Philippines đối mặt nhiều thách thức sau chiến thắng tại Marawi
VOV.VN - Thắng lợi tại Marawi vẫn chưa thể khiến Philippines mở tiệc ăn mừng bởi nước này vẫn phải đối mặt với vô số thách thức sau trận chiến.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterter ngày 17/10 tuyên bố quân đội Chính phủ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi ở miền Nam nước này sau 148 ngày giao tranh với phiến quân Hồi giáo liên hệ với tổ chức IS.
Binh sĩ Philippines trong chiến dịch giải phóng Marawi. Ảnh: Reuters
Đây được coi là chiến thắng lịch sử đối với Philippines, mở ra hy vọng sớm cắt đứt vòi bạch tuộc của IS tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc chiến chống khủng bố.
Phát biểu với báo chí trong chuyến thị sát thành phố Marawi, Tổng thống Philippines khẳng định đã đến lúc chữa lành vết thương và tái thiết thành phố trên đảo Mindanao.
“Tôi xin tuyên bố thành phố Marawi đã được giải phóng khỏi ảnh hưởng của quân khủng bố và đánh dấu việc bắt đầu xây dựng lại thành phố. Chúng ta đã khôi phục lại hòa bình. Nhưng giờ chưa phải là lúc ăn mừng chiến thắng vì nhiều khu vực trong thành phố đã bị phá hủy trong giao tranh. Chúng ta không có lựa chọn nào khác”, ông Duterte nói.
Chiến thắng lịch sử tại Philippines được đánh dấu bằng việc quân đội nước này đã tiêu diệt hai thủ lĩnh liên minh các tay súng ủng hộ tổ chức IS trong một chiến dịch tại thành phố Marawi, trong đó có 1 đối tượng là nghi can khủng bố hàng đầu Châu Á.
Bộ Trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Isnilon Hapilon, kẻ được phong là "tiểu vương” của IS tại khu vực Đông Nam Á và Omarkhayam Maute, một trong hai anh em thủ lĩnh của nhóm vũ trang Maute, đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công vào một tòa nhà tại thành phố Marawi và thi thể của chúng đã được tìm thấy.
Theo quân đội Philippines, hiện còn khoảng 20 đến 30 phần tử thánh chiến đang nắm giữ khoảng 20 con tin, song tình hình hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Việc tiêu diệt được hai thủ lĩnh nêu trên được xem là một bước ngoặt quan trong đối với quân đội Philippines, vốn bị chỉ trích bởi bước tiến chậm chạp trong cuộc chiến giành lại Marawi và việc thành phố này dễ dàng bị các tay súng chiếm đóng vào ngày 23/5 vừa qua, sau đó nắm giữ kiểm soát trung tâm của thành phố trong gần năm tháng. Philippines tuyên bố giải phóng Marawi khỏi phiến quân thân IS
Tuy nhiên, Philippines vẫn chưa thể mở tiệc ăn mừng bởi nước này vẫn còn phải đối mặt với vô số thách thức sau trận chiến. Trước tiên đó là công cuộc tái thiết và mang lại cuộc sống hòa bình cho người dân Marawi.
Giao tranh kéo dài đã khiến thành phố sôi động trên đảo Mindanao bị thiệt hại nặng nề với 20% cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 500.000 người phải sơ tán. Theo ước tính, việc xây dựng lại thành phố này có thể tiêu tốn khoảng 56 tỉ peso (tương đương 1,1 tỉ USD).
Thách thức tiếp theo là nguy cơ các phần tử khủng bố quay lại trả thù. Trả lời kênh truyền hình CNN (Mỹ), người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines Restituto Padilla cảnh báo, các phần tử khủng bố đã mất đi hai thủ lĩnh lão luyện, lãnh đạo trong một thời gian rất dài và đứng sau hầu hết mọi hoạt động của chúng.
Sự mất mát này có thể khiến chúng hành động cực đoan hơn nữa. Do vậy, Philippines vẫn cần đối phó với mối đe dọa lớn hơn. Ông Padilla nhấn mạnh, việc duy trì thiết quân luật vốn được Tổng thống Duterte ban bố hồi tháng 5 vừa qua đóng vai trò quan trọng.
Các chuyên gia về khủng bố cho rằng chiến sự Marawi là “thất bại mang tính biểu tượng” đối với phiến quân thân IS tại đảo Mindanao của Philippines. Tuy nhiên, các phần tử cực đoan này vẫn rất nguy hiểm bởi sau thời gian im hơi lặng tiếng chúng sẽ sớm xây dựng lại lực lượng và hoành hành dữ dội hơn.
Thay vì trực tiếp đào tạo và lên kế hoạch tấn công, IS biến tư tưởng của chúng thành hành động thông qua các nhóm cực đoan bản địa. Khi đó, không chỉ Philippines mà toàn bộ khu vực Đông Nam Á cũng sẽ “nằm trong vòng nguy hiểm”.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các nhóm nhỏ phiến quân ở Philippines, Indonesia và Malaysia đã bắt đầu trỗi dậy dưới ngọn cờ của IS. Để ngăn chặn nguy cơ khủng bố lập sào huyệt ở Đông Nam Á sau thất bại tại Iraq và Syria, Philippines, Indonesia và Malaysia đã bắt đầu có những hoạt động hợp tác quân sự ráo riết, trong khi Mỹ cũng cam kết hợp tác với các nước trong khu vực diệt trừ mạng lưới này./.
Hình ảnh cuộc chiến tàn khốc giữa quân đội Philippines và IS ở Marawi