Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia: Rạn nứt nhưng khó đổ vỡ
VOV.VN - Theo giới phân tích, những lợi ích song trùng cùng với toan tính chiến lược sẽ không đẩy căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đi quá xa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/4 có mặt ở Riyadh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Saudi Arabia. Chuyến thăm của ông Obama được cho là để thúc đẩy cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan, chấm dứt cuộc chiến ở Syria và Yemen; đồng thời xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương với Riyadh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/4 có mặt ở Riyadh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Saudi Arabia. (Ảnh: AFP)
Chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang “nóng lên” khi các nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ tìm cách thúc đẩy thông qua dự luật 11/9, cho phép các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia.
Thực tế là sóng ngầm trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đã âm ỉ từ rất lâu, kể từ sau khi Saudi Arabia áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ để trừng phạt phương Tây năm 1973 vì đã ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Saudi Arabia - Israel.
Tiếp theo đó là vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khi hầu hết những tên không tặc đều mang quốc tịch Saudi Arabia. Tuy nhiên, đỉnh điểm trong căng thẳng quan hệ ngoại giao giữa hai nước được ghi nhận bắt đầu từ đầu năm 2011, liên quan đến một loạt bất ổn tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi.
Bất đồng nối tiếp bất đồng khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, Saudi Arabia và các nước láng giềng lo ngại rằng, thỏa thuận mà Mỹ kỳ vọng có thể giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran có thể là cơ hội để thúc đẩy nước cộng hòa Hồi giáo này can thiệp nhiều hơn vào Trung Đông.
Nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương
Mustafa Alani, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh cho rằng, Tổng thống Obama đã có những bước đi “hoàn toàn tiêu cực” đối với tình hình khu vực. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn nhấn mạnh sức mạnh của một liên minh tồn tại suốt hơn 70 năm qua.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết: “Lúc nào cũng tồn tại sự phức tạp trong mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Nhưng không thể phủ nhận yếu tố cốt lõi trong mối quan hệ của chúng tôi, đó là sự hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung trong cuộc chiến chống khủng bố”.
Sóng ngầm trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đã âm ỉ từ rất lâu. (Ảnh: AP) |
Tuyên bố của Nhà Trắng dường như không đủ sức thuyết phục đối với giới phân tích. “Saudi Arabia đang thất vọng. Họ có ấn tượng không tốt rằng, Mỹ dường như không thực sự hiểu về mối quan tâm có họ đối với các mối đe dọa từ Iran”, chuyên gia Lori Plotkin Boghardt, của Viện Washington về Chính sách Cận Đông nhận định.
“Các yếu tố không có lợi đến cùng lúc đã tạo ra một môi trường khó khăn cho Saudi Arabia, điều này khiến họ cảm thấy như đang bị bao vây”, bà Lori Plotkin Boghardt nói thêm.
Khi bị áp lực lớn từ mối đe dọa tiềm tàng là Iran, Saudi Arabia đã phản ứng theo cách rất khó đoán định, thường là mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ.
Từng là đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở Trung Đông, những diễn biến mới của tình hình đang đẩy mối quan hệ lâu bền này trước những sức ép mới.
Thời gian gần đây, Saudi Arabia đã có những phản ứng rất khó đoán định, thường là mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ. Họ phát động cuộc chiến ở Yemen đầy tốn kém nhưng không hoàn toàn đánh bại phiến quân Houthi, mà còn giúp nhánh al-Qaeda ở đây mạnh thêm.
Saudi Arabia cũng xử tử hàng chục người bị cáo buộc khủng bố, bao gồm một giáo sĩ người Shiite nổi tiếng bất chấp ngăn cản từ Washington. Saudi Arabia cũng từ bỏ can thiệp vào Lebanon bằng việc cắt hàng tỷ USD viện trợ cho nước này như đã hứa, động thái bị Iran sau đó nhanh tay tận dụng để gia tăng ảnh hưởng ở Lebanon.
Mỹ và Saudi Arabia vẫn cần có nhau
Saudi Arabia đã phản ứng rất gay gắt với ý kiến của ông Obama được nêu trong ấn bản tháng 4/2016 của tạp chí Mỹ The Atlantic. Theo đó, Tổng thống Mỹ cho rằng, Saudi Arabia cần phải “chia sẻ” Trung Đông với Iran; đồng thời cáo buộc rằng, chính sự cạnh tranh giữa Riyadh và Tehran đã và đang thúc đẩy cuộc chiến ủy nhiệm cũng như sự hỗn loạn tại Syria, Iraq và Yemen.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp với Quốc vương Saudi Arabia Salman ở Washington. (Ảnh: Getty) |
“Tôi nghĩ rằng, Mỹ từ lâu đã có mối quan tâm đến cái cách mà Saudi Arabia hành xử trong khu vực. Tổng thống Obama đơn giản chỉ là có tiếng nói đi thẳng vào vấn đề hơn so với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của nước Mỹ”, Frederic Wehrey, chuyên gia của Chương trình Trung Đông thuộc Quỹ Carnegie về Hoà bình Quốc tế ở Washington.
Mặc dù vậy, đối với Mỹ, Saudi Arabia chính là nguồn gốc của sự ổn định tại Trung Đông. "Các đời Tổng thống Mỹ đều mong muốn một mối quan hệ nghiêm túc với những nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", giáo sư F. Gregory Gause tại Đại học Texas nhận định.
Saudi Arabia cũng hợp tác với Mỹ trong chiến dịch chống các nhóm khủng bố Hồi giáo, điển hình như Al-Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, Washington cũng muốn tranh thủ sự giúp đỡ của Riyadh để giải quyết cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria.
Ở chiều ngược lại, đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề xướng liên minh với Saudi Arabia, nước này vẫn hướng đến Mỹ chủ yếu nhằm bảo đảm duy trì an ninh tại một khu vực luôn tiềm ẩn bất ổn.
Saudi Arabia muốn được Mỹ ủng hộ, đặc biệt nếu có xung đột với Iran - đối thủ truyền thống của họ trong khu vực. “Saudi Arabia ngày càng phụ thuộc vào quân đội Mỹ đối với những tình huống khẩn cấp”, chuyên gia Anthony H. Cordesman tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định.
Có thể thấy rõ, dù cho những diễn biến mới đang đẩy mối quan hệ đồng minh lâu bền Mỹ - Saudi Arabia đối mặt những sức ép mới nhưng những lợi ích song trùng cùng với toan tính chiến lược chắc chắn sẽ không đẩy những trắc trở trong mối quan hệ giữa hai nước đi quá xa.
“Chính phủ Saudi Arabia trong 70 năm qua đã tồn tại dựa trên mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ. Tôi không nghĩ rằng, họ muốn ném mối quan hệ lâu đời đó vào sọt rác”, Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế nói với CNN./.