Nguồn cơn cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử Sri Lanka

VOV.VN - Thiếu thốn lương thực, thuốc men và nhiều nguyên vật liệu cùng tình trạng cắt điện kéo dài, hiện Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.

Ngày 12/4, Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD trong bối cảnh đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Trong 51 tỷ USD nợ này, Sri Lanka phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2022, trong đó gồm 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong danh sách chủ nợ hàng đầu của quốc gia Nam Á này.

Nguồn cơn của khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ ở Sri Lanka được giá là do nhiều yếu tố tác động gây ra.

Thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, Chủ tịch Viện tư vấn chính sách Advocata (trụ sở tại Sri Lanka) Murtaza Jafferjee cho biết: "30% do vận rủi. 70% do yếu kém trong quản lý…”. Theo đó, việc quản lý tài chính công kém hiệu quả đã khiến nguồn thu nhà nước bị thâm hụt nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Tình hình này càng trở nên tồi tệ hơn sau khi chính quyền Tổng thống Gotabaya Rajapaksa áp đặt các đợt giảm thuế sâu ngay sau khi nhậm chức vào năm 2019, diễn ra chỉ vài tháng trước cuộc khủng hoảng Covid-19.

Với diễn biến phức tạp của đại dịch, nền kinh tế của Sri Lanka tiếp tục phải đối mặt với “cú sốc” lớn. Đặc biệt, ngành du lịch của nước này, vốn đã gặp khó khăn kể từ vụ đánh bom vào Lễ Phục sinh năm 2019, lại tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hạn chế đi lại liên quan tới đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá hối đoái không linh hoạt cũng là một nguyên nhân làm giảm lượng kiều hối của Sri Lanka.

Không dừng lại ở đó, năm 2020, các cơ quan đánh giá đã quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka do những lo ngại liên quan đến tình hình tài chính của chính phủ và khả năng hoàn trả các khoản nợ nước ngoài, khiến quốc gia này bị loại khỏi thị trường tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, để duy trì nền kinh tế, chính phủ Sri Lanka buộc phải tiếp tục sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của mình, nên chỉ trong vòng 2 năm, nguồn dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 70%, và chỉ còn khoảng 1,93 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2022. Điều này khiến quốc đảo 22 triệu dân gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và nhiên liệu. 

Các nhà phân tích của J.P. Morgan ước tính tổng mức chi trả nợ của Sri Lanka có thể lến tới gần 7 tỷ USD trong năm nay, với thâm hụt tài khoản vãng lai vào khoảng 3 tỷ USD.

Động thái từ chính phủ Sri Lanka

Đối mặt với tình hình kinh tế đang xấu đi nhanh chóng, chính phủ Tổng thống Rajapaksa mới đầu đã chọn cách chờ đợi, thay vì nhanh chóng tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nguồn khác.

Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo phe đối lập và các chuyên gia nước này đã thúc giục chính phủ hành động với hy vọng phục hồi ngành du lịch và cải thiện nguồn kiều hối.

Nhận thức được ngành sản xuất bia đang rơi xuống khủng hoảng nghiêm trọng, chính phủ Sri Lanka đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Tháng 12/2021, Bộ trưởng Tài chính nước này đã đến New Delhi để thu xếp các hạn mức tín dụng và hoán đổi 1,9 tỷ USD từ Ấn Độ.

Reuters cho biết Ấn Độ sẵn sàng cung cấp cho nước láng giềng thêm 2 tỷ USD để làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc. Sri Lanka cũng đã đề xuất thêm một hạn mức tín dụng trị giá 500 triệu USD từ Ấn Độ cho ngành nhiên liệu của nước này.

Về phía Trung Quốc, Tổng thống Rajapaksa đã đề nghị chính quyền Bắc Kinh tái cơ cấu các khoản nợ trị giá khoảng 3,5 tỷ USD để giúp Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng tồi tệ. Thêm vào đó, Colombo cũng yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ gói tín dụng 2,5 tỷ USD, gồm khoản vay 1 tỷ USD để thanh toán nợ đến hạn và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để nhập hàng hóa từ nền kinh tế số 2 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vấn đề này. Đáng lưu ý, đất nước tỷ dân đã gia hạn khoản vay hợp vốn 1,3 tỷ USD cho chính phủ Sri Lanka vào trước đó.

Mới đây nhất, theo thông báo của chính quyền Sri Lanka, nước này sẽ bắt đầu đàm phán với IMF về chương trình cho vay vào ngày 18/4. Hai bên sẽ thảo luận về gói cho vay lên tới 3 tỷ USD trong vòng 3 năm. Chương trình cho vay này dự kiến sẽ giúp Sri Lanka thu hút thêm 1 tỷ USD hỗ trợ từ các thể chế đa phương khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Tổng cộng, quốc gia này cần khoảng 3 tỷ USD hỗ trợ để hàn gắn hệ thống tài chính trong vòng 6 tháng tới, nhằm nối lại nguồn cung các mặt hàng thiết yếu bao gồm nhiên liệu và thuốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, vì đâu nên nỗi?
Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, vì đâu nên nỗi?

VOV.VN - Sau nhiều năm vay nợ hàng tỷ USD từ nước ngoài, Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, vì đâu nên nỗi?

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, vì đâu nên nỗi?

VOV.VN - Sau nhiều năm vay nợ hàng tỷ USD từ nước ngoài, Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Hậu vỡ nợ, Sri Lanka thành “điểm nóng” địa chính trị mới ở châu Á-Thái Bình Dương
Hậu vỡ nợ, Sri Lanka thành “điểm nóng” địa chính trị mới ở châu Á-Thái Bình Dương

VOV.VN - Chính phủ Sri Lanka vừa thông báo tạm dừng việc thanh toán 51 tỷ USD Mỹ nợ nước ngoài của nước này do không thể trả nợ.

Hậu vỡ nợ, Sri Lanka thành “điểm nóng” địa chính trị mới ở châu Á-Thái Bình Dương

Hậu vỡ nợ, Sri Lanka thành “điểm nóng” địa chính trị mới ở châu Á-Thái Bình Dương

VOV.VN - Chính phủ Sri Lanka vừa thông báo tạm dừng việc thanh toán 51 tỷ USD Mỹ nợ nước ngoài của nước này do không thể trả nợ.

Sri Lanka ban bố giới nghiêm toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần
Sri Lanka ban bố giới nghiêm toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần

VOV.VN - Chính phủ Sri Lanka ngày 2/4 ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần để ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội do khủng hoảng kinh tế.

Sri Lanka ban bố giới nghiêm toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần

Sri Lanka ban bố giới nghiêm toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần

VOV.VN - Chính phủ Sri Lanka ngày 2/4 ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần để ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội do khủng hoảng kinh tế.

Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì bạo loạn
Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì bạo loạn

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hôm qua (1/4) ban hành một thông báo bất thường tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại đảo quốc Ấn Độ Dương này.

Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì bạo loạn

Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì bạo loạn

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hôm qua (1/4) ban hành một thông báo bất thường tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại đảo quốc Ấn Độ Dương này.