Nóng dần cuộc đua tranh chức Tổng thống Iran
VOV.VN - Ông Rouhani tiếp tục là ứng viên sáng giá cho cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm nay. Tuy nhiên đã có những trở ngại đối với ông.
Sau các cuộc đua quyết liệt, tới ngày hôm qua (15/5), còn lại 5 ứng cử viên cạnh tranh chức Tổng thống Iran trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới.
Các ứng viên Tổng thống Iran cho đến tháng 4/2017. Ảnh: AFP.
Nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani vẫn là ứng cử viên sáng giá, nhưng một số ý kiến cũng lo ngại về khả năng tái đắc cử của ông Rouhani trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo bởi các chính sách của ông vẫn chưa thể giúp cải thiện rõ rệt tình hình kinh tế đất nước và mức sống của người dân Iran, nhất là sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015.
Diễn biến trước bầu cử
Theo danh sách cuối cùng được công bố, 5 ứng cử viên chính thức tranh cử chức Tổng thống Iran, gồm: đương kim Tổng thống Hassan Rouhani, Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri, giáo sĩ theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, cựu Bộ trưởng văn hóa theo đường lối bảo thủ Mostafa Mirsalim, và cựu phó Tổng thống ủng hộ cải cách Mostafa Hashemitaba.
Theo thể lệ bầu cử Iran, từ thời điểm được công bố đến hết ngày 18/5, các ứng cử viên được phép tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, nhưng sẽ không có các cuộc tranh luận trực tiếp với nhau như các kỳ bầu cử Tổng thống trước đây.
Kết quả có thể sẽ được xác định tại vòng đầu tiên nếu người chiến thắng dành được trên 50% tổng số phiếu bầu, hoặc sẽ chọn ra 2 ứng cử viên có số phiếu bầu nhiều nhất để tiếp tục bước vào vòng thứ hai, vòng song đấu quyết định. Sẽ có hơn 59 triệu cử tri Iran được quyền tham gia bỏ phiếu tại cuộc bầu cử lần này. Trước bầu cử tại Iran: Đại giáo chủ và Tổng thống gia tăng mâu thuẫn
Dư luận
Báo giới khu vực Trung Đông cho rằng, việc thị trưởng Thị trưởng Tehran Qualiba của phe bảo thủ tuyên bố rút lui và “nhường” số phiếu bầu cho giáo sĩ Raisi, người thân cận và được Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei công khai ủng hộ, đã làm tăng cơ hội tranh đua với Tổng thống của phe ôn hòa Rouhani. Nhiều nguồn tin cũng cho rằng, nếu trong trường hợp ông Raisi giành chiến thắng, thì người đảm nhận vị trí phó Tổng thống sẽ không ai khác ngoài ông Qualiba.
Theo kết quả cuộc thăm dò mới đây (ngày 9/5) của một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Iran cho biết, ông Rouhani đã giành được 42% phiếu bầu trong khi giáo sĩ Raisi là 27%, và ông Qualiba là 25%.
Trước đó, phe đối lập, liên minh những người cải cách và ôn hòa đã cùng thống nhất trong việc ủng hộ Tổng thống Rouhani tiếp tục ra tranh cử để tái nhiệm. Họ cho rằng, ông Rouhani là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng thống Iran, có thể đảm bảo duy trì các giá trị cốt lõi của quốc gia Hồi giáo này.
Được biết, trong nhiệm kỳ của ông Rouhani, các mặt hàng thiết yếu đã được ổn định giá; dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu có hiệu lực; các tổ chức phi chính phủ đã được hoạt động trở lại, sinh viên Iran được tự do tổ chức hoặc tham gia các sự kiện… Đa số người được hỏi tin rằng, Tổng thống Rouhani là người tiên phong trong việc cải thiện quyền tự do dân sự và xây dựng lại mối quan hệ với phương Tây.
Tuy nhiên, phe cứng rắn ủng hộ giáo sĩ Raisi đã đánh giá thấp những thành tựu kinh tế của Iran dưới thời ông Rouhani, cho rằng sự mở cửa ngoại giao từ thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 7/2015 đã không đáp ứng được kỳ vọng của người dân Iran như những gì ông Rouhani đã cam kết trước đó.
Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran mặc dù có tăng (7,4% trong năm 2016) nhưng chủ yếu là từ xuất khẩu dầu chứ không trực tiếp tạo ra việc làm cho người dân. Hiện tỉ lệ thất nghiệp vào khoảng 12,5%, nhưng các nghiên cứu độc lập khác lại cho rằng, tỷ lệ này là 20%, đã tăng lên 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh việc phản bác ông Rouhani, ứng cử viên Raisi đã đưa vào trong chiến dịch vận động tranh cử những giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế, giảm tỉ lệ thất nghiệp và cải thiện đời sống dân sinh.
Bên cạnh đó, ông Raisi cũng đề cao vị trí là người đứng đầu quỹ từ thiện Hồi giáo lớn nhất Iran và cam kết sẽ cho mở lại chính sách hỗ trợ tiền mặt giành cho người nghèo như đã từng áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Ông Raisi kỳ vọng sẽ nhận được thêm nhiều lá phiếu ủng hộ từ nhóm cử tri có mức thu nhập thấp trong xã hội. Tổng thống Iran tranh cử nhiệm kỳ 2 bất chấp nhiều khó khăn
Dự báo
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào ngày 19/5 tới như là phép thử đối với những thành tựu mà chính quyền của ông Rouhani đạt được trong thời gian qua. Người dân Iran hiện vẫn coi kinh tế là vấn đề cấp bách nhất. Tuy nhiên, chính sách kinh tế tự do của ông Rouhani sẽ gặp trở ngại bởi chủ nghĩa dân túy bảo thủ. Trong khi đó, căng thẳng với Mỹ tiếp tục có lợi cho phe cứng rắn và sẽ làm suy yếu phe ôn hòa ở Iran.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với các tuyên bố thù địch sẽ càng giúp phe cứng rắn tạo được ảnh hưởng nhiều hơn với cử tri Iran. Trong khi đó, việc Đại giáo chủ Khamenei thể hiện công khai ủng hộ đối với giáo sĩ Raisi sẽ khiến việc tái đắc cử Tổng thống của ông Rouhani càng không dễ dàng đạt được.
Theo các chuyên gia nhận định, tuy ông Raisi giành được sự ủng hộ rộng rãi của phe cứng rắn nhưng ứng viên này không phải là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm. Theo đó, giáo sĩ Raisi đã thăng tiến nhanh chóng kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, từng có hàng chục năm là công tố viên, sau đó được bổ nhiệm làm phó chánh án và Bộ trưởng Tư pháp Iran.
Được biết, các hoạt động gần đây của ông Raisi chủ yếu chỉ “gói gọn” ở khu vực tỉnh Khorasan Razavi) nơi ông là chủ tịch của quỹ từ thiện giàu có nhất trong thế giới Hồi giáo Astan Quds Razavi và là người quản lý khu thờ Imam Reza ở thành phố phía đông bắc Mashahad, một đền thờ được coi là thiêng liêng nhất của Iran.
Cuộc bầu cử ngày 19/5 tới sẽ không làm thay đổi bản chất chính thể tại Iran. Bất kể ứng cử viên nào là Tổng thống cũng đều phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc. Điều này không lấy làm ngạc nhiên bởi trước đó, vào năm 2015, thỏa thuận đã được thông qua bởi Đại giáo chủ Khamenei.
Được biết, cả ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp của Iran đều chịu sự chi phối từ Đại giáo chủ. Theo luật của Iran, mặc dù Tổng thống là người đứng đầu nhánh hành pháp, nhưng có thể bị Đại giáo chủ tước quyền và không cần thông báo trước.
Việc ông Rouhani tái đắc cử có thể giúp Iran duy trì các chính sách như hiện tại, trong đó làm cầu nối thúc đẩy quan hệ giao thương kinh tế với các nước phương Tây. Đây cũng sẽ là mong muốn của đại đa số người dân Iran nhằm giúp phục hồi nền kinh tế sau nhiều năm cấm vận, khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong trường hợp ứng cử viên của phe cứng rắn đắc cử Tổng thống, việc này có thể dẫn đến nguy cơ gây căng thẳng hơn với Mỹ và phương tây, khiến tình hình Iran đã “tồi tệ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn”./. Nga nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran