Người Ukraine phản ứng ra sao trước mối đe dọa từ Nga?
VOV.VN - Người dân Ukraine cố gắng không hoảng loạn, nhưng vẫn chuẩn bị cho khả năng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng, Nga điều động 130.000 binh sỹ gần biên giới Ukraine, Kiev tỏ ra bình tĩnh, không hoảng loạn trước nguy cơ về một cuộc tấn công tiềm tàng, nhưng vẫn đang cố gắng chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Giới chức Mỹ ngày 13/2 cảnh báo, Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. Mỹ cùng với Canada, Đức và Anh đã yêu cầu các nhà ngoại giao tại Ukraine rời khỏi thủ đô Kiev.
Trước đó, ngày 10/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo công dân Mỹ rời khỏi Ukraine ngay lập tức. Lầu Năm Góc ngày 12/2 đã rút các nhân viên quân sự làm nhiệm vụ huấn luyện khỏi Ukraine, điều chuyển tới các nước châu Âu khác. Mỹ cảnh báo nếu tấn công Ukraine, Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào hệ thống tài chính của nước này.
Tuy nhiên, dù có những diễn biến đáng lo ngại trong những ngày gần đây, đặc biệt ở Belarus và Biển Đen, Ukraine cho rằng, một cuộc tấn công tổng lực vẫn chưa có khả năng xảy ra, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh. Đánh giá của Ukraine về tình hình hiện nay cũng không giống với các tuyên bố Mỹ.
“Không có xe tăng trên đường phố. Nhưng truyền thông đã tạo ấn tượng rằng chúng tôi có chiến tranh, rằng chúng tôi có quân đội trên đường phố. Tình hình thực tế không phải như vậy,. Chúng tôi không cần phải hoảng loạn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh hồi cuối tháng 1.
Người Ukraine không hoảng loạn nhưng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất
Ở Ukraine, nguy cơ về cuộc tấn công của Nga đã khiến chủ nghĩa dân tộc nổi lên trong những tuần gần đây, với các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước ủng hộ độc lập của Ukraine.
“Chúng tôi ở đây để chứng tỏ rằng chúng tôi không sợ hãi”, Nazar Novoselsky, một người biểu tình ở Kiev nói với Al Jazeera, trong khi một người khác lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky rằng không nên hoảng loạn trong lúc này.
“Hoảng loạn là vô ích”, sinh viên Maria Shcherbenko nói khi tham gia cuộc tuần hành ngày 12/2.
Một số người dân Ukraine đang lập kế hoạch dự phòng. Theo Wall Street Journal, doanh số bán súng ở Kiev đã gia tăng, số người đăng ký các khóa học sơ cứu ngày càng đông.
“Đối với nhiều người Ukraine, chúng tôi đã quen với chiến tranh. Tôi nghĩ nhiều người Ukraine đã quen với mối đe dọa từ Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi có lẽ bình tĩnh hơn một số người ở phương Tây”, Oleksiy Sorokin, biên tập viên chính trị và giám đốc điều hành của Kiev Independent, nói với Vox’s Jen Kirby vào tháng 1/2022.
Lo ngại Nga tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Ukraine, Bộ Nội vụ Ba Lan cho biết nước này đang chuẩn bị cho làn sóng tị nạn từ Ukraine, mặc dù Bộ này không nêu chi tiết về số lượng người tị nạn hoặc nơi họ sẽ được tiếp nhận.
Quân đội Ukraine mạnh hơn hơn so với năm 2014
Theo Vox, nếu tiến hành một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Ukraine, Nga sẽ phải trả giá dù nước này đã điều động nguồn lực đáng kể, ước tính khoảng 130.000 binh sỹ dọc biên giới với Ukraine.
“Tôi nghĩ bản thân ông Putin biết rõ điều này. Đó là lý do tôi cho rằng một cuộc tấn công quy mô lớn là lựa chọn rủi ro đối với Moscow cả vì lý do kinh tế và chính trị - chưa kể rủi ro về thương vong. Nếu so sánh quân đội Ukraine thời điểm năm 2014 với lực lượng hiện nay, năng lực của họ đã tiến bộ rất nhiều”, ông Natia Seskuria, một nhà nghiên cứu tại Anh nhận định.
Giám đốc phụ trách vấn đề Nga và châu Âu tại Viện hòa bình Mỹ, ông Donald Jensen, cũng cho rằng, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công trên bộ, “họ không thể giữ được vùng đất đó” vì người Ukraine đã được chuẩn bị để chiến đấu.
Ông Jensen dự đoán, thay vì một bước đột phá ngoại giao hay một cuộc tấn công tổng lực, hậu quả của xung đột có thể kéo dài âm ỉ, các lực lượng Nga sẽ cố thủ ở biên giới, tìm cách gây bất ổn xã hội Ukraine và tình trạng đối đầu có thể diễn ra trong nhiều năm.
Mỹ và các đồng minh NATO đã chuyển “viện trợ an ninh sát thương” cho Ukraine trong những tháng gần đây, trong đó có nhiều vũ khí đạn dược, bao gồm cả tên lửa Stinger và xe quân sự. Mỹ cũng tạo điều kiện cho các bên thứ 3 chuyển vũ khí do Mỹ sản xuất – ban đầu bán cho các nước như Latvia, Estonia và Litva - cho Ukraine để Kiev sử dụng trong trường hợp Nga tấn công. Dù quân đội Ukraine không thể so sánh với tiềm lực của Nga về quy mô, các lực lượng mặt đất của Ukraine cũng được huấn luyện tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn so với năm 2014.
Ukraine hiện đã sở hữu các UAV quân sự và từng triển khai ở miền Đông. Dù không quân Ukraine khó có thể bì được với năng lực của Nga, UAV cũng là các khí tài mới được mua sắm sau năm 2014. Ukraine hiện có khoảng 20 UAV như vậy và dự kiến có thêm nhiều UAV nữa, sử dụng vào việc trinh sát, ngoài mục đích phòng thủ.
Nếu Nga thực sự tiến hành một cuộc tấn công tổng lực, sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sẽ là yếu tố quan trọng. Trong cuộc điện đàm ngày 13/2 với Tổng thống Mỹ Biden, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ tài chính và viện trợ quân sự, trong đó bao gồm cả các loại vũ khí tiên tiến hơn.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, những khoản viện trợ như vậy có thể cho ông Putin thấy rằng phương Tây ủng hộ Ukraine và việc Nga leo thang tình hình sẽ không đem lại kết quả gì.
“Chúng tôi đã tăng cường phòng thủ. Chúng tôi đã trải qua chiến tranh và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, chúng tôi sẵn sàng đối đầu với kẻ địch, không phải với hoa mà là với Stingers, Javelins và NLAW [các loại tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo]”, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, cho biết trong một tuyên bố ngày 12/2, đề cập một loạt vũ khí được cung cấp thông qua các nước NATO./.