Những vấn đề nổi bật trong cuộc họp báo của Tổng thống Nga Putin
VOV.VN - Ngày 17/12, Tổng thống Nga Vladimir đã tổ chức cuộc họp báo thường niên lần thứ 16. Sự kiện này luôn được đón chào và quan tâm đặc biệt của truyền thông trong nước và nước ngoài.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc họp báo diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tổng thống Putin tiếp nhận và trả lời các câu hỏi từ dinh thự riêng Novo-Ogaryovo ở ngoại ô thủ đô Moscow, trong khi các nhà báo và nhiếp ảnh gia tập trung tại một số trung tâm báo chí. Khoảng 800 nhà báo đăng ký đưa tin. Con số này ít hơn rất nhiều so với các năm trước, do ban tổ chức đã hạn chế số người đăng ký đối với các báo in và báo điện tử, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp.
Cuộc họp báo cuối năm 2020 đã kéo dài hơn 4 tiếng rưỡi, Tổng thống Putin trả lời báo giới nhiều câu hỏi về các vấn đề quan trọng của đất nước như kiểm soát dịch Covid-19, nền kinh tế, chính sách xã hội, các dự án quốc gia và chính sách đối ngoại của chính quyền ông.
Dịch bệnh Covid-19
Tổng thống Putin cho biết, năm 2020 là năm nhiều biến động với những sự kiện lớn, mang đến cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Song ông nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là vấn đề lớn nhất vì ảnh hưởng của nó lan rộng ra toàn cầu. Ông Putin cũng tự hào rằng Nga là một trong 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xét nghiệm Covid-19 và đi tiên phong trong điều chế vaccine Covid-19.
Theo ông Putin, Nga sẽ khởi động chương trình tiêm chủng quy mô lớn từ ngày 1/1/2021 và sẽ tích cực hợp tác với các quốc gia khác trong tiến trình sản xuất vaccine Covid-19. Tổng thống Putin nói sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 dù đã nhiều tuổi so với khuyến cáo. Ông khẳng định tiêm chủng diện rộng là cách tốt nhất để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và đây cũng là cách tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Đối với các tin đồn về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19, ông Putin nhấn mạnh, Nga không thấy bằng chứng chứng minh cho những lời buộc tội đối với bất cứ ai. Theo ông, giờ không phải là lúc tìm một bên nào đó để đổ lỗi mà phải cùng nhau chống đại dịch và đây sẽ là hướng hợp phù hợp nhất cho tất cả các quốc gia.
Quan hệ Nga-Mỹ
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng những vướng mắc trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ được giải quyết dưới thời ông Biden. Nhà lãnh đạo Nga đánh giá Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm trong các vấn đề đối nội, đối ngoại và hy vọng những vấn đề phát sinh trong quan hệ song phương sẽ sớm được giải quyết.
Bên cạnh đó, ông Putin cho rằng quan hệ song phương Nga-Mỹ là “con tin” cho các chính sách của Mỹ. Nhã lãnh đạo Nga cũng khẳng định, cáo buộc tin tặc Nga can thiệp bầu cử Mỹ chỉ là các đồn đoán vô căn cứ nhằm phá hoại quan hệ giữa 2 nước và các tin tặc của Nga chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cả năm 2016 lẫn năm 2020. Ông hy vọng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ sớm chấm dứt những đồn đoán này.
Khả năng tranh cử và hiến pháp sửa đổi
Tổng thống Nga Putin cho biết, ông vẫn chưa quyết định có tái tranh cử tổng thống hay không khi nhiệm kỳ hiện tại ở Điện Kremlin kết thúc vào năm 2024 và còn quá sớm để nói về điều này. Tháng 7 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công bố bản Hiến pháp sửa đổi, sau khi các cải cách nhận được sự ủng hộ áp đảo của 77,92% cử tri Nga trong cuộc bỏ phiếu kéo dài 1 tuần. Hiến pháp sửa đổi cho phép ông Putin tranh cử thêm hai nhiệm kỳ tổng thống (mỗi nhiệm kỳ 6 năm), khả năng kéo dài thời gian cầm quyền của ông Putin đến năm 2036. Kể từ năm 1993, Hiến pháp nước Nga đã trải qua 3 lần sửa đổi, tuy nhiên, lần sửa đổi năm 2020 được đánh giá là có quy mô lớn nhất.
Trước câu hỏi vì sao Hiến pháp Nga được sửa đổi vào năm 2020 chứ không phải vào một năm khác, ông Putin nói, thời gian sẽ đưa ra trả lời. Tổng thống Putin nhắc lại, Hiến pháp năm 1993 được thông qua trong bối cảnh nước Nga rơi vào khủng hoảng, chứng kiến các cuộc đụng độ trên đường phố Moscow và việc sửa đổi ở thời điểm đó là nhằm ổn định tình hình. Theo ông Putin, tình hình hiện nay có nhiều thay đổi và một số quy định trong Hiến pháp đã không còn phù hợp.
Kinh tế
Trong cuộc họp báo, ông Putin lưu ý rằng, nền kinh tế Nga cũng như nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng xét về mặt bằng chung, kinh tế Nga vẫn phát triển hơn so với nhiều quốc gia khác. Ông Putin cho biết thêm, chính phủ sẽ làm việc sát sao để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ ở Nga, trong đó có cả các doanh nghiệp tư nhân, vượt qua thời điểm khó khăn này.
Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch cắt giảm số lượng người sống dưới mức nghèo khổ ở Nga xuống còn một nửa trong thập kỷ tới. “Theo kế hoạch này, số người sống dưới mức nghèo khổ sẽ được cắt giảm từ mức 13,5% ở thời điểm hiện tại xuống còn 6,5% vào năm 2030”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ việc bán khí đốt và dầu mỏ, giới hạn tỷ lệ đóng góp của nguồn doanh thu này vào ngân sách ở mức 30%. Tuy nhiên, Tổng thống Putin thừa nhận, Moscow vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu này.
“Nếu một ai đó từng coi Nga như một “trạm xăng dầu” thì sắp tới họ sẽ không có căn cứ để duy trì quan điểm này. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu từ các mặt hàng này vẫn còn cao và chúng ta cần phải cân nhắc”, ông Putin nói.
Quốc phòng
Tổng thống Putin cho biết ngân sách quốc phòng của Nga khó có thể so sánh với ngân sách quốc phòng của Mỹ hay nhiều quốc gia khác. Hiện tại Nga mới chỉ đứng thứ 6 về chi tiêu quốc phòng. Ông cũng nhấn mạnh rằng không giống như Mỹ, Moscow không có mạng lưới căn cứ quân sự rộng khắp thế giới.
Bình luận về việc Nga đẩy mạnh chính sách phát triển các loại vũ khí mới, ông nêu rõ, Nga buộc phải theo đuổi chính sách này vì lo ngại NATO tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự ở sườn phía đông của khối, sát với Nga. Ông nói thêm, việc ra mắt những loại vũ khí mới chẳng hạn như tên lửa hay tàu lượn siêu thanh là cần thiết trong bối cảnh Mỹ từ bỏ các nghĩa vụ quốc tế, chẳng hạn như Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2002 và Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung vào năm 2019.
Ngoài những vấn đề nổi bật trên, Tổng thống Putin còn trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề khác được quan tâm như vụ lãnh đạo phe đối lập của Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) - một trong những dự án quan trọng nhất của Nga tại châu Âu, quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.../.