Quyết mua F-35 của Mỹ, Singapore gửi thông điệp gì tới Trung Quốc?
VOV.VN - Singapore mong muốn trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đông.
F-35 được coi là sản phẩm của công nghệ máy bay tàng hình tiên tiến nhất của Mỹ, có khả năng kết nối không giới hạn các lực lượng phi công để thực hiện những nhiệm vụ mang tính phối hợp. Giờ đây, Singapore đang mong muốn trở thành quốc gia tiếp theo sở hữu loại máy bay chiến đấu tàng hình này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đông.
Một chiếc F-35 của Mỹ bay trên bầu trời khu vực Biển Hoa Đông ngày 23/11/2018. (Ảnh: CNN) |
Phát biểu trước Quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã công bố kế hoạch mua 12 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực thi, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương sở hữu máy bay F-35. Tuy nhiên, thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, song ông Eng Hen nói rằng cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ủng hộ.
Trong bài phát biểu trước các nghị sỹ, Bộ trưởng Ng Eng Hen khẳng định: “Các lực lượng vũ trang thế hệ tiếp theo của Singapore sẽ trở nên lợi hại hơn trên mọi phương diện”. Bản thuyết trình cũng đưa ra hàng chục khí tài quân sự mà Singgapore có kế hoạch mua sắm trước năm 2030, trong bối cảnh quốc gia này tăng cường năng lực quốc phòng. Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đứng đầu trong danh sách. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35 được tích hợp những vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử hiện đại nhất thế giới, là “dòng máy bay bền bỉ, hỗ trợ nhiều nhất, lợi hại nhất và giá cả hợp lý nhất từng được sử dụng”.
Lo ngại an ninh trong khu vực
Các nhà phân tích cho rằng, với vị trí nằm ở phía Tây Biển Đông, việc Singapore quyết định mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho thấy mối quan ngại ngày càng gia tăng của nước này về tình hình an ninh tại Châu Á. Ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Trung tâm Thông tin tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận xét: “Singapore có lẽ không tin tưởng sự đảm bảo của Trung Quốc rằng các yêu sách của nước này trên Biển Đông là “lành tính” và không có ý đồ quân sự cũng như không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát các hoạt động thương mại hàng không và hàng hải trên vùng biển này”.
Cùng với việc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Bắc Kinh đã liên tiếp xây dựng bất hợp pháp các căn cứ quân sự trên đảo nhân tạo, khiến dư luận thế giới bất bình. Mỹ đã điều tàu chiến, máy bay trinh sát hoặc máy bay ném bom thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách của Trung Quốc.
Sau khi mua báy bay chiến đấu F-35, Singapore sẽ gia nhập nhóm đồng minh của Mỹ gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc vận hành loại máy bay này tại Thái Bình Dương. Mỹ đã triển khai máy bay F-35 tại Nhật Bản, và chúng có thể hoạt động phối hợp với các tàu của hải quân Mỹ. Hồi đầu năm 2019, Anh cũng cho biết nước này sẽ điều một tàu sân bay mang theo máy bay F-35 đến khu vực vào năm 2020.
Quyết định mua F-35 của Singapore có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù giới chức Mỹ trước đó đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang theo đuổi một cuộc chiến tranh Lạnh với Trung Quốc hoặc đang thực hiện chính sách kiềm chế Trung Quốc tại Thái Bình Dương. “Bắc Kinh nên coi động thái này làm bằng chứng cho thấy vẫn có nhu cầu mạnh mẽ về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”, ông Timothy Health, chuyên gia quốc phòng tại tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND của Mỹ cho biết.
“Mạng lưới không quân sử dụng F-35 mở rộng khả năng các lực lượng quân đội có thể phối hợp với nhau theo hình thức liên minh nếu cần thiết. Diễn biến này có thể gửi thông điệp răn đe cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến các hành vi của nước này tại Biển Đông và Biển Hoa Đông”, ông Timothy Health nói.
Phối hợp giữa các đồng minh
Bộ phận tác chiến điện tử hiện đại của F-35 có thể cho phép sự phối hợp không giới hạn giữa các phi công thuộc phe đồng minh và điều này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại. Ông Peter Layton, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Châu Á Griffith ở Australia cho biết, khả năng tác chiến điện tử và năng lực tàng hình của F-35 giúp chiến đấu cơ này trở thành loại vũ khí ưu việt trên chiến trường. F-35 có thể vượt qua các hệ thống phòng không và gửi thông tin chi tiết về mục tiêu cho các máy bay phía sau mang theo tên lửa tầm xa hay tới các hệ thống tên lửa chống hạm dưới đất.
“Quyết định của Singapore sẽ khiến Trung Quốc nghĩ cách cải thiện mạng lưới phòng không của nước này tại Biển Đông để phát hiện và tấn công những loại máy bay tàng hình, chẳng hạn như F-35”, ông Layton nói. Các thương vụ mua F-35 từ đồng minh của Mỹ đã được nhắc đến nhiều trên truyền thông của Trung Quốc. Một bài báo đăng tải trên thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vào tháng 1/2019 đã bác bỏ bất cứ mối đe dọa nào từ “liên minh những người bạn mua F-35” của Mỹ tạo ra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định F-35 không thể sách kịp với J-20, máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của nước này.
Theo giới phân tích, với quyết định mua F-35, Singapore đang gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng theo một cách thận trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen không nhắc đến Trung Quốc khi tiết lộ kế hoạch mua vũ khí vào tuần trước. Bài thuyết trình của ông chỉ nói rằng loại chiến đấu cơ này “sẽ đóng góp đáng kể cho năng lực của lực lượng không quân, nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền của Singapore”. Ông cũng cho biết, Singapore đang xem xét cách thức mua máy bay chiến đấu của Mỹ, theo đó sẽ mua gói đầu tiên gồm 4 chiếc và sau đó có thể nâng số lượng lên 8 chiếc nếu loạt đầu phù hợp với yêu cầu đặt ra. Theo ông Ng Eng Hen, F-35 thậm chí sẽ hoạt động phối hợp với phi đội máy bay F-15 của Singapore do Mỹ sản xuất khi chúng thay thế những chiếc F-16, vốn sẽ trở nên lỗi thời trong 1 thập kỷ.
Muốn giữ vai trò trung lập
Mặc dù Singapore là đồng minh gần gũi và lâu đời của Mỹ, thậm chí cho phép Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên lãnh thổ nhưng nước này có xu hướng không tham gia nhiều vào các vấn đề quân sự. “Bất chấp quan hệ tốt với Mỹ, Singapore nhìn chung vẫn không thích đóng vai trò đầu tàu trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc do nước này vẫn là nước nhỏ và có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc”, chuyên gia Health nói.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia Schuster cho rằng: “Singapore không muốn chọc giận Trung Quốc. Nước này có xu hướng hành động một cách tế nhị và khéo léo”. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không đồng nghĩa với việc Singapore yếu thế về mặt quân sự. Theo đánh giá của Viện Lowy (Australia) năm 2018, Singapore đứng thứ 10 trong số 25 quốc gia Châu Á về tiềm lực quân sự. Singapore sở hữu nhiều khí tài quân sự chất lượng cao và có quan hệ quốc phòng mạnh mẽ trong khu vực. “Singapore luôn thể hiện vai trò là quốc gia thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực chứ không phải là thành viên của một liên minh đang nhằm mục tiêu đối phó với một quốc gia cụ thể nào”./.