Trung Quốc ủng hộ Nga trong sự cân bằng lợi ích chiến lược và kinh tế?
VOV.VN - Mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã phát triển bất chấp những đòn trừng phạt của phương Tây nhưng liệu Bắc Kinh có sẵn sàng tiến xa hơn để ủng hộ Moscow?
Trung Quốc có đi xa hơn để ủng hộ Nga?
Không lâu trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tuyên bố về tình hữu nghị "không có giới hạn" giữa hai bên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp mặt trực tiếp ở Uzbekistan ngày 15/9. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi diễn ra cuộc gặp ở Bắc Kinh trước thềm Thế vận hội Mùa Đông với kết quả là một tuyên bố chung dài hơn 5.000 chữ. Trong tuyên bố này, Nga và Trung Quốc khẳng định sẽ "không có vùng cấm" trong các lĩnh vực hợp tác của 2 nước trong nỗ lực thách thức trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu và hướng đến một thế giới đa cực hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ thái độ thận trọng khi Tổng thống Nga Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine một vài tuần sau đó.
Sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga về mặt ngoại giao ngày càng được củng cố trong những tháng qua. Tuần trước, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư đã thăm Moscow và khẳng định với các nghị sĩ Nga rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc "hiểu rõ nhu cầu Nga cần tiến hành tất cả các biện pháp để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình". Ông Lật Chiến Thư là nhân vật quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong khi Nga và Trung Quốc tiếp tục hợp tác về thương mại, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow thì Bắc Kinh vẫn chưa hỗ trợ quân sự và tài chính cho Nga, động thái có thể khiến nước này cũng trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt. Lập trường của Trung Quốc khó có khả năng thay đổi, thậm chí cả khi trong cuộc gặp ngày 15/9, Tổng thống Putin yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình hỗ trợ Nga về mặt quân sự.
"Các quan chức Trung Quốc đã nói về sự hợp tác "không giới hạn" nhưng Nga và Trung Quốc luôn nhất trí để không tán thành với nhau về một số vấn đề", Elizabeth Wishnick, nhà nghiên cứu cấp cao tại CNA - một think tank ở Washington nhận định.
Chuyên gia này cho rằng: "Theo tôi, khó có khả năng Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga do các lệnh trừng phạt và phản ứng quốc tế. Điều này cũng sẽ đi ngược với những nhận định và quan điểm của Trung Quốc rằng, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine sẽ kéo dài cuộc xung đột".
Mối quan hệ dựa trên lợi ích
Trong những ngày gần đây, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công và tuyên bố giành lại hơn 6.000 km2 lãnh thổ. Mặc dù Nga vẫn kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine nhưng phương Tây lo ngại Moscow sẽ phản ứng để chiếm thế thượng phong.
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình coi Nga là một đồng minh ngoại giao quan trọng, nhưng Trung Quốc gần như không có động cơ để can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine. Hơn nữa, nếu Bắc Kinh điều động quân đội hay cung cấp vũ khí, điều này sẽ đi ngược với lập trường trước đó của nước này.
Trung Quốc có một vài cách thức để hỗ trợ nhiều hơn cho Nga nhưng về cơ bản, nước này sẽ không thay đổi lập trường về cuộc xung đột ở Ukraine, bà Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao tại Crisis Group, một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Bỉ cho hay.
Theo đó, Trung Quốc có thể sử dụng cuộc họp Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan sắp tới để cho thế giới thấy rằng Nga không bị cô lập cũng như có thể sẽ tham gia vào nhiều cuộc tập trận quân sự hơn với Moscow, bà Amanda Hsiao bình luận.
Mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã phát triển bất chấp những đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến ở Ukraine. Với năng lượng là mặt hàng chủ đạo cùng một số loại hàng hóa khác, xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc đã tăng gần 50% lên 40,8 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay.
Trung Quốc cũng giúp lấp đầy khoảng trống mà các công ty nước ngoài để lại ở Nga khi xuất khẩu từ Bắc Kinh sang Moscow được khôi phục sau một thời gian im ắng vào thời điểm xung đột nổ ra. Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga, trong đó có vi mạch và chất bán dẫn cùng một số loại máy móc đã tăng lên 155 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2021.
"Cho tới nay, Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ Moscow về mặt chính trị và ngoại giao nhưng vẫn từ chối cung cấp hỗ trợ quân sự và tuân theo các lệnh trừng phạt. Lập trường này phản ánh sự cân bằng các lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế", chuyên gia Hsiao nhận định./.