Quốc tế chung tay trợ giúp Nepal khắc phục hậu quả động đất
VOV.VN - Theo thông tin mới nhất, số người thiệt mạng sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại Nepal đã lên tới hơn 2.200 người.
1. Ngày 25/4, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại miền Trung Nepal trong phút chốc đã biến nhiều tòa nhà và các công trình lịch sử văn hóa tại thủ đô Kathmandu và vùng phụ cận thành đống gạch vụn.
Trận động đất này được đánh giá là một trong những trận động đất mạnh nhất thế giới kể từ năm 1900. Với tâm chấn nông (chỉ khoảng 15km dưới lòng đất) khiến sức tàn phá của trận động đất này càng khủng khiếp hơn. Rung chấn của trận dộng đất cũng lan xa tới hơn 1.000 km sang 3 quốc gia láng giềng với Nepal.
Theo số liệu mới nhất do Reuters đăng tải, số người chết trong trận động đất này đã lên tới hơn 2.200 người. Con số này còn có thể tăng cao do còn rất nhiều người bị thương nặng cũng như nhiều người còn mắc kẹt dưới các đống đổ nát. Hiện vẫn chưa rõ tình hình tại các khu vực hẻo lánh, nơi đường tiếp cận bị cản trở hoặc khó tiếp cận. Nhiều con đường trên núi bị nứt hoặc bị chặn bởi các trận lở đất.
Trong số các nạn nhân của trận động đất này có cả du khách nước ngoài. Theo Reuters, ước tính khoảng 300.000 khách du lịch nước ngoài đã có mặt tại Nepal để du lịch và leo núi vào thời điểm xảy ra động đất. Có thể nhiều du khách đã thiệt mạng bởi động đất đã gây ra một trận lở tuyết lớn trên đỉnh Everest tại thời điểm có nhiều du khách đang tham gia leo núi.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26/4, Bộ trưởng Thông tin Nepal Minendra Rijal đã lên tiếng kêu gọi các nước nhanh chóng hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả trận động đất. Ông Rijal cũng nhấn mạnh Nepal đang trong thời điểm khủng hoảng và cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Cho đến nay, các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được khẩn trương triển khai nhằm tìm kiếm những người còn sống sót trong đống đổ nát. Nhiều quốc gia và các tổ chức từ thiện quốc tế đã lập tức cung cấp viện trợ và cử các đội cứu hộ tới Nepal để trợ giúp nước này khắc phục hậu quả của trận động đất.
Xem thêm:
>> Hình ảnh Nepal đau thương sau thảm hoạ động đất
>> Một lãnh đạo của Google chết do lở tuyết trên đỉnh Everest
>> Thế giới chung tay giúp Nepal sau thảm hoạ động đất kinh hoàng
>> Video: Nhà sập, đường nứt toác sau thảm hoạ động đất ở Nepal
>> Bộ Ngoại giao trả lời về tình hình người Việt sau vụ động đất ởNepal
2. Ngày 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên đường bắt đầu chuyến công du Mỹ kéo dài 8 ngày nhằm củng cố quan hệ đồng minh gần gũi xuyên Thái Bình Dương.
Theo dự kiến tại thủ đô Washington, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ tháng 11/2014. Lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận một loạt vấn đề từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến hướng dẫn quốc phòng mới đối với liên minh Mỹ - Nhật.
Dự kiến trong chuyến thăm này, hướng dẫn quốc phòng mới giữa hai nước sẽ được cập nhật nhằm tăng cường khuôn khổ hợp tác quốc phòng của liên minh Mỹ - Nhật trong bối cảnh an ninh mới.
Ông Shinzo Abe cũng sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 29/4 tới. Đây sẽ là bài phát biểu đầu tiên của một vị Thủ tướng Nhật Bản trước Quốc hội Mỹ.
Xem thêm:
>> Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu thăm Mỹ
>> Mỹ muốn khẳng định mình nghiêm túc trong việc xoay trục sang châu Á
>> Nhật Bản tăng cường tiềm lực quân sự
>> Nhật-Mỹ đối phó với hành vi gia tăng vũ lực tại Biển Đông và Hoa Đông
>> Nhật-Mỹ có khả năng tuần tra chung tại Biển Đông và biển Hoa Đông
3. Ngày 20/4, các binh sĩ Philippines và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận hỗn hợp quy mô lớn nhất trong 15 năm qua.
Cuộc tập trận hàng năm có tên Balikatan (có nghĩa “vai kề vai”) là một phần trong sáng kiến quân sự mới của Mỹ mang tên Pacific Pathways – sáng kiến này liên quan đến một loạt các cuộc tập trận xuyên châu Á-Thái Bình Dương trong đó Mỹ triển khai thêm quân, tàu chiến và máy bay tới khu vực này.
Pacific Pathways, mà Washington tuyên bố là một phần trong kế hoạch thiết lập sự hiện diện “bán lâu dài” của Mỹ ở châu Á, sẽ bao gồm 29 cuộc tập trận ở 12 quốc gia trong khu vực trong 5 năm tới.
Đợt diễn tập lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Philippines tuyên bố họ đang tìm kiếm sự ủng hộ “thực chất” của Mỹ về cách đối phó với sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phản ứng trước cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines tại Biển Đông, Trung Quốc đã gửi 2 tàu cùng máy bay tới tuần tra phi pháp gần nơi diễn tập của Manila và Washington.
Gần đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đưa ra một tuyên bố chung lên án Trung Quốc tiến hành các dự án xây dựng, cải tạo các bãi đá tại Biển Đông mà nước này chiếm đóng phi pháp.
Xem thêm:
>> Mỹ-Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung nhằm đối phó với Trung Quốc
>> Trung Quốc bao biện về việc cải tạo rầm rộ các bãi đá ở Biển Đông
>> Tổng thống Philippines:'Nguy cơ Trung Quốc dùng vũ lực trên Biển Đông'
4. Ngày 20/4, Trung Quốc và Pakistan đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Pakistan và Thủ tướng Nawaz Sharif tại Thủ đô Islamabad.
Việc nâng cấp các mối quan hệ song phương diễn ra trong bối cảnh hai nước đang mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Theo Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, tại cuộc gặp, hai bên cũng đã nhất trí khởi động dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan trị giá 46 tỷ USD gồm các tuyến đường bộ, đường sắt và các dự án năng lượng kết nối cảng nước sâu Gwadar ở Tây Nam Pakistan với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.
Xem thêm:
>> Trung Quốc sẽ bán cho Pakistan 8 tàu ngầm trị giá trên 4 tỷ USD
>> Ông Tập Cận Bình tới Pakistan, khởi động dự án 46 tỷ USD
Tại cuộc hội đàm lần này, hai bên sẽ xác nhận lại quan điểm cải thiện quan hệ hai nước trở về lịch sử của quan hệ hai nước là đối tác chiến lược. Đây là cuộc hội đàm thứ 2 giữa nguyên thủ hai nước trong vòng 5 tháng trở lại đây kể từ cuộc hội đàm thứ nhất diễn ra tại Hội nghị APEC tại Bắc Kinh vào tháng 11/2014.
Xem thêm:
>> Hội đàm cấp cao Nhật-Trung hướng tới cải thiện quan hệ
6. Ngày 20/4, 300 lính dù Mỹ thuộc Lữ đoàn không quân 173 đã bắt đầu huấn luyện quân sự và tham gia cuộc tập trận với các lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine.
Cuộc tập trận mang tên “Người bảo vệ Dũng cảm 2015" nhằm huấn luyện cho khoảng 900 binh sĩ Ukraine diễn ra tại căn cứ quân sự Yavoriv phía Tây Ukraine. Theo chương trình huấn luyện, các lực lượng Mỹ sẽ huấn luyện cho 3 tiểu đoàn của Ukraine trong thời gian 6 tháng.
Bên cạnh Mỹ, Anh cũng đang triển khai khoảng 75 người đến Ukraine với sứ mệnh tương tự là hỗ trợ huấn luyện cho binh sỹ Ukraine. Tuần trước, Canada công bố nước này cũng sẽ gửi 200 người đến Ukraine vào mùa hè này.
Ngoài hoạt động huấn luyện và tập trận chung, ngày 21/4 Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ nhân đạo bổ sung trị giá 17,7 triệu USD. Số hàng viện trợ này bao gồm túi ngủ, thực phẩm, nước uống, bộ dụng cụ vệ sinh và dụng cụ y tế…
Liên quan đến tình hình ở miền Đông Ukraine, ngày 25/4, quân đội Ukraine và phe đối lập ở miền Đông nước này lại cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, làm dấy lên lo ngại thỏa thuận hòa bình ký tại Minsk hồi tháng 2/2015 có thể bị đổ vỡ.
Xem thêm:
>> Ukraine: Các bên cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn
>> Ngoại trưởng Nga, Mỹ điện đàm về tình hình Ukraine
>> Ba Lan có thể hỗ trợ quân sự cho Ukraine
>> Mỹ- Ukraine rầm rộ tập trận, Nga “đứng ngồi không yên”
7. Ngày 23/4, các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh bất thường để bàn về vấn đề nhập cư đang gây bức xúc trên Địa Trung Hải.
Cuộc họp Thượng đỉnh bất thường khai mạc hôm nay 23/4 ở Brussel, diễn ra 5 ngày sau bi kịch chìm tàu khiến gần 900 người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi thiệt mạng trên Địa Trung Hải cuối tuần qua. Thảm kịch này khiến EU bị chỉ trích mạnh mẽ và buộc nhóm 28 nước phải tiến hành những thay đổi lớn trong chính sách kiểm soát nhập cư và cấp quy chế tị nạn.
Tại cuộc họp Thượng đỉnh bất thường này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí tăng gấp 3 lần nguồn quỹ cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người di cư, trong đó, Anh cũng đề xuất cử tàu Hải quân Hoàng gia của mình tham gia hoạt động này./.
Xem thêm:
>> Châu Âu “loay hoay” tìm giải pháp cho khủng hoảng người nhập cư
>> EU tăng gấp 3 lần nguồn quỹ cứu hộ người di cư trên Địa Trung Hải