Nỗ lực “phút chót” của ông Biden sẽ thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine?
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ cải thiện vị thế của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trước khi chính thức chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump vào tháng 1/2025. Tuy nhiên, những nỗ lực “phút chót” của ông Biden có thể sẽ không mang lại nhiều kết quả.
Những nỗ lực cuối cùng của ông Biden
Tờ Washington Post dẫn bốn nguồn tin giấu tên cho biết, Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới lớn đối với ngành năng lượng của Nga trong những tuần cuối cùng tại nhiệm. Đây được xem là những nỗ lực “phút chót” của ông nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm với Nga.
Theo đó, lệnh trừng phạt này sẽ nhắm vào "hạm đội đen" - những tàu chở hàng của Nga làm nhiệm vụ vận chuyển dầu mỏ tới bán cho các quốc gia khác không thuộc phương Tây. “Hạm đội đen” này đã vận chuyển khoảng 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga bằng đường biển và giúp duy trì nền công nghiệp dầu mỏ của nước này tới nay, giữa bối cảnh Moscow bị bủa vây bởi khoảng 20.000 lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, chính quyền Mỹ đương nhiệm cũng cân nhắc đến khả năng thu hồi giấy phép hoạt động của những ngân hàng đang xử lý các giao dịch năng lượng của Nga.
Nếu được thực hiện, các lệnh trừng phạt này có thể trở thành một phần di sản của ông Biden trước khi rời nhiệm sở. Một động thái mạnh mẽ như vậy của ông chủ Nhà Trắng sẽ giúp Mỹ tiếp tục giữ vững tầm ảnh hưởng trong nhóm các nước đồng minh, đồng thời thúc đẩy thêm nhiều nỗ lực viện trợ cho Ukraine trong tương lai. Ông Biden cũng quyết tâm trao cho người kế nhiệm một nền kinh tế vững mạnh khi hạ thấp khả năng cạnh tranh từ một đối thủ lớn như Nga.
Tổng thống của ông Biden trong nhiệm kỳ của mình không đưa ra nhiều các biện pháp trừng phạt “mạnh tay” đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, do lo ngại giá dầu toàn cầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt ở Mỹ. Tuy nhiên, lạm phát hiện giảm mạnh và cuộc bầu cử Mỹ đã gọi tên người chiến thắng đến từ đảng Cộng hòa; điều này làm thay đổi phép tính chính trị của Tổng thống sắp mãn nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm thích hợp để ông Biden tạo nên những dấu ấn chính trị của mình bằng cách thắt chặt chính sách đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, “trước khi ông không còn thời gian để làm điều đó”.
“Chính quyền ông Biden đã mất quá nhiều thời gian lo ngại về giá khí đốt tăng và tình trạng lạm phát, khiến họ không thực sự giải quyết được vấn đề gì. Đó là hạn chế trong chính sách trừng phạt Nga của Mỹ, là một phần nguyên do khiến cuộc chiến kéo dài đến tận bây giờ”, ông Edward Fishman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ) nhận định.
“Cuộc bầu cử đã kết thúc, lạm phát đã giảm và trách nhiệm lãnh đạo nước Mỹ sẽ không còn đặt trên vai ông Biden sau 4 tuần tới. Vì vậy, ông ấy không còn lý do gì để thận trọng đối với các lệnh trừng phạt như vậy nữa”, ông Fishman nhấn mạnh.
Trước đó, chỉ vài tuần sau khi ông Trump thắng cử, Tổng thống Joe Biden đã bất ngờ đáp ứng yêu cầu kéo dài suốt nhiều tháng của ông Zelensky, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đây được xem là một hành động “cởi trói” không chỉ đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, mà còn với chính phong cách lãnh đạo đầy thận trọng của người đứng đầu Nhà Trắng suốt 4 năm qua.
Lệnh trừng phạt “phút chót” của ông Biden có mang lại hiệu quả?
Mỹ và các đối tác châu Âu đã cung cấp hàng trăm tỷ USD viện trợ cho Kiev, đồng thời áp dụng một loạt các hình phạt tài chính đối với các ngân hàng, công ty quốc phòng, nhà sản xuất công nghiệp và các công ty khác của Nga. Các lệnh trừng phạt đó đã có tác động ngày càng mạnh mẽ: Lạm phát ở Nga sẽ tăng vọt lên hơn 9%, theo dữ liệu chính thức của chính phủ, đi kèm khả năng suy thoái vào năm tới. Hiện ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải tăng lãi suất lên 21%.
Một quan chức chính quyền cấp cao khác đã coi nỗ lực này là cần thiết để đảm bảo rằng Ukraine ở "vị thế tốt nhất có thể" để tự vệ và đàm phán hòa bình theo các điều khoản "công bằng".
"Hành động này sẽ là một bước tiến nữa hướng tới mục tiêu đó", vị quan chức này cho biết.
Ngoài ra, “mức giá trần" do Mỹ và các đồng minh đặt ra trước đó đã hạn chế doanh thu năng lượng của Điện Kremlin bằng cách đặt ra mức giá tối đa mà các quốc gia có thể mua dầu của Nga một cách hợp pháp. Trong bối cảnh ấy, Nga đã nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu ngoài phương Tây để vượt qua mức giá trần, ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tình hình thị trường năng lượng toàn cầu hiện có thể trao cho ông Biden nhiều quyền hạn hơn để thắt chặt những nỗ lực đó của Nga. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nguồn cung sẽ vượt cầu vào năm tới, khi Mỹ, Canada và các quốc gia khác tăng cường sản xuất khí đốt. Giá khí đốt vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất vào năm 2022 và có rất ít chuyên gia tin rằng một cú sốc đối với nền công nghiệp năng lượng của Nga sẽ khiến chi phí dao động mạnh ở các thị trường khác.
“Nếu lệnh trừng phạt thực sự khiến một số lượng dầu của Nga bị loại khỏi thị trường, rõ ràng sẽ có một chút tác động đến giá toàn cầu, nhưng tôi nghĩ rằng những tác động đó khá khiêm tốn và hoàn toàn có thể xử lý được”, một chuyên gia giấu tên cho biết.
Ông Peter Harrell, cựu giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden và hiện là thành viên của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ban đầu cho rằng các lệnh trừng phạt mới “sẽ khiến doanh thu xuất khẩu của Nga giảm hai chữ số trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm”.
Tuy nhiên, sau đó, ông Harrell đã giảm bớt kỳ vọng, bởi “một cú đánh bất ngờ vào nền kinh tế Nga có thể gây sốc nhưng hiệu quả quả sẽ không kéo dài”.
“Các lệnh trừng phạt phải là một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại mới đủ sức tạo nên tác dụng thực sự. Trong trường hợp ấy, các lệnh trừng phạt bổ sung có thể là đòn đánh bồi chí mạng nhưng có vẻ như ông Biden không còn nhiều thời gian để làm điều đó”, ông Harrell nói.
Bất chấp sức ép lớn từ Mỹ và đồng minh, nền kinh tế Nga chỉ bị ảnh hưởng một phần và vẫn đủ sức duy trì cuộc xung đột với Ukraine. Khoảng 1/3 đến một nửa doanh thu ngân sách nhà nước đến từ các hoạt động mua bán dầu và khí đốt. Điện Kremlin đã kiếm được khoảng 100 tỷ USD từ việc bán năng lượng vào năm ngoái, S&P Global cho biết trong báo cáo tháng 1/2024.
Dù vậy, trong giai đoạn tại nhiệm cuối cùng của Tổng thống Biden, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden vẫn là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Một số ý kiến cho rằng, những lệnh trừng phạt của ông Biden sẽ giúp nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thêm “đòn bẩy chính trị” khi làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán tương lai giữa hai bên tham chiến.
“Rõ ràng năng lượng luôn là nguồn thu lớn nhất, giúp Nga tiếp tục cuộc xung đột hiện nay với Ukraine. Và một động thái mạnh mẽ từ Nhà Trắng, dù là trong ngắn hạn, cũng ít nhiều tác động đến cục diện chiến sự”, ông Harrell nhấn mạnh.