với phái đoàn của Chính phủ Syria vào ngày mai (16/3), với trọng tâm xoay quanh các vấn đề then chốt. Dự kiến các cuộc đàm phán sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần. Ông Mistura cảnh báo sẽ không có kế hoạch B cho Syria vì nếu hòa đàm thất bại quốc gia Trung Đông này sẽ trở lại với cuộc chiến thậm chí còn đẫm máu hơn./.