Quan hệ Trung Quốc - Philippines rơi vào tình trạng “kinh tế nóng, chính trị lạnh”
VOV.VN - Theo các chuyên gia phân tích, bất chấp căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Philippines vẫn “hoạt động như bình thường”, nhưng rủi ro cũng đang gia tăng.
Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Philippines nồng ấm
Trong nhiều năm, về quan hệ Trung Quốc - Philippines, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu và là một trong số các nhà cung cấp những mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Manila. Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines, theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines.
“Cụm từ ‘kinh tế nóng, chính trị lạnh’ xác định chính xác mối quan hệ hiện nay giữa Philippines và Trung Quốc, vì cả hai nước đều có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ mặc dù có những vấn đề hoặc khác biệt về chính trị”, Severo C. Madrona Jnr, giảng viên tại Đại học Ateneo de Manila nhận định.
Ông nói: “Ngay cả khi mối quan hệ chính trị trở nên khó khăn, sự hợp tác đôi khi có thể xuất phát từ các mục tiêu kinh doanh thực dụng, bởi vì động lực của hai lĩnh vực không nhất thiết phải liên quan trực tiếp với nhau”.
Dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy, các bộ phận và linh kiện điện tử, các sản phẩm công nghiệp như sắt thép, máy móc và khoáng sản là những mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực thương mại song phương giữa Trung Quốc và Philippines.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với Philippines đã giảm 14% so với một năm trước đó, do xuất khẩu của Trung Quốc giảm 11,2% và nhập khẩu giảm 21,3% – cùng với giá hàng hóa giảm. Do đó, tỷ trọng thương mại với Philippines trong tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giảm xuống 13,96% trong cùng kỳ, giảm từ mức 15,85% một năm trước đó.
Đối với đảo quốc này, mặc dù quan hệ song phương với Trung Quốc đang được thiết lập lại dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos – người thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Washington, trái ngược với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte – quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc dường như đã được tăng cường trong vài tháng qua.
Tháng 1/2023, trong chuyến thăm ba ngày tới Bắc Kinh, Tổng thống Marcos đã ký 14 thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến nhập khẩu sầu riêng tươi.
Trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu phải chịu áp lực lớn do nhu cầu yếu và nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ phương Tây trong vài tháng qua, Trung Quốc cũng đang xoay trục để tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Kế hoạch thương mại liên kết các nền kinh tế thành một mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm cũng bao gồm cả Philippines.
Andrea Chloe Wong, cựu nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Đối ngoại Philippines cho biết, xét về quan hệ kinh tế giữa hai nước thì phần lớn "hoạt động kinh doanh đang diễn ra như bình thường".
"Đối với Philippines, có những mối quan hệ thương mại thân mật và tích cực, khuyến khích đầu tư kinh doanh vào đất nước và tách biệt khỏi chính trị, là điều mà Tổng thống Marcos mong muốn", tiến sĩ Wong nói.
Philippines vẫn cảnh giác cao với Trung Quốc
“Nhưng Manila cũng cảnh giác với việc Bắc Kinh sử dụng thương mại như một biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc trở thành một đối tác kinh tế có ưu thế hơn”, bà Wong nói thêm.
Vào đỉnh điểm của căng thẳng song phương giữa hai nước trong cuộc đối đầu ở Bãi cạn Scarborough năm 2012, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines với cáo buộc chuối có rệp sáp.
"Lệnh cấm xuất khẩu chuối... có thể được lặp lại nếu căng thẳng bùng phát trở lại ở Biển Đông", bà Wong lưu ý.
Căng thẳng giữa hai nước vừa bùng lên từ cuối tuần qua. Ngày 5/8, Philippines cáo buộc Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun vào tàu tiếp tế của nước này đang đến bãi Cỏ Mây. Bộ Ngoại giao và đại diện lực lượng hải cảnh Trung Quốc phủ nhận cáo buộc và tố ngược Philippines "xâm phạm chủ quyền", rằng tàu tiếp tế Philippines đang chở vật liệu xây dựng đến bãi Cỏ Mây để củng cố tiền đồn.
Theo AFP, trong những ngày gần đây, Trung Quốc thông tin rằng Philippines đã "nhiều lần" cam kết sẽ kéo tàu BRP Sierra Madre mắc cạn ra khỏi bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, trong video đăng trên Facebook của văn phòng truyền thông của tổng thống, ông Ferdinand Marcos đã bác bỏ thông tin này.
"Tôi không biết là có bất kỳ thỏa thuận nào về việc Philippines sẽ đưa tàu BRP Sierra Madre ra khỏi lãnh thổ. Nếu tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi sẽ hủy ngay bây giờ", ông Marcos khẳng định.
Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý (195km). Tàu chiến BRP Sierra Madre của Manila mắc cạn tại đây và được sử dụng như một tiền đồn bố trí binh sĩ.
Trước những căng thẳng giữa hai nước ở Biển Đông, một số nhà lập pháp Philippines gần đây đã gây áp lực lên chính quyền Marcos để tránh xa các công ty và sản phẩm của Trung Quốc, nhằm trả đũa các hành động của Bắc Kinh trong tranh chấp trên biển.
Aaron Rabena, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á-Thái Bình Dương ở Metro Manila, cho biết mặc dù rủi ro trong quan hệ kinh tế song phương đang gia tăng, nhưng việc tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc khó có thể thành hiện thực, vì tìm thị trường lớn thay thế Trung Quốc dường như bất khả thi.
Ông Rabena đánh giá, nếu thực tế hơn, chỉ có thể áp đặt giám sát chặt chẽ hơn đối với các mối quan hệ kinh tế song phương tổng thể như một hình thức trả đũa chính thức.
Carl Thayer, Giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales ở Australia cũng cho rằng những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc ở Philippines chỉ "tự chuốc lấy thất bại".
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc có thể trả đũa ngay lập tức bằng cách cắt giảm các tour du lịch theo nhóm đến Philippines hoặc giảm nhập khẩu chuối của Philippines.
Eduardo Araral, Phó giáo sư về chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng Trung Quốc nếu bị thúc ép có thể sử dụng biện pháp kinh tế để trả đũa, nhưng chỉ dần dần.
Ông Araral nói: “Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ phản công toàn lực. Tôi nghĩ họ sẽ dùng biện pháp trả đũa giống như phương pháp châm cứu – họ sẽ châm một cây kim, và nếu cách đó không hiệu quả, họ sẽ châm một mũi khác”.