Phương Tây cố chứng minh Nga đã sai khi tin rằng hỗ trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt?
VOV.VN - Mỹ và Đức đã thông báo các gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine khi các chính phủ phương Tây cố gắng xoa dịu những lo ngại về việc duy trì sự ủng hộ cho Kiev trong cuộc giao tranh kéo dài với Moscow.
Mỹ là nước cung cấp hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine và Đức xếp thứ hai. Ukraine phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ của phương Tây trong cuộc xung đột với Nga - quốc gia đã nhanh chóng đặt ngành công nghiệp quốc phòng vào chế độ thời chiến sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, mối lo ngại về việc liệu cựu Tổng thống Donald Trump có đắc cử vào tháng 11 tới hay không, diễn ra sau nhiều tháng tranh cãi chính trị giữa các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa về sự hỗ trợ cho Ukraine tại Quốc hội, đã đặt ra câu hỏi về tương lai của các gói hỗ trợ quân sự lớn. Ông Trump trước đó bày tỏ sự thất vọng với các đồng minh NATO - những người mà ông cho là đang lợi dụng sự hào phóng về an ninh của Mỹ tại châu Âu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng trước nhận định, Điện Kremlin đã sai khi tin rằng sự hỗ trợ cho Ukraine trên thế giới sẽ cạn kiệt dần qua thời gian. Tuy nhiên, ngân sách dự thảo cho năm 2025 của Đức, được Reuters xem xét vào đầu tháng này, lại cho thấy Berlin có kế hoạch giảm một nửa sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào năm sau.
Tháng 6/2024, các nước G7 tuyên bố rằng họ nhất trí với EU về việc sử dụng lợi nhuận được tạo ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Berlin hiện đã cung cấp thêm 8 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 cho Ukraine trong một sáng kiến chung với Đan Mạch. Đức cũng cung cấp 21.000 quả đạn cho hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard, cùng với 52 hệ thống Gepard cho Kiev cùng với các bộ phận dự phòng.
Ngày 29/7, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 200 triệu USD. Gói hỗ trợ này chủ yếu tập trung vào các tên lửa phòng không, đạn pháo và vũ khí chống tăng. Mỹ cũng thông báo thêm gói hỗ trợ lớn trị giá 1,5 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine, trong đó có ngân sách duy trì các trang thiết bị của Kiev được Washington cung cấp cũng như các nguồn lực bổ sung cho phòng không, pháo và vũ khí chống tăng.
Trong gói hỗ trợ này còn có đạn dược cho hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS, tên lửa phòng không, thiết bị tác chiến điện tử, đạn pháo cho HIMARS cũng như các loại đạn pháo khác.