Nguyên nhân khiến Đông Âu trở thành điểm nóng mới trong đại dịch Covid-19
VOV.VN - Dù có nguồn cung vaccine lớn nhưng sự chần chừ tiêm chủng của người dân ở một số quốc gia Đông Âu đã khiến khu vực này ghi nhận số ca mắc Covid-19 và tử vong tăng vọt trong thời gian gần đây.
Tài xế xe tải Andriy Melnik trước kia từng coi nhẹ sự nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Anh và một người bạn đã mua giấy chứng nhận tiêm chủng giả để có đủ giấy tờ khi vận chuyển hàng hóa đến các khu vực khác của châu Âu.
Tuy nhiên, quan điểm của Melnik đã thay đổi sau khi người bạn của anh mắc Covid-19 và phải thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt.
“Tôi thấy rằng căn bệnh này có thể gây tử vong và hệ miễn dịch tốt là không đủ, chỉ có vaccine mới có thể bảo vệ được tôi. Tôi thực sự sợ hãi và cầu xin các bác sĩ giúp tôi sửa chữa sai lầm của mình”, Melnik, 42 tuổi, nói trong lúc chờ tiêm chủng ở thủ đô Kiev.
Tâm dịch Covid-19 mới của thế giới
Giống như các khu vực khác của Đông Âu, Ukraine đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Trong khi khu vực này có nguồn cung vaccine dồi dào, nhiều người dân ở một số quốc gia vẫn chần chừ đi tiêm chủng, ngoại trừ các quốc gia Baltic, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovenia and Hungary.
Catherine Smallwood, giám đốc phụ trách về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết, tốc độ tiêm chủng chậm ở Đông Âu bắt nguồn từ một số yếu tố, bao gồm sự thiếu tin tưởng của công chúng vào vaccine và kinh nghiệm tiêm các loại vaccine khác trong quá khứ.
“Chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều quốc gia trong khu vực. Các vấn đề trong lịch sử xung quanh vaccine xuất hiện trở lại. Ở một số quốc gia, vấn đề tiêm vaccine đang bị chính trị hóa”, bà Smallwood nói với AP.
Ngày 28/10, Nga ghi nhận 1.159 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ, số người chết hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Tới nay, chỉ khoảng 1/3 trong số gần 146 triệu người dân tại Nga đã tiêm chủng đầy đủ. Điện Kremlin đã ban bố lệnh không làm việc trên toàn quốc bắt đầu từ tuần này và kéo dài tới ngày 7/11.
Một quan chức ở Hungary hôm 28/10 thông báo rằng, các công ty tư nhân có thể yêu cầu nhân viên bắt buộc tiêm vaccine Covid-19, một biện pháp để tăng tỷ lệ tiêm chủng của đất nước. Quan chức này cho biết thêm, các nhân viên chính phủ, trong đó có cả giáo viên, cũng sẽ được yêu cầu tiêm chủng.
Ngày 28/10, Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày cao nhất kể từ tháng 5, với hơn 8.000 ca bệnh.
Tại Ukraine, chỉ 16% người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ. Đây là tỷ lệ tiêm chủng thấp thứ hai tại châu Âu, sau mức 7% của Armenia.
Các nhà chức trách Ukraine đã yêu cầu giáo viên, nhân viên chính phủ và những người lao động khác phải tiêm chủng đầy đủ trước ngày 8/11 nếu không sẽ không được trả lương. Ngoài ra, người dân cũng phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi đi máy bay, tàu hỏa và xe buýt đường dài.
Những quy định trên đã làm bùng nổ thị trường chợ đen về giấy tờ giả Covid-19. Giấy chứng nhận tiêm chủng giả được bán với giá cao, từ 100-300 USD. Thậm chí, còn có một ứng dụng giả cài sẵn chứng nhận tiêm chủng, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết.
Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko hôm 28/10 đã công bố những hạn chế mới ở thủ đô để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Từ ngày 1/11, các nhà hàng, trung tâm mua sắm và phòng tập thể dục sẽ đóng cửa. Chỉ những người xuất trình chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp của Ukraine đã khiến đại dịch lây lan nhanh chóng, từ đó gây áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải của đất nước. Khoa phẫu thuật của bệnh viện ở thị trấn Biliaivka hiện chỉ điều trị cho những bệnh nhân Covid-19, với 50/52 giường bệnh đã được lấp đầy. Ngoài ra, thuốc điều trị và oxy cũng đang thiếu hụt.
“Chúng tôi đang ở bên bờ vực thảm họa do những người phản đối việc tiêm chủng và tình trạng thiếu kinh phí. Thật đáng buồn, 5 nhân viên của bệnh viện đã nghỉ việc trong tuần qua”, Tiến sĩ Serhiy Shvets, trưởng khoa phẫu thuật nói trên, cho biết.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một bệnh viện ở phía Tây thành phố Chernivtsi. Bác sĩ Olha Kobevko cho biết, có 126 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch nhưng chỉ có 120 giường bệnh.
“Tôi khóc trong tuyệt vọng khi thấy 99% bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nghiêm trọng chưa được tiêm chủng, trong khi họ vốn có thể tự bảo vệ bản thân. Chúng tôi đang phải vật lộn để cứu sống họ nhưng không có đủ thuốc và nguồn lực”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kobevko nói.
Bác sĩ Kobevko cho biết, đợt bùng phát dịch lần này có vẻ đặc biệt nguy hiểm, với 10-23 bệnh nhân tử vong do Covid-19 mỗi ngày, so với mức chưa đầy 6 bệnh nhân/ngày vào mùa xuân năm 2020. Số lượng bệnh nhân Covid-19 ở độ tuổi 30-40 đã tăng đáng kể, bà Kobevko nói thêm.
“Làn sóng” lưỡng lự tiêm vaccine Covid-19
Bà Kobevko cho rằng sự hoài nghi về vaccine đang lan rộng do ảnh hưởng bởi mạng xã hội và tín ngưỡng tôn giáo, là nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch hiện tại.
“Những thông tin sai lệch về vaccine đã lan truyền rộng rãi khiến người dân nghĩ rằng vaccine có microchip và liên quan đến đột biến gen”, bà Kobevko nói.
Ngay cả các nhân viên y tế cũng chần chừ trong việc tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Viktor Lyashko thừa nhận rằng khoảng một nửa số nhân viên y tế Ukraine miễn cưỡng tiêm chủng.
Sự hoài nghi về vaccine cũng xuất hiện ở những nơi khác tại Đông Âu do các thông tin sai lệch, niềm tin tôn giáo và thái độ hoài nghi chính quyền.
Tại Romania, nơi khoảng 35% người lớn đã tiêm chủng đầy đủ, chính phủ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn trong tuần này. Theo đó, người dân cần có chứng nhận tiêm chủng cho nhiều hoạt động thường ngày như tới phòng tập thể dục, đi xem phim hoặc trung tâm mua sắm. Romania áp dụng giờ giới nghiêm vào 22h, các cửa hàng phải đóng cửa lúc 21h. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng.
Tiến sĩ Dragos Zaharia tại Viện sinh học Marius Nasta ở Bucharest cho biết, nhiều người sợ tiêm vaccine vì vô số thông tin sai lệch tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội.
“Hàng ngày, chúng tôi thấy nhiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng khó thở và hầu hết họ đều cảm thấy hối tiếc vì chưa tiêm chủng”, ông Zaharia nói.
Bulgaria, quốc gia chỉ có 1/4 dân số trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ, cũng ghi nhận số ca mắc bệnh và ca tử vong cao kỷ lục trong tuần này. Theo dữ liệu chính thức, Bulgaria có tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong hai tuần qua cao nhất trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU). 94% số ca tử vong là những người chưa tiêm vaccine.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại Georgia là 33% và giới chức đã tổ chức quay xổ số với giải thưởng tiền mặt để khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Bidzina Kulumbegov vẫn than phiền về tốc độ tiêm chủng chậm chạp tại nước này.
Đối với Melnik, tài xế xe tải người Ukraine, nỗi sợ hãi về việc mắc Covid-19 lớn hơn so với mọi nỗi lo ngại khác.
“Bạn không thể lừa dối với căn bệnh này. Bạn có thể mua chứng nhận tiêm chủng giả nhưng không thể mua được kháng thể. Người Ukraine dần nhận ra rằng không có biện pháp thay thế nào để ngăn chặn đại dịch ngoài việc tiêm chủng”, Melnik nói./.