Ông Trump chuyển hướng: Vũ khí đổ vào Ukraine, Nga có 50 ngày để xuống thang

VOV.VN - Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ bán 10 tỷ USD vũ khí cho NATO, gián tiếp viện trợ Ukraine. Ông cũng cảnh báo Nga có 50 ngày để ngừng bắn nếu không muốn đối mặt mức “thuế thứ cấp” 100%. Động thái này có thể làm xoay chuyển cục diện chiến sự Ukraine.

Tối hậu thư của Tổng thống Trump với Nga

Tổng thống Donald Trump ngày 14/7 tuyên bố Mỹ sẽ tăng mạnh nguồn cung vũ khí cho các đồng minh châu Âu và các nước này sẽ chuyển số vũ khí đó tới Ukraine. Một nguồn tin am hiểu kế hoạch nói với Axios rằng Mỹ sẽ bán khoảng 10 tỷ USD vũ khí cho các nước đồng minh NATO trong đợt đầu tiên. Các loại khí tài sau đó sẽ được chuyển đến Ukraine, bao gồm tên lửa, vũ khí phòng không và đạn pháo.

Đây là một thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt của ông Trump, người trước đây từng từ chối đứng về phía Ukraine và chỉ mới tuyên bố gần đây rằng Washington sẵn sàng cung cấp vũ khí phòng thủ cho Kiev nhằm tránh leo thang xung đột. Ông Trump cũng đưa ra tối hậu thư cho Nga, đó là nếu không đạt được thỏa thuận trong vòng 50 ngày, Moscow sẽ đối mặt với mức "thuế thứ cấp" 100%, dường như ám chỉ kế hoạch áp thuế lên các nước như Trung Quốc và Ấn Độ – những quốc gia mua dầu của Nga. Động thái này có thể tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Một quan chức Nhà Trắng nói với Axios rằng Nga phải đồng ý ngừng bắn trong vòng 50 ngày nếu muốn tránh các lệnh trừng phạt và thuế quan nặng nề.

Dù vậy, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết nhiều chi tiết vẫn đang được hoàn thiện, trong khi giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi trước lời đe dọa áp thuế lớn của ông Trump đối với các đối tác thương mại của Nga.

Với kim ngạch thương mại song phương gần 250 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả việc nhập khẩu số lượng lớn dầu mỏ, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đặt ông Trump trước nguy cơ đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu thực sự thực thi lời đe dọa này. Các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng ông Trump sẽ mạo hiểm đối đầu với Trung Quốc chỉ vì Ukraine - một quốc gia mà ông từng tuyên bố không giữ vai trò thiết yếu đối với lợi ích của Mỹ.

Ông Trump cũng được biết tới với những lần đưa ra các thời hạn nhưng không thực sự thực thi chúng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu ông có hành động nếu thời hạn 50 ngày trôi qua mà không có thay đổi nào từ phía Nga?

Dù vậy, phát biểu của ông đã được đón nhận tích cực tại Ukraine và những người ủng hộ Kiev tại Washington khi mà họ từng từng lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ từ bỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine. Tuy nhiên, sau nhiều năm cố gắng xây dựng quan hệ thân thiết với ông Putin, ông Trump giờ đây lại xem nhà lãnh đạo Nga là rào cản lớn nhất cản trở cam kết của mình nhằm “nhanh chóng chấm dứt xung đột".

Kế hoạch do các lãnh đạo NATO khởi xướng và được ông Trump thông qua tuần trước cho thấy cách mà Tổng thư ký NATO Mark Rutte và các quan chức châu Âu đã giải được “mật mã Trump” để hợp tác hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump nhiều lần chỉ trích NATO, thậm chí từng đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh quân sự này. Kế hoạch này cũng cho thấy nỗ lực kiên trì từ châu Âu trong việc tác động đến thái độ của ông Trump đối với Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky đang dần phát huy hiệu quả.

Ông Trump cũng hài lòng sau khi Ukraine đồng ý ký một thỏa thuận hồi tháng 4 về việc chia sẻ tài nguyên khoáng sản với Mỹ. Ngày 14/7, ông thậm chí đã công khai ca ngợi lòng dũng cảm của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tương tự thỏa thuận khoáng sản, kế hoạch mà ông Trump công bố hôm 14/7 phù hợp với tính cách thiên về giao dịch của ông khi cho phép Mỹ thu lợi từ việc bán vũ khí cho châu Âu. Đồng thời, kế hoạch cũng giúp ông tránh bị chỉ trích là thay đổi lập trường và tiếp tục “ném tiền” vào cuộc giao tranh, điều mà ông từng công kích chính quyền ông Biden trong quá khứ.

“Lượng thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD sẽ được mua từ Mỹ. Chúng sẽ được chuyển nhanh chóng ra chiến trường", ông Trump nói, đồng thời cho biết một phần viện trợ mới có thể tới Ukraine “trong vòng vài ngày”.

Viện trợ này sẽ bao gồm thêm các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Ông Trump cũng tiết lộ có “một vài quốc gia” sở hữu hệ thống Patriot sẵn sàng viện trợ cho Ukraine và sẽ mua lại một số hệ thống mới từ Mỹ. Tuy nhiên, ông không nêu tên cụ thể. Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Đức và Na Uy đã sẵn sàng mua Patriot để hỗ trợ Ukraine nếu được ông Trump phê duyệt.

Ông Trump sẵn sàng đi xa đến đâu?

Jennifer Kavanagh - chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Defense Priorities cho rằng ông Putin bác bỏ các nỗ lực hòa đàm của Mỹ vì nhà lãnh đạo Nga “chưa sẵn sàng ngừng chiến đấu”.

“Ông ấy đánh giá và theo tôi là đúng, rằng Nga đang có lợi thế trên chiến trường. Mỹ hay châu Âu đều khó gây áp lực đủ lớn hoặc áp đặt cái giá đủ nặng để buộc Nga phải xuống thang. Viện trợ thêm cho Ukraine khó có thể làm thay đổi cán cân quân sự một cách đáng kể và ông Putin đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung”, chuyên gia Jennifer Kavanagh nói.

Bà Kavanagh, người cho rằng chiến lược viện trợ quân sự vô thời hạn cho Ukraine là “không bền vững”, cũng lưu ý rằng kho dự trữ vũ khí hiện có ở châu Âu và Mỹ đều có giới hạn. Dù châu Âu có thể đặt mua thêm vũ khí nhưng các đơn hàng đó có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để đến nơi.

Nhiều điểm trong lời đe dọa kinh tế của ông Trump cũng chưa rõ ràng, đặc biệt là về tính khả thi của chúng. Dù ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% với cả Nga và các quốc gia trao đổi thương mại với Nga sau 50 ngày nếu không có thỏa thuận ngừng bắn nhưng việc đánh thuế trực tiếp lên hàng nhập khẩu từ Nga vào Mỹ gần như không có tác động gì đáng kể.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nga vào Mỹ trong năm 2024 chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD - chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thép, sắt và urani cho các lò phản ứng hạt nhân. Hiện chưa rõ ông Trump có ý định cắt giảm những mặt hàng này hay không. Ngược lại, Mỹ chỉ xuất khẩu khoảng 500 triệu USD hàng hóa sang Nga.

Tuy nhiên, lời đe dọa áp “thuế thứ cấp” lên các quốc gia khác có quan hệ thương mại với Nga có thể gây tác động lớn hơn, đặc biệt đối với ngành năng lượng - huyết mạch của nền kinh tế Nga. Dù chịu nhiều lệnh trừng phạt, Nga vẫn trụ vững nhờ xuất khẩu dầu khí sang các nước không thuộc nhóm áp đặt trừng phạt.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ là hai mắt xích then chốt.  Trong khi Ấn Độ, hiện nhập khoảng 40% dầu từ Nga, có thể giảm dần tỷ lệ này (trước năm 2022 chỉ là 1%), thì với Trung Quốc, tình hình phức tạp hơn. Nga là đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh và trước năm 2022, Moscow đã chiếm hơn 15% nhập khẩu dầu mỏ của Bắc Kinh.

Edward Fishman - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời là chuyên gia về trừng phạt Nga nhận định: “Nếu mục tiêu là giảm xuất khẩu năng lượng của Nga thì cách tiếp cận này sẽ không hiệu quả". Ông cũng nhắc lại rằng trước đây ông Trump từng phải rút lại kế hoạch áp thuế hơn 125% đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Nhiều đồng minh thân cận của Mỹ, bao gồm Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng duy trì trao đổi thương mại đáng kể với Nga. Bản thân ông Trump cũng hiểu rằng nếu xuất khẩu năng lượng của Nga giảm mạnh, giá dầu toàn cầu sẽ tăng vọt, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ, gây biến động thị trường và kích thích lạm phát.

Cục diện chiến trường Ukraine

Trong khi đó, chiến sự ở Ukraine tiếp tục leo thang. Cam kết viện trợ mới của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Nga đang triển khai một chiến dịch tấn công trên bộ chậm mà chắc ở miền Đông, đồng thời tiến hành các cuộc tập kích UAV và tên lửa hầu như mỗi đêm trên khắp lãnh thổ Ukraine.

Giao tranh tại chiến tuyến và các cuộc tấn công tầm xa ngày càng ác liệt trong năm nay, dù các cuộc đàm phán ngừng bắn đang được khởi động. Gần đây, quân đội Nga đã tiến sâu vào khu vực Sumy ở Đông Bắc Ukraine trước khi vấp phải kháng cự. Tại miền Đông, Nga đã siết chặt vòng vây quanh hai thành phố Pokrovsk và Kostiantynivka.

Nga cũng đã tăng đáng kể số lượng UAV cảm tử và mồi nhử mỗi ngày, khiến Ukraine phải chạy đua bổ sung các loại vũ khí như UAV đánh chặn, tên lửa vác vai Stinger và tên lửa không đối không cho tiêm kích F-16. Các hệ thống Patriot được dành riêng để chống lại tên lửa đạn đạo tốc độ cao của Nga và hiện là biện pháp phòng thủ duy nhất chống lại một loại tên lửa thường xuyên nhắm vào Kiev cũng như các mục tiêu khác.

Dù bà Kavanagh cho rằng tối hậu thư của ông Trump sẽ không khiến ông Putin thay đổi tính toán nhưng bà tin rằng mốc thời gian 50 ngày sẽ trùng với thời điểm mùa thu đến và chiến dịch tấn công mùa hè của Nga kết thúc.

“Tôi nghĩ khi chiến dịch này khép lại, sẽ xuất hiện một cánh cửa đàm phán", chuyên gia này nhận định.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Ukraine tung chiến thuật "săn Buk" - biến vũ khí giá rẻ thành át chủ bài
Ukraine tung chiến thuật "săn Buk" - biến vũ khí giá rẻ thành át chủ bài

VOV.VN - Ukraine đang triển khai thành công chiến thuật “săn Buk” bằng máy bay không người lái giá rẻ, liên tục phá hủy các tổ hợp phòng không trị giá hàng trăm triệu USD của Nga. Trong cuộc chiến công nghệ và chi phí, Kiev cho thấy sự linh hoạt và sáng tạo đang làm thay đổi cục diện trên chiến trường hiện đại.

Ukraine tung chiến thuật "săn Buk" - biến vũ khí giá rẻ thành át chủ bài

Ukraine tung chiến thuật "săn Buk" - biến vũ khí giá rẻ thành át chủ bài

VOV.VN - Ukraine đang triển khai thành công chiến thuật “săn Buk” bằng máy bay không người lái giá rẻ, liên tục phá hủy các tổ hợp phòng không trị giá hàng trăm triệu USD của Nga. Trong cuộc chiến công nghệ và chi phí, Kiev cho thấy sự linh hoạt và sáng tạo đang làm thay đổi cục diện trên chiến trường hiện đại.

Năm quốc gia EU phản đối thỏa thuận thương mại mới với Ukraine
Năm quốc gia EU phản đối thỏa thuận thương mại mới với Ukraine

VOV.VN - Ngày 14/7, tại cuộc họp của Hội đồng Nông nghiệp EU, 5 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU)  là Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania đã bày tỏ sự không hài lòng với thỏa thuận mới giữa Ukraine và EU đang được soạn thảo dựa trên Hiệp định Thương mại tự do toàn diện và sâu rộng (DCFTA).

Năm quốc gia EU phản đối thỏa thuận thương mại mới với Ukraine

Năm quốc gia EU phản đối thỏa thuận thương mại mới với Ukraine

VOV.VN - Ngày 14/7, tại cuộc họp của Hội đồng Nông nghiệp EU, 5 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU)  là Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania đã bày tỏ sự không hài lòng với thỏa thuận mới giữa Ukraine và EU đang được soạn thảo dựa trên Hiệp định Thương mại tự do toàn diện và sâu rộng (DCFTA).

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch chuyển vũ khí cho Ukraine, ra tối hậu thư với Nga
Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch chuyển vũ khí cho Ukraine, ra tối hậu thư với Nga

VOV.VN - Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã công bố một số bước nhằm gây sức ép với Nga hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch chuyển vũ khí cho Ukraine, ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch chuyển vũ khí cho Ukraine, ra tối hậu thư với Nga

VOV.VN - Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã công bố một số bước nhằm gây sức ép với Nga hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.