Phi hạt nhân hóa: Ván cờ “tất tay” của cả Mỹ và Triều Tiên
VOV.VN - Mỹ và Triều Tiên vẫn đang nỗ lực hết mình để Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 12/6 tại Singapore.
Với Tổng thống Trump, chính sách cứng rắn một mực yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ khiến tham vọng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên rơi vào bế tắc.
Phi hạt nhân hóa: Ván cờ "tất tay" của cả Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Trái ngược với kỳ vọng cao ngất về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, thì thực tế việc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Triều Tiên sẽ không dễ dàng và nhanh chóng từ bỏ chương trình hạt nhân đã tiến hành trong suốt 25 năm qua, kể cả khi Tổng thống Trump cam kết những lợi ích kinh tế to lớn nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa trước.
Nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra tại Singapore thành công, thì với Tổng thống Trump đây mới là bước khởi đầu chứ không phải Mỹ đã giải quyết hoàn tất vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ phải cân nhắc “rất rất nhiều” cho một thỏa thuận. Điều này có nghĩa rằng, để đổi lấy những khoản chi lớn từ Mỹ dưới hình thức dỡ bỏ trừng phạt hay đảm bảo an ninh, Triều Triên sẽ phải làm nhiều hơn và hành động nhanh hơn.
Cũng có những ý kiến chuyên gia đặt hy vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử này, song sau khi chứng kiến Tổng thống Trump hết hủy rồi nối lại cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên, nhiều nhà quan sát cảm thấy không chắc chắn. Đặc biệt, sự mâu thuẫn luôn thường trực bên trong Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của mình. Một cuộc đấu trí có thể đang diễn ra giữa Tổng thống Trump và giới chức Nhà Trắng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ mới được bổ nhiệm John Bolton là người luôn cho rằng cuộc đàm phán với Triều Tiên là vô nghĩa. Chính ông Bolton cảnh báo kịch bản Libya với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đe dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh với Mỹ.
Nếu ông Bolton thắng thế trong cuộc đấu trí này, Washington sẽ có lựa chọn duy nhất buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Điều này cũng buộc Mỹ phải dùng đến những biện pháp trừng phạt, gây sức ép ngoại giao, tài chính và cả quân sự. Thậm chí là lặp lại kịch bản Libya, với “cái kết bi thảm” của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi không lâu sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên đang khéo léo cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc?
Ván cờ "tất tay" của cả Mỹ và Triều Tiên
Mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nhanh chóng thất bại và việc Mỹ cố ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh thảm khốc. Thế giới đã từng chứng kiến điều này trong năm 2017, khi Triều Tiên đe dọa tấn công Mỹ bằng tên lửa và Tổng thống Trump đáp trả bằng tuyên bố hủy diệt Triều Tiên.
Tổng thống Trump sẽ đi lại vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm khi không thể giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, nếu không thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tự nguyện và thiện chí thực hiện từ bỏ chương trình hạt nhân. Đây là một nhiệm vụ khó khăn với Tổng thống Trump. Bởi phi hạt nhân hóa thực sự có nghĩa là tạo ra một môi trường an ninh và chính trị khác biệt, để Triều Tiên cảm thấy được đảm bảo và không còn cần thiết phải sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc các chính sách thù địch với Mỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đến nay vẫn hoài nghi việc Triều Tiên sẽ có thêm thời gian để phát triển vũ khí hùng mạnh hơn. Đây cũng là một trong những giải thiết giới quan sát nhiều lần nhắc tới khi tình hình Bán đảo Triều Tiên bất ngờ đổi chiều tích cực từ đầu năm đến nay, khi Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán Thượng đỉnh với Seoul và sau đó là chủ động đề nghị đối thoại Thượng đỉnh với Washington.
Song, những chuyên gia nhìn từ phía Triều Tiên cũng cho rằng, liệu Triều Tiên có thể yên ổn tồn tại nếu bắn tên lửa vào nước Mỹ? Và chắc chắn một cuộc chiến hủy diệt là điều mà không bên nào mong muốn.
Vì lợi ích và mục tiêu của mình, cả Mỹ và Triều Tiên đều đang đứng trước những lựa chọn khó khăn. Nếu Tổng thống Mỹ nghiêng theo cố vấn Jonh Bolton, tình hình Bán đảo Triều Tiên sẽ trở lại căng thẳng của năm 2017, với nhiều vụ thử tên lửa và hạt nhân hơn.
Reuters dẫn lời ông Philip W. Yun, từng là cố vấn cho 2 điều phối viên về Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, và hiện là Giám đốc Điều hành Quỹ Ploughshares, một Quỹ về Hòa bình và an ninh có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) cho rằng: “Nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều thực sự diễn ra, Tổng thống Trump sẽ yêu cầu Triều Tiên sớm tiến hành phi hạt nhân hóa. Liệu một nhà lãnh đạo Mỹ thiếu kiên nhẫn sẽ chờ đợi được bao lâu? Và ông Trump sẽ đáp trả thế nào?”./.
Dồn dập các hoạt động ngoại giao chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều
3 địa điểm tiềm năng tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều