Phương Tây sai lầm khi viện trợ vũ khí hạng nặng hiện đại cho Ukraine?
VOV.VN - Giới quan sát dự báo, kế hoạch của NATO gia tăng vũ khí hiện đại hạng nặng (bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực) cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây càng lan rộng và có thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng.
Nỗ lực cứu nguy Ukraine
Sau gần một năm Ukraine khẩn khoản đề nghị NATO viện trợ các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, khối quân sự này cuối cùng đã nhượng bộ.
Sự nhượng bộ đó xuất hiện trong bối cảnh quân Nga đã rút về củng cố khu vực họ kiểm soát ở miền Đông Ukraine và trên bán đảo Crimea sau khi thất bại trong nỗ lực tốc chiến tốc thắng ngay tại thủ đô của Ukraine trong giai đoạn đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Sau khi quân Nga rút lui, Ukraine có cơ hội tận dụng chiến thắng quân sự trong trận chiến Kiev để thúc đẩy đàm phán với Nga. Tuy nhiên, Ukraine đã lựa chọn phương án khác, đó là chuyển từ phòng ngự sang đẩy mạnh tiến công quân Nga. Từ lúc này, tình hình bắt đầu thay đổi đối với phía Ukraine.
Giờ đây Nga đã huy động trên quy mô lớn lực lượng dự bị động viên. Nga đã triển khai khoảng 300.000-350.000 quân và đang sẵn sàng tấn công rầm rộ vào các phòng tuyến của Ukraine. Trong khi đó, thế trận của Ukraine đã căng thẳng ngay cả khi Nga mới chỉ gây chút ít áp lực.
Trước tình hình khẩn cấp đó, phương Tây vội vã can thiệp để giúp đỡ Ukraine, bằng cách tuyên bố cung cấp cho nước này các xe tăng hạng nặng hiện đại.
Ở đây một câu hỏi được đặt ra là liệu sự viện trợ đó có giúp Ukraine thay đổi được cục diện không, hay sẽ chỉ gây thêm thương vong cho Ukraine và đẩy xung đột giữa Nga và phương Tây thêm lan rộng.
Hiện tại Anh cam kết cung cấp cho Ukraine khoảng 14 xe tăng Challenger 2, Đức cam kết xuất một đại đội xe tăng Leopard, còn Mỹ hứa hẹn 31 xe tăng Abrams. Còn Ukraine nêu nhu cầu cần khoảng 300 xe tăng.
Triển vọng ảm đạm
Nhìn lại, Mỹ thực ra vẫn tỏ ra ngần ngại khi gửi cho Ukraine các cỗ xe tăng M1 Abrams bởi lẽ đây là xe thượng hạng của Mỹ và Mỹ cũng không dư dả gì về M1 Abrams - công nghiệp quốc phòng của Mỹ vẫn còn hạn chế trong sản xuất loại xe tăng tối tân này.
Mỹ có tham vọng duy trì số lượng xe tăng Abrams cần thiết trong kho vũ khí của họ, đồng thời gửi cho Ukraine phiên bản hiện đại nhất. Như vậy, các xe tăng mà Mỹ định gửi cho Ukraine sẽ phải được chế tạo mới từ đầu. Do đó, Ukraine có lẽ sẽ phải mất 12-18 tháng nữa (thậm chí lâu hơn) thì mới nhận được các cỗ xe tăng này.
Có một lý do nữa khiến Mỹ lưỡng lự về cung cấp Abrams, đó là tính biểu tượng của xe tăng này - xe tăng hàng đầu trong quân đội Mỹ. Mỹ e ngại về kịch bản số lượng lớn xe tăng Abrams có thể bị Nga tiêu diệt trên chiến trường.
Mỹ đã khẳng định không cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16. Nhưng nếu thiếu yểm trợ từ trên không, các xe tăng của NATO rất dễ trở thành mồi ngon cho các máy bay chiến đấu của Nga.
Bên cạnh đó, Nga có thể tận dụng việc Mỹ đưa xe tăng Abrams sang Ukraine làm lý do biện minh cho một cuộc chiến nhằm vào NATO.
Các lý do này khiến Mỹ không quá hồ hởi trong cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine.
Về phần Đức, họ đã đồng ý gửi cho Ukraine 15 xe tăng Leopard nhưng lại chưa nêu lịch trình cụ thể. Chính Mỹ cũng không đề cập lịch trình cụ thể.
Đâu là giải pháp thực tế?
Ngay cả khi các xe tăng trên được gửi xong sang Ukraine thì số lượng của chúng cũng rất nhỏ so với quy mô của lực lượng tăng thiết giáp Nga. Theo cam kết, Ukraine sẽ nhận 14 xe tăng Challenger 2 từ Anh, 14 xe tăng Leopard từ Ba Lan, 14 xe tăng Leopard từ Đức, và 31 xe tăng Abrams từ Mỹ - như vậy tổng cộng có 73 chiếc.
Trong khi đó, Nga đã gửi khoảng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 tới các đơn vị của họ ở các tỉnh Lugansk và Donetsk (ly khai khỏi Ukraine và được Nga sáp nhập vào năm 2022).
Đã vậy quân đội Ukraine ít hoặc hầu như chưa được chính thức huấn luyện vận hành loại xe tăng hiện đại của Mỹ. Họ cũng không có kinh nghiệm bảo dưỡng loại xe tăng này.
Xe tăng Abrams và Leopard rất phức tạp, không đơn giản như loại tên lửa vác vai Stinger và Javelin hoạt động theo cơ chế ngắm rồi bóp cò. Các xe tăng này là vũ khí cao cấp hàng đầu, đòi hỏi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm huấn luyện thì mới làm chủ được. Trái lại, Nga có thể đưa vào trận hàng loạt xe tăng T-90 chỉ trong vài tháng.
Trong khi đó, diễn biến trên chiến trường đang có lợi cho phía Nga, cả trên khía cạnh hậu cần, địa lý và số lượng binh sĩ, khí tài.
Do vậy, giới quan sát đánh giá, giải pháp khả thi hơn cho Ukraine sẽ là củng cố miền Tây của nước này đồng thời chấm dứt chiến sự với Nga càng sớm càng tốt. Điều này sẽ khó đạt được nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự - Ukraine cần phải kết hợp với đàm phán ngoại giao./.