Phía sau cam kết của Anh và Ba Lan cung cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine
VOV.VN - Ba Lan tuyên bố sẽ chuyển giao một đại đội xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine nếu các quốc gia đồng minh đưa ra quyết định tương tự còn Anh đang xem xét cung cấp 10 xe tăng Challenger 2.
Ngay từ những ngày đầu xung đột, chính quyền Tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và châu Âu cung cấp những xe tăng hiện đại do phương Tây sản xuất để bổ sung vào kho dự trữ xe tăng cũ có từ thời Liên Xô. Đến nay, khi chiến sự bước sang tháng 11, lời kêu gọi này dường như mới được đáp ứng.
Ba Lan tuyên bố sẽ chuyển giao một đại đội xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine nếu các quốc gia đồng minh đưa ra quyết định tương tự còn Anh đang xem xét cung cấp 10 xe tăng Challenger 2.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là người đầu tiên chú ý đến lời kêu gọi của ông Zelensky. Trong chuyến thăn thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine, ông Duda tuyên bố: “Chúng tôi quyết định đóng góp lô đầu tiên gồm một đại đội xe tăng chủ lực Leopard trong khuôn khổ liên minh này. Tôi hy vọng các nước khác cũng sẽ đóng góp những đơn vị thiết giáp tương tự để củng cố năng lực cho Ukraine".
Leopard 2 là xe tăng do Đức sản xuất và Berlin nắm giấy phép xuất khẩu. Việc Đức tránh cung cấp vũ khí cho Ukraine trước đây đóng vai trò như một sự phủ quyết đối với bất cứ quốc gia nào, chẳng hạn như Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan muốn tặng những chiếc Leopard 2 dư thừa của họ cho Ukraine.
Tuyên bố của ông Duda dường như ngụ ý rằng sự phản đối của Đức không còn mạnh mẽ như trước. Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà chính phủ Anh trong tuần này gửi đi tín hiệu sẵn sàng chuyển giao 10 xe tăng Challenger. Các kế hoạch nói trên, nếu được thực hiện sẽ khiến châu Âu trở thành nhà cung cấp xe tăng lớn nhất cho Ukraine.
Leopard 2 và Challenger 2 không phải là xe tăng mới. Leopard 2 bắt đầu phục vụ trong quân đội Đức năm 1979, còn Challenger 2 được biên chế cho quân đội Anh năm 1998. Nhà sản xuất Rheinmetall của Đức đã liên tục nâng cấp Leopard 2, trong khi công ty BAE Systems của Anh cũng thực hiện nỗ lực tương tự đối với xe tăng Challenger 2 của họ.
Dù ra đời khá lâu, nhưng chúng vẫn nằm trong danh sách những xe tăng tốt nhất trên thế giới. Leopard 2 nặng 69 tấn có pháo nòng trơn 120 mm, lớp giáp dày, được cho là có sự cân bằng hoàn hảo giữa tốc độ và hỏa lực, giống như xe tăng M-1 của Mỹ. Trong khi đó, Challenger 2 nặng 71 tấn, có pháo nòng 120mm. Xe tăng Challenger-2 nổi tiếng với lớp giáp bảo vệ composite Chobha vững chắc, hỏa lực mạnh mẽ.
Hiệu quả bảo vệ của dòng xe tăng nặng nhất thế giới này đã được khẳng định qua các hoạt động quân sự của NATO tại Afghanistan và Iraq. Tuy vậy, nhược điểm của dòng xe tăng này là có tốc độ hạn chế do trọng lượng khá nặng. Nếu như Leopard 2 đạt tốc độ tối đa 68km/h thì Challenger 2 chỉ có tốc độ 59km/h. Cả 2 dòng xe tăng đều có kíp lái 4 người và hệ thống ống ngắm quang học có khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.
Nếu Ba Lan và Anh cung cấp xe tăng do phương Tây sản xuất cho Ukraine, thì điều này sẽ lần đầu tiên phá vỡ tiền lệ, có thể khiến nhiều nước châu Âu khác thực hiện động thái tương tự. Rheinmetall đã chế tạo hơn 3.000 chiếc Leopard 2 và hàng trăm chiếc trong số đó đang được cất giữ trên khắp châu Âu.
Riêng Ba Lan có khoảng 250 chiếc Leopard 2. Hơn nữa, nước này cũng đang đặt mua những chiếc M-1 do Mỹ sản xuất nên có thể nhanh chóng cung cấp cho Ukraine xe tăng do Đức sản xuất mà không lo ngại gây ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.
Quân đội Anh từng sở hữu gần 400 chiếc Challenger 2, nhưng sau này chỉ chú trọng nâng cấp khoảng 150 chiếc xe tăng để sử dụng trong tương lai. Vì thế, Anh có thể cho đi hàng trăm chiếc Challenger 2 cũ còn trong kho dự trữ mà không ảnh hưởng đến quân đoàn xe bọc thép của nước này.
Vậy tại sao cả Anh và Ba Lan không cùng lúc tặng cho Ukraine tất cả xe tăng dư thừa của họ cho Ukraine?
Phương Tây luôn cho rằng việc tăng dần nguồn cung cấp vũ khí mới sẽ hiệu quả hơn và ít gây gián đoạn hơn cho hoạt động của Ukraine. Cần phải nhắc lại rằng, khi Mỹ bắt đầu cung cấp cho Ukraine Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS) vào mùa Xuân năm 2021, ban đầu nước này cũng chuyển giao số lượng rất nhỏ.
Có một số lý do khiến phương Tây quyết định nâng dần số lượng vũ khí cung cấp cho Ukraine từ ít đến nhiều. Trước hết, họ muốn bàn giao các bệ phóng tên lửa và xe tăng mới với số lượng vừa đủ để giúp Kiev huấn luyện đội ngũ nòng cốt gồm nhân viên vận hành và nhân viên hậu cần. Những người này sau đó sẽ huấn luyện lại các binh sỹ. Bên cạnh đó, điều này còn giúp Ukraine thiết lập quy trình sử dụng vũ khí mới một cách hiệu quả và phù hợp.
“Họ không chỉ phải học cách sử dụng mà còn cả cách thức bảo dưỡng, bảo trì vũ khí”, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho biết.
Quân đoàn hậu cần của quân đội Ukraine được cho là sẽ gặp nhiều thách thức lớn khi hỗ trợ các phương tiện chiến đấu trên chiến trường trong mùa Đông và mùa Xuân trong đó có cả xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ sản xuất, xe chiến đấu Marder cũ do Đức chế tạo và xe trinh sát AMX-10RC do Pháp chế tạo. Ngoài nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga, những thách thức trong huấn luyện và hậu cần đã khiến Mỹ và các đồng minh chưa sẵn sàng gửi xe tăng chủ lực hệ phương Tây cho Ukraine./.