Rút lời mời Trung Quốc tập trận, Mỹ đổi cách tiếp cận về Biển Đông?
VOV.VN - Quyết định của Lầu Năm Góc rút lời mời Trung Quốc tập trận có thể mở ra hướng giải quyết cứng rắn hơn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Việc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018 được phía Mỹ mô tả là phản ứng ban đầu với những gì Washington gọi là sự tiếp tục quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này báo hiệu sự giận dữ của Mỹ trước việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Biển Đông và đồng thời được cho là phép thử đối với mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại vì những tranh chấp thương mại.
Tàu Trung Quốc và Mỹ trong một cuộc tập trận hải quân. Ảnh: popularmechanics.
"Chúng tôi rút lời mời Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 như là phản ứng đầu tiên trước những hành động quân sự hóa liên tục gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông", Reuters dẫn lời Trung tá Christopher Logan, người phát ngôn Lầu Năm Góc.
Ông Logan nói thêm: "Hành động của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của tập trận Vành đai Thái Bình Dương".
Trong tuyên bố của mình, Lầu Năm Góc cũng cho biết, Mỹ có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc đã triển khai tên lửa diệt hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị làm nhiễu điện tử đến các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa [của Việt Nam - ND].
"Việc Trung Quốc hạ cánh oanh tạc cơ tại đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) cũng làm gia tăng căng thẳng", ông Logan nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Washington hôm qua (23/5) đã gọi quyết định trên của Mỹ là “không mang tính xây dựng”.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thay đổi suy nghĩ tiêu cực như vậy. Cả Trung Quốc và Mỹ đều là những nước lớn và chúng tôi có vị thế tốt để hợp tác nhiều hơn trên biển”, ông Vương Nghị nói và lặp lại luận điệu cho rằng Trung Quốc chỉ xây dựng dân sự và các cơ sở quốc phòng cần thiết trên những thực thể mà ông này gọi là “các hòn đảo của Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Mỹ đáp trả bằng tuyên bố cho biết ông đã nêu lên “mối quan ngại” của Mỹ đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông với ông Vương Nghị và quyết định liên quan đến cuộc tập trận hải quân quốc tế là của Lầu Năm Góc.
Nhà phân tích quân sự Hong Kong Song Zhongping nhận định, việc Trung Quốc cho máy bay ném bom H-6K diễn tập cất, hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam – ND] là nhằm tăng cường hiện diện quân sự của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 đến khu vực này trong một nhiệm vụ huấn luyện thường lệ vào tháng 4. Sự hiện diện của máy bay Mỹ bị Trung Quốc tố là “động thái khiêu khích”. Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông, Mỹ hủy lời mời tập trận RIMPAC
Mỹ thay đổi cách tiếp cận về Biển Đông?
Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc loại bỏ các hệ thống quân sự ngay lập tức và đảo ngược quá trình quân sự hóa các bãi đá mà nước này bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
“Chiến thuật của Trung Quốc là sử dụng các biện pháp kỹ thuật và công cụ dưới ngưỡng xung đột vũ trang như một cách để ép buộc hành vi của các quốc gia khác và cuối cùng có thể thiết lập các tuyên bố của họ ở Biển Đông, bất chấp những tuyên bố này có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không”, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á tại Eurasia Group Evan Medeiros nhận định trong một hội thảo của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung.
Ông Medeiros, người từng là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Barack Obama và là Giám đốc cấp cao về vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Obama nói thêm: “Những gì Trung Quốc đang làm gây ra tình trạng khó xử về an ninh. Tôi thường nghĩ rằng mối quan hệ an ninh Mỹ-Trung ở trong tình trạng khó xử mức độ thấp nhưng giờ đây không thể phủ nhận mức độ khó xử đang tăng lên và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong 5-10 năm tới”.
Patrick Cronin, một học giả tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ cho rằng, động thái mới nhất của Mỹ chính là lời khiển trách đối với sự tích tụ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
“Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đáng bị trừng phạt”, ông Cronin nói. Nhật Bản quan ngại hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông
Theo giới quan sát, quyết định của Lầu Năm Góc có thể thể mở ra hướng giải quyết cứng rắn hơn so với những gì trước đây chính quyền Tổng thống Trump từng thể hiện trong vấn đề Biển Đông.
Mặc dù vậy, theo ông Cronin, quyết định cứng rắn này của Mỹ dường như không làm thay đổi kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Phản ứng của Trung Quốc sẽ là điều chỉnh mặt trận thông tin của họ nhưng chiến lược của Bắc Kinh thì vẫn không thay đổi, cho đến nay họ không bị những hành động của Washington quấy rầy”, ông Cronin nhận định.
Động thái của Mỹ được đưa ra vào một thời điểm tương đối nhạy cảm cho chiến lược của Mỹ ở châu Á, chỉ vài tuần trước cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bàn về khả năng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Trước các cuộc đàm phán với Triều Tiên, Mỹ rõ ràng rất cần đến Trung Quốc – nước được cho là nguồn ủng hộ kinh tế chính của Triều Tiên và có khả năng gây áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng./. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cho máy bay ném bom diễn tập ở Hoàng Sa
Mỹ lo ngại Trung Quốc diễn tập với máy bay ném bom trên Biển Đông