Obama- Romney tranh luận: 5 yếu tố công chúng quan tâm

(VOV) - Theo giới phân tích, các ứng cử viên thường bị thất thế do những sai lầm của chính họ hơn là do đối thủ thành công

Cuộc tranh luận giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney tối nay (3/10- theo giờ địa phương) đánh dấu lần đầu tiên hai ứng cử viên “đấu” nhau trực tiếp về các vấn đề kinh tế- trọng tâm của chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay.

Theo Hãng tin Anh Reuters, công chúng có thể xem xét các ứng cử viên qua 5 yếu tố như sau:

* Romney tấn công, Obama phòng thủ
Chỉ còn chưa đến 6 tuần lễ trước bầu cử, ứng cử viên Romney đang phải chịu áp lực để “trình diễn” một màn ngoạn mục nhằm xoay chuyển tình thế.

Đương kim Tổng thống Obama, ngược lại, đơn giản chỉ cần tránh gây “thảm họa”, có thể khiến cho các cử tri độc lập nghĩ lại sự ủng hộ của họ.

Cả hai ứng cử viên đều là các nhà tranh luận giàu kinh nghiệm và thành thạo. Đối với mỗi ứng cử viên, thách thức sẽ là áp đảo sao cho vừa đủ để đối thủ có thể nổi nóng và phát ngôn bột phát ngoài ý muốn.

Đương kim Tổng thống B. Obama (trái) và Ứng cử viên M. Romney (phải)

Reuters trích dẫn phát biểu của Giáo sư John Sides, Trường Đại học Khoa học Chính trị George Washington cho biết: "Tổng thống Obama chỉ muốn tránh mắc bất kỳ sai sót nào. Thông thường, các ứng cử viên bị thất thế do những sai lầm của chính họ hơn là do các đối thủ thành công hơn”.
Giáo sư John Sides nói: "Ứng cử viên Romney chịu nhiều áp lực hơn và ông ta thực sự cần có các cuộc tranh luận để xoay chuyển tình thế đua tranh".

* Ánh mắt không bao giờ nói dối
Truyền hình là loại hình báo chí chuyển tải hình ảnh và ngôn ngữ cử chỉ của các ứng cử viên rõ nét nhất, gây tác động lớn hơn lời nói của họ.

Hãng tin Reuters đưa ra một số ví dụ: Ứng cử viên Đảng Dân chủ- Phó Tổng thống Al Gore liên tục thở dài trong  cuộc tranh luận với Tổng thống George W. Bush năm 2000 đã làm mất sự ủng hộ của một lượng lớn cử tri. Ông Bush lại thu hút sự chú ý tiêu cực trong năm 2004 vì cau mày trong khi đối thủ đảng Dân chủ John Kerry nói. Thân phụ của Tổng thống G. Bush, Tổng thống George H.W. Bush, đã nhìn đồng hồ trong cuộc tranh luận năm 1992, một cử chỉ mà nhiều người cho là thiếu kiên nhẫn và lạnh lùng.

Obama và Romney đều muốn tránh những sai sót rõ ràng như thế, nhưng các cử chỉ tinh tế hơn cũng có thể là dấu hiệu để người xem cho rằng các ứng cử viên không chân thật lắm.

Theo chuyên gia ngôn ngữ Janine Driver, tác giả của cuốn sách "Bạn không thể nói dối", cử chỉ nhún vai cho thấy sự không chắc chắn, cong môi trên chỉ dấu hiệu ghê tởm, và chớp mắt quá nhiều hoặc quá ít, có thể chỉ ra rằng đối tượng quá căng thẳng.

Mặt khác, một ứng cử viên lại thể hiện sự tự tin khi ông ta đứng đối mặt với đối thủ của mình. "Chúng ta nhìn thấy họ mặt đối mặt khi họ nghĩ rằng họ sẽ hạ “knock out” đối thủ”, ông Driver nói. "Tôi gọi đó là “trí thông minh ảo"”.

* Ai chiến thắng vòng đầu tiên?
Công chúng có thể tỉnh táo đánh giá ý nghĩa cuộc tranh luận trên truyền thông khi chăm chú theo dõi 30 phút, mặc dù tác động của cuộc tranh luận sẽ không thể hiện trong các cuộc thăm dò dư luận vài ngày sau đó.

Theo ông Ron Klain, cố vấn của cựu Phó Tổng thống Al Gore, các ứng cử viên cần xác định các chủ đề chính và đưa các yếu tố quan trọng nhất ngay khi bắt đầu cuộc tranh luận, trong khi phóng viên và các nhà phân tích vẫn ấn định các suy nghĩ của họ về diễn biến cuộc tranh luận.

"Trong khi bạn có thể bị thua cuộc bất cứ lúc nào, bạn chỉ có thể giành chiến thắng trong 30 phút đầu tiên", ông Klain đã viết trong bản ghi nhớ cho cựu ứng cử viên Đảng Dân chủ.

* Các chi tiết “hiểm”
Cả hai ứng cử viên đấu với nhau theo kiểu “đòn xóc hai đầu” với các lập luận, và cố gắng “ghim” đối thủ vào những vấn đề dễ bị tổn thương.

Obama thường xuyên cáo buộc kế hoạch thuế và ngân sách của Romney là "không tăng thêm". Obama thách thức Romney về các biện pháp lấp lỗ hổng do thiếu hụt thuế, để có thể giảm mức thuế thu nhập mà không làm thâm hụt ngân sách.

"Kế hoạch thuế của ông ta có vẻ như là chỉ cần mở rộng diện cắt giảm thuế đối với người có thu nhập cao. Ông ta có 90 phút để đưa ra các chi tiết cụ thể", phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Obama, bà Jen Psaki cho biết tuần trước.

Romney, trong khi đó, đã chỉ ra rằng ông có kế hoạch ép Obama khi Tổng thống “đi lạc” sự thật. Ông sẽ phải làm như vậy mà không cần trực tiếp gọi Tổng thống là kẻ nói dối - một động thái có thể gây phản tác dụng đối với các cử tri độc lập.

"Tôi có cần phải dành thời gian để đính chính những điều mà không cần phải chính xác như vậy không? Hay là tôi nên dành thời gian để nói về những điều mà tôi muốn nói?". Romney cho biết hồi đầu tháng.

* Romney sẽ phủ nhận “di sản” của cựu Tổng thống Bush?

Romney đã cố gắng biến cuộc bầu cử này thành một cuộc trưng cầu dân ý về cách quản lý kinh tế của đương kim Tổng thống Obama, nhưng nhiều cử tri vẫn còn khăng khăng đổ lỗi cho nền kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao là do Tổng thống tiền nhiệm, người của đảng Cộng hòa, George W. Bush.

Hãng tin Reuters trích dẫn lời của nhà phân tích Brian Gardner của Công ty Keefe, Bruyette & Woods, viết trong một tài liệu nghiên cứu: "Chừng nào Thống đốc Romney chưa chỉ ra được chính sách của ông khác với chính sách của Tổng thống Bush ra sao, thì chừng đó chúng tôi chưa tin ông ta có cơ giành chiến thắng".
Tạp chí National Review theo đường lối bảo thủ cũng nói rằng Romney cần phải thừa nhận rằng các vấn đề như nợ quốc gia chồng chất và luật thuế phức tạp đã tồn tại từ rất lâu trước khi ông Obama nhậm chức, và cần lập luận được rằng chính phủ của Tổng thống đương nhiệm đã thất bại trong việc tìm giải pháp.

Di sản của thời ông Bush rất khó xử lý. Tổng thống đời thứ 43 vẫn là một nhân vật không được công chúng số đông yêu mến, phủ nhận ông ấy có thể khiến lực lượng chính ủng hộ đảng Cộng hoà của ứng cử viên Romney tức giận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên