Những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi vì Gaza
VOV.VN - Cuộc xung đột ở Dải Gaza tiếp tục là chủ đề nghị sự chính của nhiều hội nghị, diễn đàn và các chuyến thăm ngoại giao cấp cao đang diễn ra.
Nhiều lời kêu gọi, đề xuất ngừng bắn, hướng tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề Israel và Palestine đã được thảo luận, giữa lúc thảm họa nhân đạo có nguy cơ xảy ra khi Israel định tấn công khu vực Rafah - đông dân cư, người tị nạn dồn về.
Cuộc xung đột ở Gaza hôm 16/2 đã làm nóng hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 – nơi quy tụ hàng trăm đại biểu, nguyên thủ, quan chức cấp cao từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định, tình hình ở Gaza là một bản cáo trạng kinh hoàng về sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, đồng thời nhắc lại công thức hòa bình cho cuộc xung đột: “Tôi đã nhiều lần kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin và tiến hành ngừng bắn nhân đạo. Đó là cách duy nhất để tăng quy mô viện trợ nhân đạo ở Gaza. Đây phải là nền tảng cho những bước đi cụ thể và không thể đảo ngược hướng tới giải pháp hai nhà nước, dựa trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hợp Quốc".
Bên lề hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ, các nước châu Âu và Arab hôm qua cũng đã lần đầu tiên ngồi lại với nhau kể từ khi xung đột Gaza bùng phát. Đây là dịp để Mỹ và các nước châu Âu lắng nghe tổng thể tiếng nói, quan điểm chung từ những nước Arab – những người đang sát cánh cùng Palestine, có quan điểm phản đối cuộc tấn công “vượt quá quyền tự vệ” của Israel ở Gaza. Những đề xuất ngừng bắn nhân đạo và trao đổi con tin mà Mỹ, Qatar, Ai Cập đang nỗ lực đàm phán được đề cập chi tiết. Thậm chí tương lai Gaza và việc bình thường quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia sau này cũng đã được đem ra thảo luận như một điều kiện để giải quyết vấn đề Palestine.
Từ Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang sốt ruột về số phận các con tin người Mỹ khi Hamas hôm qua tuyên bố những con tin bị bắt đang chịu tổn thất từ các cuộc tấn công của Israel và điều kiện sống của họ đang vô cùng khó khăn. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thúc giục Israel “cẩn trọng” trong kế hoạch tấn công quy mô lớn vào khu vực Rafah, gần biên giới Ai Cập – nơi gần nửa dân số Gaza tập trung lại từ khi xung đột bắt đầu:
“Tôi đã có những cuộc trò chuyện sâu rộng với Thủ tướng Israel trong vài ngày qua, mỗi lần gần một giờ đồng hồ. Tôi đã nói rằng phải có một lệnh ngừng bắn tạm thời để đưa các con tin ra ngoài. Tôi vẫn hy vọng điều đó sẽ được thực hiện. Israel không nên thực hiện bất kỳ cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nào trong thời gian này. Tôi hi vọng chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận con tin và sẽ đưa những người Mỹ về nước. Thỏa thuận đang được đàm phán và chúng ta đang chờ đợi”.
Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cho biết, việc đơn phương công nhận Nhà nước Palestine “không còn là điều cấm kỵ” với nước này, nếu những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel và Palestine tiếp tục bị trì hoãn. Điều này sẽ có ý nghĩa biểu tượng lớn về mặt ngoại giao.
Hiện Nga cũng đang tích cực tìm hướng giải quyết vấn đề Gaza khi đã mời nhiều tổ chức của Palestine tới Moscow họp, bao gồm Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Hamas. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, mục tiêu của cuộc họp là giúp các lực lượng Palestine đoàn kết về mặt chính trị.
Sau ngày 7/10/2023, dải đất Gaza phải “oằn mình chống chọi” với hơn 130 ngày tấn công từ Israel. Những điều tồi tệ thậm chí vẫn đang chờ đợi hơn 2 triệu người dân của dải đất này ở phía trước. Những nỗ lực ngoại giao từ quốc tế là cần thiết và cần được tiến hành một cách khẩn trương và hiệu quả.