Nga – Trung bắt tay, ông Putin khẳng định không chấp nhận thế giới đơn cực
VOV.VN - Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định về sự lỗi thời của trật tự thế giới đơn cực trong khi các nước phi phương Tây hợp tác ngày càng chặt chẽ với nhau cho thấy thế giới dường như đang dần dịch chuyển sang trật tự thế giới đa cực.
Trật tự thế giới đa cực là “quá trình không thể đảo ngược”?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích điều mà ông gọi là những nỗ lực của phương Tây nhằm kiến tạo một "thế giới đơn cực" trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan hôm 15/9.
Nhà lãnh đạo Nga khen ngợi "lập trường cân bằng" của Trung Quốc trong cuộc chiến ở Ukraine khi Bắc Kinh từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Moscow trong khi phê phán các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Theo Tổng thống Putin, "những nỗ lực tạo ra một thế giới đơn cực gần đây đã trở nên hoàn toàn xấu xí và chúng không thể chấp nhận được".
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Putin phê phán thế giới đơn cực.
Tổng thống Putin hôm 30/6 từng có phát biểu cho rằng trật tự thế giới đa cực đang phát triển trên toàn cầu và đây là một quá trình "không thể đảo ngược".
"Lập trường của Nga và nhiều quốc gia khác là trật tự thế giới dân chủ và công bằng hơn này nên được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, và dĩ nhiên dựa trên cả những nguyên tắc luật pháp quốc tế được chấp nhận rộng rãi và Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Putin, một số quốc gia không sẵn sàng chấp nhận đánh mất uy thế của mình trên trường quốc tế và nỗ lực để bảo vệ mô hình đơn cực không công bằng.
"Dưới lớp vỏ ngụy trang mà họ gọi là trật tự dựa trên các quy tắc và những khái niệm đáng ngờ khác, họ đang cố gắng và chi phối các quá trình toàn cầu để phục vụ cho ý đồ của mình cũng như tiếp tục xây dựng các tổ chức và liên minh đưa ra những quyết định vì lợi ích của một quốc gia, đó là Mỹ", nhà lãnh đạo Nga bình luận.
Ngày 16/8, Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ đang khuyến khích các hành động thù địch ở Ukraine như một phần trong điều mà ông gọi là những nỗ lực nhằm duy trì vị trí bá chủ toàn cầu.
"Họ cần cuộc các cuộc xung đột để duy trì vị trí bá chủ thế giới. Tình hình ở Ukraine cho thấy Mỹ đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột và đó giống như những gì họ đã làm để leo thang xung đột ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin".
Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, "kỷ nguyên của trật tự thế giới đơn cực gần đi đến hồi kết".
Sự dịch chuyển của các trật tự thế giới trong lịch sử
Hệ thống quốc tế trong lịch sử từng trải qua mô hình đa cực (3 hoặc nhiều cường quốc chiếm ưu thế), chẳng hạn như trật tự ở châu Âu trong thế kỷ 18, 19 và nửa đầu thế kỷ 20 hay trật tự hai cực (2 cường quốc chiếm ưu thế) trong Chiến tranh Lạnh. Hệ thống đơn cực là hệ thống là hệ thống mà một quốc gia sở hữu những khả năng vượt trội hơn hẳn so với các quốc gia khác.
Thế giới hậu Chiến tranh Lạnh là thế giới đơn cực. Theo đó, Mỹ là siêu cường có quyền lực vượt trội hơn hẳn so với một số cường quốc thứ hai như Trung Quốc, Nga, Đức Ấn Độ. Tuy nhiên, vị trí này của Mỹ có thể không duy trì mãi bởi các quốc gia khác luôn tìm cách cân bằng quyền lực với Washington, cả thực hiện một mình và hợp tác với các quốc gia khác.
Trên thực tế, mặc dù Mỹ là siêu cường duy nhất chi phối thế giới kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, vị thế này đã suy giảm. Khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ cũng ngày càng rút ngắn. Washington cũng đối mặt với một thực tế là các đồng minh của mình không sẵn sàng đóng góp về ngân sách và lực lượng cũng như không có lập trường nhất quán về nhiều vấn đề. Chưa bao giờ trong những thập kỷ trước đó, vị thế của Mỹ lại trở nên không chắc chắn như vậy.
Trong khi đó, cách đây 1 thập kỷ, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc giống đối thủ hơn là đối tác của nhau. Nhưng sau khi cùng đối mặt với thách thức từ Mỹ và dựa trên những lợi ích chung, quan hệ này đã có sự dịch chuyển. Bắc Kinh và Moscow đều cho rằng trật tự thế giới hiện nay được đặc trưng bởi nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt tư tưởng phương Tây về nhân quyền và dân chủ lên các quốc gia khác và nếu cần thiết là thực hiện các biện pháp can thiệt quân sự.
Trong khi đó, trật tự thế giới mới mà Nga và Trung Quốc yêu cầu lại dựa trên những khu vực ảnh hưởng khác nhau mà theo đó Mỹ phải chấp nhận các khu vực ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, đồng thời ngừng các nỗ lực gây bất ổn ở các quốc gia này.
Thế giới sẽ đơn cực hay đa cực?
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trong hệ thống quốc tế đơn cực mới. Với quyền lực áp đảo trong thế giới đơn cực, Mỹ gần như không bị thách thức trong nhiều năm và thực tế là thế giới đã có một quãng thời gian tương đối hòa bình và ổn định. Sự ổn định này đã được miêu tả là "quãng thời gian dài nhất không có chiến tranh giữa bất kỳ nước lớn nào".
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mô hình đơn cực là nguồn cơn gây ra bất ổn và những mối nguy hiểm. Theo đó, thế giới sẽ xuất hiện các nhân tố thực hiện các biện pháp đối trọng với siêu cường duy nhất bằng cách sử dụng quyền lực cứng.
Năm 2002, nhà quan sát Krauthammer đã nhận định rằng trật tự đơn cực với Mỹ đóng vai trò trung tâm sẽ kéo dài khoảng 30 - 40 năm nếu Mỹ không sụp đổ về kinh tế. Trong những năm qua, khủng hoảng kinh tế đã làm suy yếu vị thế của Washington cũng như khiến nước này phải tập trung vào các vấn đề trong nước hơn là các vấn đề quốc tế. Việc bị kéo căng nguồn lực cũng có thể khiến Mỹ giảm dần sự can dự vào các cuộc xung đột quốc tế và để lại khoảng trống quyền lực được lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, sự nổi lên gần đây của những cường quốc mới như các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có thể dẫn đến sự quay lại của hệ thống quốc tế đa cực.
Ngày càng nhiều nhà quan sát cho rằng thế giới sẽ dịch chuyển sang trật tự đa cực với đặc trưng là sự đối đầu giữa các nước lớn. Sự dịch chuyển từ đơn cực sang đa cực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của trật tự quốc tế trong tương lai.
Lịch sử đã cho thấy trật tự đa cực bất ổn và dễ xảy ra chiến tranh hơn so với trật tự đơn cực và hai cực. Lịch sử châu Âu hiện đại là một minh chứng cho thấy điều đó. Vào đầu thế kỷ 17, trật tự châu Âu đa cực đã dẫn đến cuộc chiến 30 năm, kéo dài từ năm 1618 - 1648 do những bất đồng và sự dịch chuyển cán cân quyền lực giữa các nhóm lợi ích.
Hệ thống quốc tế đa cực trong thế kỷ 20 cũng dẫn đến bất ổn và 2 cuộc chiến tranh thế giới chỉ trong chưa đầy 50 năm.
Dù vậy, trật tự thế giới đa cực trong lịch sử có thể khác với trật tự thế giới trong tương lai giữa bối cảnh các quốc gia ngày càng gắn kết và phụ thuộc vào nhau về kinh tế.
Trật tự đa cực không nhất thiết là các cường quốc sẽ đối đầu với nhau mà thay vào đó có thể hợp tác với nhau dựa trên những lợi ích chung. Cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo Nga và Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan cho thấy hai nước vẫn tuân thủ chính sách về một thế giới đa cực và sẵn sàng ủng hộ nhau trong các tình huống khủng hoảng./.