Nhật Bản tìm kiếm lợi ích từ các nước Nam bán cầu
VOV.VN - Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế chia rẽ và xung đột ngày càng sâu sắc, Nhật Bản cần phải đẩy mạnh hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi, còn gọi là “các nước Nam bán cầu”, đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa vừa có chuyến thăm một loạt các nước Cộng hòa Madagascar, Nigeria, Pháp, Sri Lanka, Nepal… Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nhật Bản đến các nước châu Phi thuộc khu vực cận Sahara và hai quốc gia Tây Nam Á và cũng là lần đầu tiên một ngoại trưởng Nhật Bản thăm Cộng hòa Madagascar kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1960.
Tầm quan trọng của khu vực Nam bán cầu
Khái niệm về “Nam bán cầu” lần đầu tiên được Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản công bố vào tháng 3/2023, thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung - Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, hay Đông Nam Á. Trong sách Xanh năm nay (2024), Nhật Bản đã thúc đẩy hợp tác cụ thể hơn đối với các nước trong khu vực này, trong đó nhấn mạnh điều quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia mới nổi và đang phát triển theo cách toàn diện để vượt qua những sự khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương.
Năm 2023, việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến 4 nước châu Phi là Ai Cập, Ghana, Kenya và Mozambique được cho là động thái đầu tiên của Nhật Bản trong việc tăng cường quan hệ với các nước Nam bán cầu.
Về vai trò của các nước Nam bán cầu đối với Nhật Bản, Ngoại trưởng Yoko Kamikawa vẫn theo đường lối ngoại giao trước đó khi cho rằng việc xác nhận hợp tác với các nước lớn ở châu Phi để giải quyết các vấn đề toàn cầu là “có ý nghĩa” đối với Nhật Bản. Cụ thể Nhật Bản sẽ tập trung vào tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh hàng hải với khu vực này.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, các nước Nam bán cầu là các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào hay tiềm năng phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp G7 khắc phục các cuộc khủng hoảng hiện nay như giá cả năng lượng, lương thực tăng cao hay gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tại 3 nước châu Phi, bà Kamikawa cũng đã nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tại Sri Lanka, Nhật Bản tái khẳng định việc tiếp tục viện trợ cho nước này nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng tài chính.
Nhật Bản được lợi ích gì?
Hiện tại Nhật Bản đang cùng Mỹ có động thái tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tiếp tục trừng phạt Nga. Ngoài Nhật Bản và Mỹ, các nước G7 cũng cam kết thắt chặt các “sơ hở” thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với các nước Nam bán cầu nhằm đối ứng với Nga.
Điều này sẽ rất quan trọng vì theo IMF, tổng tỷ trọng của nhóm G7 trong tổng sản phẩm quốc nội thế giới đã giảm từ hơn 50% vào năm 1990 xuống chỉ còn dưới mức 30% trong năm 2023. Bên cạnh việc làm suy yếu Nga, ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo G7 sẽ là tập hợp sự ủng hộ của 8 quốc gia được mời trong đó có một số nước Nam bán cầu để gia tăng đối trọng với Trung Quốc, quốc gia được Nhật Bản đánh giá là ngày càng đặt ra các “thách thức chiến lược” đối với khu vực và hơn thế nữa.
Những năm gần đây châu Phi đang là “điểm nóng” cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trung Quốc đang là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi và cũng là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào khu vực này.
Ngược lại, trong 10 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào châu Phi đã giảm đáng kể, giảm mạnh xuống còn 6,1 tỷ USD vào năm 2021, gần bằng một nửa số tiền đầu tư vào năm 2013. Do vậy, chuyến công du của bà Kamikawa sẽ là cơ hội để tái khẳng định vai trò của Nhật Bản trong khu vực và kích thích đầu tư tư nhân trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ngày càng tăng.
Ngoài ra, với khoản hộ trợ trị giá 500 triệu USD trong vòng 3 năm, Nhật Bản đang cho thấy sự tập trung vào chính sách tăng cường hợp tác với các nước châu Phi hay các nước Nam bán cầu nói chung. Nhật Bản kỳ vọng là sẽ khai thác, tận dụng được những tiềm năng trong quan hệ các mặt với châu Phi ngoài ra qua đó gia tăng sức ảnh hưởng, vị thế và tiếng nói đối với khu vực này, kêu gọi các nước này ủng hộ quan điểm của Nhật Bản trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Trong bối cảnh hiện nay, châu Phi hay các nước Nam bán cầu đang có vị trí “địa chính trị chiến lược” và tiềm năng hợp tác rất lớn với những lợi thế như là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và có tốc độc phát triển kinh tế nhanh.
Ngoài ra, một số quốc gia châu Phi được cho là vẫn giữ đường lối ngoại giao “khôn khéo” khi chưa thể hiện rõ quan điểm trong việc có ủng hộ hay không chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hay có hưởng ứng không các biện pháp trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine. Do đó, khu vực này đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng, tìm kiếm sự ủng hộ của nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu.
Về thế mạnh của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh tại khu vực châu Phi, trong lịch sử nhiều năm gần đây, Nhật Bản cũng giữ được quan hệ rất tốt với các nước châu Phi. Cố Thủ tướng Abe Shinzo từng nỗ lực rất nhiều để đối trọng với đòn bẩy ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi, ông đã công du tới lục địa này cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đề cập chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong trường quốc tế cũng đang gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây cũng là một lợi thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược tại khu vực này. Những chính sách mà Nhật Bản thực thi đối với châu Phi hay các nước Nam bán cầu như hiện nay cho thấy quốc gia Đông Bắc Á này đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ, các quốc gia có cùng chí hướng trong cuộc cạnh tranh chiến lược đối với các nước lớn.