Nội chiến Syria - Cuộc chiến ủy nhiệm của các cường quốc
(VOV) - Thời điểm hiện tại là bước ngoặt của nội chiến Syria bởi những lợi ích đan xen của các quốc gia bên ngoài.
Vào trung tuần tháng này, chính quyền Mỹ đã tuyên bố lực lượng quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học để chống lại các lực lượng nổi dậy. Với lý do đó, Washington đã quyết định hỗ trợ quân sự trực tiếp cho các lực lượng chống ông al-Assad. Giới phân tích lo ngại quyết định này của Washington đang đẩy cuộc nội chiến ở Syria thành một cuộc chiến ủy nhiệm của các cường quốc.
Mỹ tăng cường can thiệp vào Syria
Ngày 13/6, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết: "Giới tình báo Mỹ đã phân tích các kết quả điều tra và đi đến kết luận rằng năm 2012, chính quyền al-Assad đã nhiều lần sử dụng các loại vũ khí hóa học, như chất gây hại thần kinh sarin, trên quy mô nhỏ nhằm vào phe đối lập. Giới tình báo đánh giá cao tính xác thực của kết luận này dựa trên nhiều nguồn thông tin độc lập".
Theo ước tính của phía Mỹ, có khoảng từ 100-150 người đã bị chết trong các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.
Bạo lực vẫn căng thẳng ở Syria (Ảnh: AP) |
Chính quyền Mỹ kết luận, việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học hoặc chuyển vũ khí hóa học cho các nhóm khủng bố đã vượt qua ngưỡng “giới hạn đỏ” đối với Mỹ. Ông Rhodes nêu rõ: “Ngài Tổng thống đã tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ làm thay đổi sự tính toán của ông và điều đó đã diễn ra”.
Để trừng phạt chế độ của Tổng thống al-Assad, ông Rhodes cho hay Tổng thống Obama đã quyết định sẽ "hỗ trợ quân sự trực tiếp" cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Ông Rhodes nói: "Tổng thống đã quyết định tăng cường hỗ trợ phe đối lập. Quyết định này bao gồm các hỗ trợ trực tiếp cho Hội đồng Quân sự Tối cao (SMC)”. Tuy nhiên, ông từ chối nói cụ thể hơn mà chỉ cho biết hỗ trợ này "nhằm tăng cường khả năng tác chiến của SMC".
Cho tới trước ngày 13/6, Mỹ vẫn cung cấp "nhỏ giọt" các thiết bị quân sự "phi sát thương" cho SMC của lực lượng nổi dậy, bao gồm các thiết bị thông tin liên lạc, y tế, kính nhìn ban đêm và áo giáp.
Cùng với trợ giúp quân sự cho các lực lượng nổi dậy, Mỹ đang cân nhắc khả năng thiết lập một vùng cấm bay có giới hạn ở phía Nam Syria nhằm giúp lực lượng này đối phó với quân đội của Tổng thống al-Assad. Theo tờ "Nhật báo Phố Uôn", vùng cấm bay sẽ trải dài khoảng 40km vào sâu lãnh thổ Syria và do các máy bay chiến đấu, được trang bị tên lửa không đối không tầm xa, bay trên không phận Jordan đảm trách. Các máy bay của Mỹ sẽ xuất phát từ Jordan, nơi tên lửa Patriot và các máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ đã được triển khai, và từ các tàu hải quân ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Ngay sau khi chính quyền Mỹ công bố thông tin trên, ngày 14/6, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố Mỹ đã “dối trá” về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học để lấy cớ can thiệp vào cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này. Bộ này nêu rõ: "Nhà Trắng... dựa trên thông tin bịa đặt để đổ trách nhiệm sử dụng các vũ khí này cho Chính phủ Syria, bất chấp hàng loạt tuyên bố đã được xác nhận rằng các nhóm khủng bố ở Syria có vũ khí hóa học. Việc Mỹ phải dùng tới việc viện cớ đáng xấu hổ để cho phép Tổng thống Obama quyết định vũ trang cho phe đối lập Syria đã cho thấy nước này hai mặt một cách trắng trợn khi đối phó với chủ nghĩa khủng bố".
Về phần mình, ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nêu rõ các chứng cứ do Mỹ, Pháp và Anh cung cấp về việc lực lượng trung thành với Tổng thống al-Assad sử dụng vũ khí hoá học là "không thuyết phục". Ông Lukashevich nhắc lại kết quả điều tra của nhóm chuyên gia LHQ về việc không có bằng chứng vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria, đồng thời cảnh báo việc tăng cường cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho lực lượng đối lập Syria sẽ "làm gia tăng xung đột và bạo lực đối với dân thường".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nhân quyền của LHQ ở Syria Paulo Pinheiro ngày 21/6 nói rằng vẫn chưa thể kết luận bên nào đã sử dụng vũ khí hóa học ở quốc gia bị xung đột tàn phá này.
Cuộc chiến ủy nhiệm
Quyết định can thiệp vào Syria của Mỹ được đưa ra tại thời điểm lực lượng nổi dậy ở Syria đang thất thế trước các lực lượng ủng hộ Tổng thống al-Assad trên chiến trường. Cục diện của cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm này đã thay đổi đáng kể do sự tham gia của hàng ngàn tay súng tinh nhuệ của lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah chính là lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp chính quyền al-Assad chiếm lại thị trấn chiến lược Qusair từ tay quân nổi dậy hồi đầu tháng 6/2013.
Không chỉ nhận được sự hỗ trợ của Hezbollah, chính quyền al-Assad còn nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh Iran. Gần đây nhất, Chính phủ Iran đã thông qua quyết định triển khai 4.000 quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tới Syria để hỗ trợ cho chính phủ của Tổng thống al-Assad.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ lớn nhất cho chính quyền al-Assad lại đến từ Nga – đồng minh thân cận của Syria. Cùng với việc ủng hộ Damascus tại Hội đồng Bảo an LHQ, Moscow còn cung cấp vũ khí cho chính quyền của Tổng thống al-Assad. Ngày 18/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này không loại trừ khả năng thực hiện một đợt chuyển vũ khí mới cho chính quyền Syria. Trả lời báo giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland, ông Putin nêu rõ: "Chúng tôi chuyển vũ khí cho chính phủ hợp pháp Syria theo các hợp đồng hợp pháp".
Gần đây nhất, Moscow đã quyết định phái hai tàu chiến chở 600 lính thủy đánh bộ tới Syria để "bảo vệ công dân Nga". Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự nhận định động thái này của Nga là nhằm đáp trả việc Phương Tây chuyển vũ khí hạng nặng cho phe nổi dậy Syria.
Nga và Mỹ vẫn chưa thống nhất về vấn đề Syria (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, trước khi chính quyền Obama quyết định viện trợ quân sự trực tiếp cho lực lượng nổi dậy ở Syria, nhiều nước láng giềng của Syria và một số nước phương Tây đã trợ giúp hoặc lên kế hoạch trợ giúp quân sự cho phe đối lập. Gần đây nhất, hôm 22/6, Hội nghị “Những người bạn của Syria” đã ra các quyết định “bí mật” nhằm thay đổi cán cân quân sự tại Syria.
Theo tuyên bố cuối cùng của hội nghị trên, các ngoại trưởng của 11 nước ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Anh, Italy, Jordan, Qatar) đã nhất trí cung cấp “khẩn cấp” cho lực lượng chống đối tất cả những các trang thiết bị cần thiết để giúp họ chống lại các lực lượng của chế độ al-Assad và bảo vệ người dân Syria. Mọi viện trợ về quân sự sẽ được chuyển qua SMC.
Chỉ một ngày sau đó, tờ "A-Sharq" của Saudi Arabia cho biết Jordan đã cho phép chuyển qua lãnh thổ nước này một lô hàng xe quân sự hạng nặng cho các lực lượng nổi dậy ở Syria. Những xe quân sự này do các nước châu Âu và những nước khác chuyển giao.
Như vậy, có thể thấy cuộc nội chiến ở Syria đã trở thành cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là người Shiite (ở Lebanon, Iraq, Iran) với sự hỗ trợ của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon, và một bên là quân nổi dậy gồm phần lớn người Sunni được các nước Arab, Mỹ và phương Tây ủng hộ. Hay nói cách khác nội chiến ở Syria đã biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm của các cường quốc trên thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng, chính vì những lợi ích đan xen của các quốc gia bên ngoài nên thời điểm hiện tại đang là bước ngoặt của cuộc nội chiến ở Syria. Giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria không còn nằm trong tay các bên trực tiếp tham chiến bên trong lãnh thổ nước này.
Trong bối cảnh đó, ngày 14/6, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố việc vũ trang cho bất cứ bên nào trong cuộc xung đột ở Syria "sẽ không mang lại lợi ích". Phát biểu với báo giới, ông Ban nói "việc cung cấp vũ khí cho bên này hoặc bên kia trong cuộc xung đột sẽ không mang lại lợi ích". Ông Ban kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm triệu tập một hội nghị quốc tế về hòa bình để giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Ngay sau khi Mỹ cáo buộc chính quyền al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học và quyết định viện trợ quân sự trực tiếp cho quân nổi dậy ở Syria, giới phân tích lo ngại động thái này có thể làm gia tăng sức mạnh cho các phần tử từng tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Điều đáng lo ngại là nhiều vũ khí hiện đại có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.
Không chỉ giới phân tích, bản thân Israel – đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực này - cũng lo ngại về kế hoạch đó. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon đã liên tục cảnh báo rằng việc thực hiện một động thái như vậy sẽ là "sai lầm". Các quan chức khác của Israel dẫn chứng cuộc chiến Afganistan trong thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đó Mỹ cung cấp vũ khí cho các chiến binh đang chiến đấu chống lại người Nga và rồi nhiều năm sau đó, các vũ khí này rơi vào tay của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Bên cạnh đó, việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria khiến cho cuộc nội chiến ở nước này kéo dài và đẫm máu hơn. Theo các số liệu thống kê của LHQ, kể từ khi nội chiến nổ ra ở Syria vào tháng 3/2011, có ít nhất 93.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột quân sự giữa các lực lượng nổi dậy và quân đội của Tổng thống Assad.
Ngoài ra, người ta còn lo ngại cuộc nội chiến ở Syria có thể lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực. Theo một số nguồn tin quân sự khu vực, ngày 9/6, lực lượng nổi dậy Syria đã tấn công hai vị trí quân sự của Iraq tại khu vực biên giới chung, gần cửa khẩu phía Nam al-Waleed. Đây là lần đầu tiên nổ ra đụng độ giữa lực lượng nổi dậy ở Syria và quân đội Irắc trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 28 tháng qua tại Syria. Trước đó, với lý do lo ngại Syria chuyển giao vũ khí cho lực lượng Hezbollah, Israel cũng đã nhảy vào cuộc bằng ít nhất ba đợt không kích vào lãnh thổ Syria hồi đầu tháng 5/2013./.