Ông Obama vắng mặt ở APEC và EAS, Trung Quốc được lợi?
VOV.VN -Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý tại APEC và EAS vì Tổng thống Obama buộc phải hủy chuyến công du châu Á.
Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng ảnh hưởng trên các tuyến đường biển chiến lược, nhiều người cho rằng, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barrack Obama tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội Nghị Cấp cao Đông Á (EAS) chính là cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama phải hủy toàn bộ chuyến công du châu Á vì Chính phủ Mỹ đóng cửa (Ảnh: AP) |
Theo đó, Trung Quốc sẽ tận dụng việc ông Obama vắng mặt để đẩy lùi những nỗ lực muốn đưa các tranh chấp trên Biển Đông trở thành vấn đề nổi bật tại APEC và EAS. Đồng thời nâng tầm ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với các quốc gia trong khu vực.
Tổng thống Obama dự định sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trong chuyến công du châu Á của ông. Tuy nhiên, vào phút chót, ông Obama đã phải hủy toàn bộ kế hoạch vì Chính phủ liên bang phải đóng cửa do không đạt được thỏa thuận về ngân sách.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư ở châu Á của Trung Quốc qua 2 Hội nghị thượng đỉnh này trong khi một số nước đồng minh của Mỹ như Singapore đã bày tỏ quan ngại cho rằng việc Mỹ có dấu hiệu phân tâm là cực kỳ nguy hiểm.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 8/10, ông Obama nói: “Tôi chắc chắn rằng, Trung Quốc không quan tâm đến việc tôi có ở đó hay không”. Ông Obama cũng phủ nhận rằng, việc ông không thể đến châu Á sẽ “gây tổn hại lâu dài” cho nước Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống của thừa nhận: “Tôi cần phải có mặt ở đó”.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra cũng có quan điểm cho rằng, việc ông Obama không có mặt ở APEC và EAS sẽ khiến Mỹ “bỏ qua một cơ hội quý giá”.
Theo ông Thayer, Tổng thống Obama đã bỏ qua một cơ hội gây dấu ấn khi ông không tham dự cuộc hội đàm tại Bali, Indonesia để đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, chuyên gia Matthew Goodman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng, “không có tổn thương vĩnh viễn”, “mọi điều có thể sửa chữa được” và Tổng thống có thể tham gia vào các vòng đàm phán tiếp theo để bù đắp những tổn hại do việc hủy chuyến công du lần này gây ra.
Ông Obama vắng mặt, niềm tin các đồng minh Mỹ bị lung lay?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, sự vắng mặt của ông chủ Nhà Trắng để lại "một đấu trường không đối thủ" cho Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến mọi sự chú ý ở APEC đều dồn vào Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "đóng thế" Tổng thống Obama tham dự APEC và EAS (Ảnh: AP) |
Thông tin về chuyến thăm và các hoạt động của ông Tập tràn ngập các mặt báo của các tờ báo hàng đầu trong khu vực thì sự vắng mặt của Tổng thống Obama dù muốn hay không cũng khiến dư luận có cảm giác rằng chính sách “xoay trục” sang châu Á không được đảm bảo, và Mỹ không phải là một đồng minh hoàn toàn đáng tin cậy.
Để trấn an các đồng minh thân cận trong khu vực, Ngoại trưởng John Kerry, người thay mặt Tổng thống Obama tham dự 2 Hội nghị quan trọng APEC và EAS tuyên bố: “Đừng nhầm lẫn những khó khăn tạm thời với những quan điểm chính trị của nước Mỹ, đây đơn giản chỉ là một thời điểm chính trị khó khăn của chúng tôi”. Ông Kerry cho rằng, việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa là một “minh chứng về sự vững mạnh của nền dân chủ” nước Mỹ.
Ông Kerry nói: “Không có gì thay đổi trong chính sách của chúng tôi, không có gì có thể làm giảm cam kết của chúng tôi với các quốc gia ở châu Á, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm và những cam kết của mình trên toàn thế giới và chúng tôi nghĩ mọi người cũng tin tưởng vào điều đó”.
Ông Kerry nói thêm: “Tất cả mọi người trong khu vực đều hiểu… mọi người hãy xem đây là một thời điểm chính trị, một thời điểm ‘không may’ của nước Mỹ”.
Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi việc ông Obama hủy chuyến công du châu Á là “một sự thất vọng lớn”.
Ông Lý Hiển Long nói: “Hiển nhiên là chúng tôi mong muốn được chứng kiến một Chính phủ Mỹ hoạt động hiệu quả. Chúng tôi mong muốn được thấy một vị Tổng thống Mỹ có thể thực hiện các chuyến công du và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế thay vì phải bận rộn giải quyết những vấn đề trong nước”.
Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long cũng tin rằng, Mỹ vẫn sẽ là một “cường quốc” hàng đầu thế giới trong ít nhất là 20 năm nữa vì sự năng động và khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này. Ông Lý kết luận, “và đó sẽ là rất tốt” cho thế giới.
Philippines có lẽ là quốc gia mong chờ sự hiện diện của Tổng thống Obama tại APEC và EAS nhất bởi họ đang đối đầu gay gắt với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Sự hiện diện của ông Obama sẽ là lời cam kết mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với đồng minh thân cận Philippines, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Sau khi ông Obama đưa ra tuyên bố hủy chuyến công du châu Á, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, quyết định của ông Obama là dễ hiểu và Philippines mong được chào đón ông Obama “vào thời điểm thích hợp hơn”.
Một quan chức Nhà Trắng cho hay, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Obama đã một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Philippines và rộng hơn là đối với an ninh và sự thịnh vượng chung của cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Biển Đông “dậy sóng” ở Hội nghị Cấp cao Đông Á
Ngay từ đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có kế hoạch đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự tại Hội nghị cấp cao Đông Á tại Brunei nhưng vào phút chót ông Obama đã buộc phải hủy toàn bộ chuyến công du châu Á sau khi Chính phủ Mỹ bị đóng cửa vì cạn kiệt ngân sách. Tổng thống Mỹ thừa nhận ông muốn sử dụng hội nghị này để đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: Reuters) |
Theo các chuyên gia phân tích, sự vắng mặt của ông Obama tại Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ khiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trở thành tâm điểm chứ không phải Ngoại trưởng Kerry, người dự EAS trong vai trò “người đóng thế” cho ông Obama.
Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, Carl Thayer nói: “Tiếng nói của Mỹ khó mà có sức mạnh và tầm ảnh hưởng khi không có ông Obama ở đó”.
Ngày 10/10, Hội nghị cấp cao Đông Á đã chính thức khai mạc ở Brunei. Nhiều chuyên gia cho rằng, tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là chủ đề chính của Hội nghị lần này.
Các nước ASEAN và Mỹ mong muốn qua Hội nghị EAS để thúc giục Trung Quốc nhanh chóng đi đến thỏa thuận về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm xây dựng những cơ sở pháp lý ràng buộc để giảm xung đột tiềm ẩn ở khu vực này.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đang có mặt ở EAS cho rằng, ASEAN và Trung Quốc cần phải đẩy nhanh tốc độ đàm phán để xây dựng COC, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực.
Liên quan đến COC, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để thúc đẩy tiến trình hình thành COC một cách chủ động và thận trọng trên nguyên tắc đồng thuận. Giữa lúc chờ đợi một cơ chế giải quyết ổn thỏa, các bên liên quan trong tranh chấp cần tích cực hợp tác theo hướng cùng khai thác”.
Ông Lý cho rằng, “tình hình ở Biển Đông nói chung là ổn định và một số tranh chấp hiện tại sẽ không làm suy yếu các mối quan hệ song phương. Chúng ta đều đồng ý rằng tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp”.
Ông Lý nói thêm: “Trung Quốc và ASEAN nên cùng nhau làm việc để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cùng nhau nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cuối cùng”.
Theo chuyên gia Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á, động thái của Trung Quốc chỉ là để có thêm thời gian mở rộng ảnh hưởng hơn là cam kết thực tế. Trả lời hãng tin AFP, ông Storey nói: “Trong lúc này, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh quân sự. Họ mở rộng các đơn vị hải giám dân sự. Họ sẽ không bao giờ nhượng bộ”.
Thiện chí thật sự của Bắc Kinh trong việc đàm phán COC cũng là một câu hỏi lớn khi Trung Quốc chỉ hạn chế các cuộc hội đàm ở mức độ tham vấn chứ không phải là đàm phán chính thức, Trung Quốc luôn xuất hiện tại các cuộc đối thoại mà không cam kết bất kỳ điều gì đáng kể.
Trên thực tế, ASEAN đã thảo luận với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử này từ 10 năm qua, nhưng Bắc Kinh vẫn chủ trương đàm phán song phương với từng nước, kiên quyết không đa phương hóa vấn đề Biển Đông.
Như vậy, tại Brunei, Tổng thống Obama đã không thể có mặt để dùng ảnh hưởng của ông thúc ép Trung Quốc chấp nhận một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Đứng trên phương diện cá nhân, ông Obama đã mất đi cơ hội để khuếch trương hình ảnh của một vị Tổng thống Mỹ đầy quyền lực. Bên cạnh đó, hình ảnh của nước Mỹ trong mắt các đồng minh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, chỉ có Trung Quốc là “ngư ông đắc lợi” trước những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt./.