Nhật-Trung: Căng từ ngoại giao đến truyền thông
VOV.VN - Nhật Bản-Trung Quốc sẽ nối lại đối thoại, song có lẽ vấn đề sẽ phức tạp hơn khi vẫn tiếp tục có những rào cản mới xuất hiện.
Tái mở đối thoại và bế tắc mới
Nhật Bản và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc đối thoại an ninh sau bốn năm gián đoạn vào ngày 19/3 tới tại Tokyo. Tại cuộc đối thoại lần này phía Nhật Bản sẽ thuyết minh về Luật an ninh mà trong đó có đề cập tới việc thực thi quyền phòng vệ tập thể của nước này tại nước ngoài.
Cuộc đối thoại thường niên này đã bị gián đoạn kể từ tháng 1/2011 sau khi Trung Quốc phản đối Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang tranh chấp giữa hai bên. Cuộc đối thoại sẽ do lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hai nước chủ trì.
Tại cuộc đối thoại lần này, phía Nhật Bản cũng sẽ yêu cầu phía Trung Quốc minh bạch hóa ngân sách quốc phòng liên tiếp gia tăng, cụ thể tăng gấp đôi trong 5 năm gần đây của nước này. Mặt khác Nhật Bản cũng sẽ yêu cầu phía Trung Quốc giải thích việc vừa qua Trung Quốc công khai trang web xác nhận chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc đối thoại này đã được đề xuất trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước vào tháng 11/2014.
Theo phân tích, cuộc đối thoại lần này sẽ không đưa ra được những biện pháp sáng sủa nào để giải quyết vấn đề tồn tại giữa hai nước về lãnh thổ, nhất là khi Trung Quốc chính thức đã tăng cường phương tiện thông tin đại chúng trong khẳng định chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc dùng truyền thông áp đặt chủ quyền
Trung Tâm thông tin Hải dương quốc gia-Cơ quan trực thuộc của Cục Hải dương quôc gia Trung Quốc, ngày 4/3 vừa qua đã mở một trang web mới bằng tiếng Nhật liên quan tới chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Để đối phó với hành vi này của Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã công khai một trang web tương tự bằng tiếng Trung khẳng định chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Trên thực tế trang web này đã được công khai vào tháng 12/2014 bằng tiếng Trung Quốc với chủ đề “Điếu Ngư-lãnh thổ của Trung Quốc”. Và đến ngày 4/3 vừa qua tiếp tục đăng tải nội dung bằng tiếng Nhật và tiếng Anh
Nội dung trong tuyên bố của Trung Quốc có đoạn viết bằng tiếng Nhật: “Nhìn từ góc độ lịch sử, địa lý và các góc độ khác, quần đảo Điếu Ngư và những đảo xung quanh đó thuộc chủ quyền lâu đời của Trung Quốc”, “Trước khi quần đảo này được người Nhật Bản phát hiện, Trung Quốc đã có hàng trăm năm quản lý và khai thác quần đảo này”.
Đồng thời với việc Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã công khai trang web bằng tiếng Anh và tiếng Trung khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc Trung Quốc công khai trang web tương tự thể hiện sự “trả đũa” lẫn nhau.
Theo Tân Hoa xã, tít của trang web này mang tên “Quần đảo Điếu Ngư”, đăng bên cạnh ảnh chụp quần đảo Điếu Ngư từ trên không và từ biển, khẳng định “là chủ quyền cơ bản của Trung Quốc”.
Ngoài ra còn đăng bản đồ và văn bản từ thế kỷ 15 và chương trình thời sự liên quan của Truyền hình Trung ương Trung Quốc chứng minh chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Trên trang web của mình, Trung Quốc cũng nói rõ: “Ở khu vực xung quanh quần đảo Điếu Ngư, các chủng loại thủy hải sản rất phong phú, và đây cũng là nơi các ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc đã tồn tại. Ngoài ra nguồn tài nguyên dầu lửa và khí tự nhiên cũng rất phong phú”.
Việc này bắt nguồn từ một báo cáo của Liên Hợp Quốc từ năm 1971 cho rằng tại khu vực hải dương của Đông Á có thể có dầu lửa. Do vậy, phía Trung Quốc chủ trương về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư nhằm mục đích nuốn nắm trọn nguồn tài nguyên biển ở khu vực này.
3 chứng cứ chủ yếu mà Trung Quốc đưa ra đó là: 1. Trung Quốc là nước phát hiện sớm nhất quần đảo này và đặt tên cho nó; 2.Trung Quốc quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khoảng thời gian dài; 3.Trong bản đồ của Trung Quốc và nước ngoài đều biểu thị Senkaku/Điếu Ngư là của Trung Quốc.
Về đảo không người Đại chính (theo cách gọi của Trung Quốc) nằm trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc khẳng định trong cuốn thư tịch xuất bản năm 1403 vào triều đại nhà Thanh đã ghi lại việc Trung Quốc phát hiện ra đảo này và đặt tên cho nó.
Trung Quốc cũng dẫn thêm những tấm bản đồ khác được biên soạn thời nhà Minh và nhà Thanh như “Sử Lưu Cầu Lục-1579”, “Hoàng Triều Trung ngoại nhất thống hưng đồ-1863” có thừa nhận quần đảo Điếu Ngư là một phần trong lãnh thổ của Trung Quốc.
Trang web cũng đề cập tới những thông tin, bài báo của của Nhân Dân nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc) phủ nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với Senkaku/Điếu Ngư.
Tân Hoa xã lý giải “Trang web này nhằm để lý giải sự thật, chân tướng, công bố rõ hơn về chủ quyền của Trung Quốc không có tranh giành đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.
Trang web cũng công bố rằng từ ngày 27/1/2014 đến nay đã có tổng cộng 36 lần thuyền của Cục Hải cảnh Trung Quốc đã tuần tra khu vực nội thủy của Senkaku/Điếu Ngư.
“Mớ bòng bong mới” trong quan hệ Nhật-Trung
Nhật Bản cũng đưa ra nhiều lý giải khẳng định quyền chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật khẳng định: Năm 1885 (thời kỳ Minh Trị), Nhật Bản đã tiến hành những cuộc điều tra, thám hiểm khu vực Senkaku/Điếu Ngư và xác nhận rõ Nhà Thanh (Trung Quốc) không có liên quan tới quần đảo này.
Trong Hiệp ước hòa bình Sanfrancisco nói rõ Mỹ trao trả Okinawa cho Nhật, và Senkaku cũng thuộc lãnh thổ của Nhật Bản.
Đặc biệt ngày 8/1/1953 trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có nói rằng “Quần đảo Senkaku của Okinawa”...
Liên quan tới việc Trung Quốc công khai trang web liên quan tới chủ quyền của nước này đối với Senkaku/Điếu Ngư, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga ngay lập tức đã kháng nghị tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản.
Ông Suga phê phán Trung Quốc: “Đã xuyên tạc sự thật, bày tỏ lập trường đơn phương của phía Trung Quốc. Đây là điều mà chính phủ Nhật Bản hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Ông Suga cũng lưu ý Trung Quốc về việc Trung Quốc dự định trong năm 2015 sẽ tăng ngân sách quốc phòng trên dưới 10% so với năm 2014 rằng “Hãy lưu ý tính minh bạch của ngân sách quốc phòng và chú ý hơn về những động thái tiếp theo của mình”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 5/3/2015 cũng đáp trả rằng: “Không thể chấp nhận yêu cầu vô lý của Nhật Bản” và yêu cầu Nhật Bản phải “Tôn trọng tính chính thống của lịch sử và sự thật”.
Trong khi đó, việc thực thi quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản đã được thông qua cho phép sự tham gia của quân đội nước này tại nước ngoài trong những trường hợp cụ thể cũng khiến Trung Quốc lo ngại. Do vậy tại cuộc đối thoại lần này, tuy đã có tiến bộ mới là hai nước đã tái mở đối thoại, xong chính các nội dung sẽ bàn thảo trong đối thoại sẽ gây thêm “mớ bòng bong mới” cho “mớ bòng bong” cũ trong quan hệ hai nước./.