Ngoại trưởng Mỹ mang thông điệp gì tới Trung Đông?
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ mang trọng trách “xốc” lại quan hệ đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, khi vị thế của Mỹ đang bị "đuối" đi.
Dư luận đang quan tâm tới chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong 6 ngày, bắt đầu từ ngày 11/2. Ông Tillerson có mang tới thông điệp gì đặc biệt cho Trung Đông?
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông. Ảnh: AP |
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Đông lần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chặng dừng chân đầu tiên tại Ai Cập. Tiếp đó sẽ là Kuwait, Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm không nằm ngoài mục đích thảo luận các cách thức giải quyết các vấn đề khu vực như cuộc khủng hoảng Syria, cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.
Trong bối cảnh, chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông có nhiều thay đổi kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, dường như thông qua chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ mang một trọng trách trong việc “xốc” lại quan hệ đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời nâng cao vị thế của Mỹ vốn đang bị đánh giá là “đuối” hơn so với các lực lượng khác, ví dụ như trục Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là nhiệm vụ không mấy dễ dàng đối với Ngoại trưởng Mỹ Tillerson.
Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ chiến lược Trung Đông
Bên cạnh vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thì Trung Đông trở thành ưu tiên chính sách lớn nhất của chính quyền Trump, đặt trên các khu vực khác như châu Âu hay cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq. Điều này thể hiện qua hành động cụ thể như hàng loạt các chuyến công du đến khu vực này của lãnh đạo các cấp.
Sau khi nhậm chức, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump không phải là các đồng minh châu Âu mà là Trung Đông với các chặng dừng chân tại Saudi Arbia và Israel. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có chuyến công du khu vực này từ ngày 11-16/2. Trước đó, Phó Tổng thống Mike Pence cũng vừa đến Trung Đông trong 3 ngày từ 21-23/1.
Trong suốt chiến dịch tranh cử ông Trump cũng đưa ra một số cam kết về Trung Đông, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính, thứ nhất là từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, thứ hai là thúc đẩy hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine sau hơn 20 năm bế tắc và thứ ba là đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Để thực hiện các mục tiêu này, chính quyền Tổng thống Trump gần như đảo ngược chính sách không chỉ của chính quyền tiền nhiệm mà còn của nước Mỹ đang theo đuổi hàng chục năm qua. Điểm mới nhất trong chính sách của chính quyền Trump là tăng cường quan hệ với các đồng minh thân cận, đặc biệt là quan hệ với Israel và Saudi Arabia, củng cố mạng lưới liên minh, duy trì kiểm soát khu vực thông qua tăng cường vai trò của đồng minh. Bên cạnh đó, ngoài việc thay đổi quan điểm về tiến trình hòa bình Trung Đông, chính quyền Trump cũng đang chuẩn bị cho việc cạnh tranh chiến lược với các cường quốc khác, đặc biệt là Nga tại khu vực.
Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump đã bày tỏ sự ủng hộ gần như tuyệt đối với hai đồng minh thân cận nhất của mình. Đối với Israel là chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do thái, điều mà chính quyền thủ tướng Netaneyahu mong đợi đã lâu. Đối với Saudi Arabia là các hợp đồng vũ khí hàng tỷ đô la cộng với chính sách cứng rắn nhằm vào Iran, quốc gia được xem là đối thủ số một của Riyadh. Như vậy, liên minh với các nước khu vực, chính quyền Trump đặt nước Mỹ ở vị thế lãnh đạo, coi lợi ích của nước Mỹ là hàng đầu, không tính toán đến lợi ích của các nước nhỏ hơn hoặc không phải là đồng minh của Mỹ.
Jerusalem và chuyến thăm Trung Đông của Phó Tổng thống Mỹ
Thù địch với Palestine, Mỹ đang cản trở hòa bình Trung Đông
Cục diện địa chính trị Trung Đông đang có sự thay đổi mạnh mẽ
Nhiều chuyên gia cho rằng vị thế của Mỹ tại khu vực đang giảm sút khi so sánh với Nga và Trung Quốc.
Các chiến dịch quân sự của cả Mỹ và Nga cộng với nỗ lực chống khủng bố của các nước khu vực đang dần quét sạch tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông. Nếu không tính toán đến các nhân tố khác như tiến trình hòa bình Palestine, nguy cơ xung đột Mỹ-Iran thì diễn biến tại Syria đang thể hiện rõ nhất các thay đổi địa chính trị trong khu vực.
Có thể thấy rằng, thực lực các nước lớn trong khu vực như Ai Cập, Syria, Iraq có xu hướng giảm sút trong khi vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia, Israel tăng lên đang kể. Ảnh hưởng của các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU cũng thay đổi theo nhiều xu hướng khác nhau.
Đối với Mỹ, chính quyền Trump đang có sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược toàn cầu về phía đông, thu hẹp chiến lược ở Trung Đông với chính sách can thiệp có lựa chọn. Trong khi đó, Nga đang tận dụng thời cơ để trở lại khu vực và thu được không ít kết quả tích cực, đặc biệt là việc hỗ trợ thành công chính quyền Tổng thống Syria Assad duy trì quyền lực.
Vai trò của Trung Quốc cũng đang tăng lên đáng kể khi nước này là thị trường xuất khẩu lớn nhất và một trong những đối tác hàng đầu của Trung Đông. Trung Quốc cũng đang nổi lên như một nhà trung gian hòa giải có trọng lượng, có quan hệ tốt với nhiều nước lớn trong khu vực.
Tuy nhiên, việc chính quyền Trump thu hẹp chiến lược tại Trung Đông không có nghĩa là vai trò của nước này tại khu vực giảm bớt. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì lực lượng quân sự lớn tại khu vực, thì chính quyền Trump đang củng cố, tăng cường sức mạnh cho các đồng minh thân cận bằng việc bán thêm vũ khí, thảo luận xây dựng hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực.
Như đã nói ở trên, chính quyền Trump sẽ tiếp tục can dự tích cực, kiểm soát tình hình Trung Đông một cách gián tiếp thông qua chính mạng lưới liên minh với các đồng minh thân cận của mình. Ngoài ra, mặc dù giành được một số ảnh hưởng, nhưng rõ ràng Nga không thể nào một mình giải quyết hết được các vấn đề tại Trung Đông.
Nga vẫn cần sự hợp tác của Mỹ và sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc duy trì ổn định tại khu vực. Chính vì thế, xu hướng sắp tới tại Trung Đông có thể chuyển từ cạnh tranh giữa các cường quốc khu vực sang đối đầu lưỡng cực với hai ông lớn đằng sau là Mỹ và Nga. Việc cạnh tranh ảnh hưởng sẽ thể hiện rõ nhất khi khu vực đang bước vào giai đoạn hậu IS với, giải quyết cuộc khủng hoảng Syria chuyển từ chiến trường sang bàn đàm phán nhưng không kém phần quyết liệt.
Xâu xé Syria: Lợi bất cập hại cho đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Đau đầu vì đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ
Trong số các đồng minh khu vực, có thể nói quan Thổ Nhĩ Kỳ khiến chính quyền Trump đau đầu nhất, đặc biệt là thế đối đầu về vấn đề người Kurd ở Syria. Liệu chuyến thăm khu vực đang diễn ra của Ngoại trưởng Mỹ có mở ra hướng đi nào nhằm thu hẹp bất động Mỹ- Thổ trong vấn đề này hay không?
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến 5 nước Trung Đông đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ cũng như khu vực. Điểm nhấn trong chuyến thăm lần này của ông Tillerson sẽ là chặng dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ khi căng thẳng trong quan hệ hai nước lại có xu hướng leo thang nghiêm trọng, liên quan đến các chiến dịch chống lại người Kurk do Mỹ hậu thuẫn tại Syria.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R.McMaster cũng đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần qua nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tillerson. Liên quan đến căng thẳng mới nhất giữa hai nước, ngày 20/1, Thổ Nhĩ Kỹ đã mở chiến dịch “Nhành Ô liu” tại khu vực miền bắc Syria nhằm tiêu diệt các tay súng của tổ chức Đảng liên minh Dân chủ người Kurk tại Syria và lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurk. Từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã xem hai lực lượng này có liên quan đến đảng Công nhân người Kurk, vốn bị xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại các lực lượng này đang có ý định thành lập một nhà nước độc lập cho người Kurk tại khu vực. Trong khi đó, hai lực lượng này lại được chính quyền Trump ủng hộ, cung cấp vũ khí, tài chính, huấn luyện quân sự và xem họ là các thành phần nòng cốt đối phó với chính quyền Tổng thống Syria Assad cũng như đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan.
Chính vì thế, chuyến thăm của ông Tillerson đến Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Mục tiêu đặt ra trong chuyến công du của ông Tillerson không có gì khác là muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các chiến dịch tấn công lực lượng người Kurk tại miền bắc Syria.
Tuy nhiên, mục tiêu này khó có thể thành hiện thực hoặc nếu không, chính quyền Tổng thống Trump phải có các nhượng bộ đủ để làm Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng, ví dụ như đáp ứng một trong những yêu cầu bức thiết của Ankara, cho phép dẫn độ giáo sỹ Gullen về nước. Mặc dù được xem là đồng minh thân cận, nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều tính toán đến các lợi ích riêng của mình. Chính vì thế, chuyến đi của ông Tillerson có lẽ cũng chỉ nhằm lắng nghe hơn hơn là đưa ra được giải pháp tháo gỡ bế tắc trong quan hệ hai nước./.