Quốc vương Saudi Arabia thăm Nga tìm kiếm cơ hội vàng
VOV.VN - Chuyến thăm Nga của quốc vương Saudi Arabia cho thấy vị trí và tầm nhìn của Nga ở Trung Đông.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga kéo dài từ ngày 4-7/10, hôm 5/10 Quốc vương Saudi Arabia Salman đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, khu vực và quốc tế.
Quốc vương Salman và Tổng thống Putin. Ảnh: SPA.
Chuyến thăm nhằm giúp Saudi Arabia cải thiện quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới với Nga, thúc đẩy các giải pháp bình ổn thị trường dầu mỏ cũng như định hình lại vị thế tại Trung Đông.
Trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nga của một quốc vương Saudi Arabia đương nhiệm.
Cả hai quốc gia đều nhìn thấy những lợi ích chính trị và kinh tế từ một mối quan hệ gần gũi hơn, thực tế hơn. Chuyến thăm nhằm đảm bảo rằng kế hoạch này sẽ đi đúng hướng.
Phát biểu mở màn cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Điện Kremlin ở Moscow, Quốc vương Salman cho rằng: “Nga và Saudi Arabia đều chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề trong khu vực và quốc tế, cùng hợp tác về những lĩnh vực nhằm tăng cường an ninh, thúc đẩy sự thịnh vượng của hai nước cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế.
Chúng tôi cũng mong muốn một sự hợp tác tích cực hơn nữa để đạt được sự ổn định trên thị trường dầu mỏ, giúp kinh tế thế giới tăng trưởng”.
Quốc vương Salman cũng khẳng định hai nước có tiềm năng to lớn để mở rộng và đa dạng hóa hợp tác kinh tế, cũng như tạo dựng cơ sở kinh tế - thương mại và đầu tư.
Liên quan đến vấn đề trong khu vực, Quốc vương Salman nhấn mạnh cần phải duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria. Ông cho biết, Saudi Arabia đang làm việc theo các quyết định đưa ra tại hội nghị hòa bình đầu tiên về Syria diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng như nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tìm giải pháp chính trị nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và duy trì sự thống nhất lãnh thổ Syria.
Ông Salman cũng hối thúc cộng đồng quốc tế cần phải tăng cường nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và ngăn chặn các nguồn tiền cung cấp cho chúng. Nhận thấy đây là mối đe dọa to lớn đối với an ninh của tất cả các nước và dân tộc, Quốc vương Salman kêu gọi thành lập Trung tâm chống khủng bố quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và cam kết cung cấp 110 triệu USD cho trung tâm này.
Vùng Vịnh: Qatar không cho máy bay Saudi Arabia hạ cánh xuống Doha
Về phần mình Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc gặp Quốc vương Salman là một cuộc nói chuyện rất nhiều thông tin, nhiều nội dung và rất tin cậy. Ông tin tưởng chuyến thăm này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ mới cho sự phát triển quan hệ song phương. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhận lời mời tới thăm Saudi Arabia.
Sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, phái đoàn của Saudi Arabia và Nga đã ký kết 14 văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, Chương trình hiện thực hóa hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân… Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng đồng ý mua các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga.
Chuyến thăm vào thời điểm quan trọng này cho thấy Nga đã chứng tỏ được sự hiện diện của mình ở Trung Đông, đồng thời thể hiện được tầm quan trọng về vị thế chính trị của Saudi Arabia trong kết nối giữa Nga với thế giới Arab.
Theo giới quan sát, việc tăng cường hợp tác với Nga nhiều khả năng là một trong những tính toán dài hạn trong chính sách đối ngoại của Saudi Arabia, nhưng "cú hích" cuối cùng cho quyết định công du sang Nga của Quốc vương Salman có thể là giúp củng cố lợi thế của Saudi Arabia tại Trung Đông.
Đối với Saudi Arabia, khu vực Trung Đông đang mất cân bằng một cách nguy hiểm vì Mỹ đã giảm dần sự hiện diện trong khu vực, còn Iran thì đang tăng cường ảnh hưởng của mình. Trong bối cảnh đó, Nga rõ ràng là một đối tác rất "thuận tiện", vừa có thể lấp chỗ trống Mỹ để lại, vừa có thể kiềm chế Iran.
Về phía Nga, tăng cường quan hệ song phương với Saudi Arabia sẽ giúp nước này thực hiện mong muốn gia tăng đòn bẩy chiến lược, nhằm cho phép Nga kiềm chế bất kỳ cục diện phân cực nào ở Trung Đông, cho dù trong tương lai gần Nga khó có khả năng thay đổi lập trường thân phương Tây của nhiều nước Arab./.