Nga-Thổ lật ngược tình thế, tránh nguy cơ “tắm máu” tại Idlib (Syria)
VOV.VN - Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã mang lại giải pháp, giúp tránh một kịch bản “đẫm máu” ở Idlib, Syria.
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua được một thách thức nghiêm trọng sau khi căng thẳng leo thang tại Idlib có nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đe dọa phá hủy toàn bộ tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
ổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 5/3. Ảnh: AP. |
Cuối cùng, “kịch bản tồi tệ nhất” đã không xảy ra. Cuộc hội đàm kéo dài gần 6 giờ đồng hồ giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Moscow đã đưa quan hệ Nga-Thổ trở lại quỹ đạo hợp tác vốn có. Dường như tiến trình đàm phán Astana – cơ chế duy nhất đề điều phối lập trường của các quốc gia với những chương trình nghị sự khác nhau, đã được bảo tồn.
Từ lâu, Idlib đã trở thành điểm quyết định trong cuộc chiến tại Syria. Một số lượng lớn các nhóm đối lập, trong đó có cả những nhóm cực đoan tập trung tại Idlib, theo thỏa thuận giảm xung đột trước đó đạt được tại các khu vực khác của Syria. Sẽ không quá lời khi nói rằng, Idlib giống như một “thùng thuốc súng” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào trong bối cảnh quân đội Syria đẩy mạnh chiến dịch quân sự vào nơi đây. Năm 2018, Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Ankara sẽ đảm bảo bình ổn tình tình tại Idlib còn Damascus và Moscow sẽ không giải quyết vấn đề bằng biện pháp quân sự. Nhưng thỏa thuận này đã không thành công.
Dấn thân vào cuộc chơi đầy mạo hiểm
Từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột Syria, Tổng thống Erdogan đã lựa chọn can dự nhiều như có thể, trong đó có cả việc hậu thuẫn nhiều nhóm phiến quân khác nhau, để củng cố và mở rộng ảnh hưởng của nước này trong khu vực và xa hơn nữa. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy, dấn thân vào một “cuộc chơi quy mô lớn và đầy mạo hiểm” trên nhiều bàn cờ.
Một trong số đó là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông. Tổng thống Erdogan, người từng có quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Syria Bashar Assad, đã đưa ra kết luận sau cuộc chính biến “Mùa Xuân Arab” rằng, chính quyền Damascus đang có nguy cơ sụp đổ và ông chuyển sang ủng hộ các nhóm đối lập Syria. Với hành động này, ông hy vọng có thể tham gia tiến trình tái thiết Syria sau đó, gây dựng một chính phủ mới tại Syria nhằm phục vụ cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thay vì đạt được mục tiêu như mong đợi, ông Erdogan bị sa lầy vào một cuộc chiến dài hơi, cuốn theo các cường quốc như Nga và Mỹ, cùng nhiều nhân tố hàng đầu trong khu vực, dẫn đến sự nổi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bất ổn trong khu vực cộng với những biến động chính trị bên trong Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến uy tín của Tổng thống Erdogan bị lung lay.
Một canh bạc khác là quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và phương Tây. Mối quan hệ này ngày càng xấu đi. Ông Erdogan đã vô cùng giận dữ với Mỹ và phương Tây và tỏ ra thiếu tin tưởng những đối tác này. Trong vài năm qua, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây bị chi phối bởi lập trường cho rằng, Mỹ và EU không phải là tất cả và Ankara là một nhân tố độc lập có những lợi ích riêng cũng như có nhiều cách thức riêng để đạt được lợi ích của nước này. Đây là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng quan hệ thân thiết với Nga (đặc biệt sau năm 2015), tham gia các dự án năng lượng chung, tham gia tiến trình hòa bình Syria, ký kết thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400, bất chấp sự phản đối của các đồng minh trong NATO.
Nhưng rốt cục, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ra về tay trắng trên trận địa Syria, sau khi dành phần lớn công sức đầu tư xây dựng quan hệ với Nga. Khi tình hình trở nên cấp bách, Ankara đã nhờ cậy sự giúp đỡ từ các đối tác phương Tây: tìm đến NATO để được sự hỗ trợ về quân sự và chính trị, tìm đến EU để gây sức ép đối với Nga. Nhưng cả hai đối tác này đều đáp lại bằng thái độ không mấy nhiệt tình, chỉ giới hạn ở việc đưa ra tuyên bố bằng lời nói.
Quan hệ có đi có lại
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga – một hiện tượng phức tạp và gây tranh cãi nhiều trong giới nghiên cứu. Trên trận địa Syria, hai quốc gia không bị ràng buộc bởi các mục tiêu chung, không trùng khớp về lợi ích hoặc và cũng không có quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên sự tin tưởng hoàn toàn lẫn nhau. Cơ sở cho sự hợp tác này là sự hiểu biết rằng nếu không có tương tác, không bên nào có thể tự mình đạt được bất cứ điều gì.
Việc phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Nga đạt được mục tiêu hiện tại ở Syria, đó là giúp Tổng thống Assad giành quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria. Nhưng với mỗi bước tiến mới, chỗ trống cho sự linh hoạt ngày càng bị thu hẹp và nó hầu như biến mất khi Idlib xuất hiện trên chương trình nghị sự. Lựa chọn khó khăn hiện giờ là khôi phục lại Syria trong khuôn khổ các đường biên giới cũ (có thể loại trừ các vùng đệm như Afrin) hoặc nhất trí rằng một số vùng lãnh thổ sẽ nằm dưới sự kiểm soát của nước ngoài. Tất cả các yếu tố hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, về kinh tế, năng lượng, hợp tác kỹ thuật, quân sự … đều phụ thuộc vào nút thắt địa chính trị liên quan đến tình hình Syria, vì vậy, tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề này cho phép các bên giữ thể diện và duy trì mức độ kiểm soát cần thiết.
Một vấn đề khác là sự mất cân bằng trong cách tiếp cận đối với quan hệ hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù có nhiều quan điểm trái chiều bên trong nước Nga về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại, nhưng không ý kiến nào nghiêm túc đề cập một quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, vì điều đó sẽ là sự bác bỏ hoàn toàn nghĩa vụ của Nga đối với Euro-Atlantic, khối thịnh vượng chung giữa NATO và Nga.
Không ai ở Nga mong muốn điều này xảy ra, vì thế bất cứ các tương tác với Thổ Nhì Kỳ đều mang tính thực dụng, nhằm đạt được kết quả cụ thể, trong trường hợp Nga có được một số lợi ích thì điều này có thể coi là một phần thưởng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc tranh luận còn nóng hơn rất nhiều. Các chính sách của ông Erdogan, bị một bộ phận trong giới tinh hoa xem là phá vỡ các mối quan hệ mạnh mẽ và quen thuộc, khiến Ankara phụ thuộc vào Moscow. Tranh luận đã xoay sang cách tiếp cận mang tính chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai, khiến các vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Bước qua thử thách định mệnh
Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng một cuộc xung đột với Nga sẽ là một kịch bản thảm khốc. Ông Erdogan hầu như không muốn mọi thứ đi theo hướng này vì thấy rằng ông đang ở một vị trí bất lợi. Nga là cường quốc duy nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tìm thấy sự hiểu biết chung trong thực hiện các mục tiêu của nước này, bất chấp những mâu thuẫn và sự thiếu tin tưởng. Bởi đơn giản, Ankara không có lựa chọn nào khác.
Không có Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc không có sự can dự của phe đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Nga cũng có thể bị sa vào một vũng lầy khác và rủi ro thậm chí còn nhanh hơn, khó lường hơn. Bởi luôn có những nhân tố bên ngoài mong muốn làm suy yếu cả hai bên, thậm chí hưởng lợi từ việc Moscow và Ankara đối đầu nhau.
Căng thẳng leo thang tại Idlib cuối cùng đã trở thành cơ hội cho sự hợp tác đầy ý nghĩa giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, giúp làm rõ khả năng thực hiện các hoạt động chung giữa 2 bên trong thời gian tới. Việc thiết lập một hành lang an toàn dọc theo đường cao tốc đông-tây có vị trí quan trọng tại tỉnh Idlib, cùng việc kiểm soát chung các huyết mạch giao thông, là sự thỏa hiệp có được sau cuộc đàm phán tại Moscow.
Cho dù thỏa thuận này có được giữ vững hay không thì điều quan trọng là chính sách về Syria của Nga đã vượt qua một thử thách “định mệnh”, tránh đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, tạo tiền đề để các bên quay lại trục đàm phán “Astana”. Một số nhà phân tích cho rằng, kết quả trên cho thấy sự can dự của Nga vào cuộc xung đột Syria, bắt đầu từ năm 2015, giờ đã thực sự mang lại những thay đổi về chất trong khu vực./.