Sputnik: Chiến lược Afghanistan của ông Trump là để kiềm chế Nga
VOV.VN - Lúc tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump hứa hẹn tập trung vào đối nội và cải thiện quan hệ với Nga. Nhưng có dấu hiệu ông đang thay đổi chính sách này.
LTS: VOV.VN xin giới thiệu với quý độc giả một bài nhận định của hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik về chiến lược Afghanistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính trị gia này.
Theo giới phân tích mà hãng Sputnik phỏng vấn, mục tiêu dài hạn thực chất trong chiến lược quân sự mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump là bao vây và kiềm chế, ngăn cản ảnh hưởng đang gia tăng của Nga ở khu vực Trung Á và Nam Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: nydailynews. |
Tổng thống Mỹ Trump ngày 21/8 đọc diễn văn công bố một chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan. Thề chống khủng bố, ông Trump tuyên bố từ bỏ các mục tiêu “xây dựng quốc gia” mà các vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama cam kết từ năm 2001. Để đạt mục đích này, ông Trump hứa hẹn tăng lượng quân Mỹ đồn trú ở Afghanistan dù ông không tiết lộ con số cụ thể.
Tổng thống Trump từ chối đưa ra hạn chót giảm hay rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Ông nhấn mạnh sẽ trao cho các chỉ huy quân sự quyền tự do phát động chiến tranh một cách nhanh chóng và không khoan nhượng hơn nữa để tiêu diệt các mục tiêu khủng bố.
Đáng lưu ý, trong phát biểu này, ông Trump không đả động gì đến biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu số thương vong dân thường một khi Mỹ áp dụng chính sách quân sự này.
Diễn văn ẩn chứa đường lối chống Nga?
Tổng thống Trump đã sử dụng bài phát biểu của mình về chiến lược mới ở Afghanistan để đưa ra các “lý do hợp lý” cho việc duy trì lực lượng lớn lục quân và không quân Mỹ ở đất nước Trung-Nam Á này.
Tuy nhiên, việc đặt các căn cứ lục quân, không quân nói trên ở một “giao lộ” quan trọng đến như vậy của châu Á cũng sẽ tạo bàn đạp cho Mỹ mở các chiến dịch tiến công vào Nga hoặc Trung Quốc trong tương lai.
Ngoài ra, về lý thuyết, các căn cứ này có thể hỗ trợ cho phong trào ly khai hoặc khủng bố chống phá Moscow và Bắc Kinh. Mỹ cũng có thể dùng các căn cứ này với sự hậu thuẫn của Ấn Độ để hăm dọa Pakistan.
Tất nhiên Tổng thống Trump không đề cập đến Nga trong bài phát biểu hôm 21/8. Thế nhưng, Giáo sư chính trị học Beau Grosscup - từng giảng dạy tại Đại học bang California (Mỹ), cho hay: Mục đích chiến lược rộng lớn hơn không được nói tới chính là duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan nhằm bao vây và chống lại nước Nga, ngăn nước Nga tiếp cận các tài nguyên khoáng sản quý giá.
Hội chứng sợ Nga từ xưa là gốc gác Chiến tranh Lạnh hiện đại chống Nga
Mỹ đang tiếp tục tìm cách mở rộng khối quân sự NATO quanh biên giới nước Nga.
Tham vọng của Mỹ và NATO trong việc bao vây Nga được thể hiện rõ qua việc tiếp tục tập trung khí tài quân sự và binh sĩ ở biên giới phía tây của nước Nga cũng như qua các cuộc tập trận tại khu vực này. Washington đã cung cấp vũ khí cho các nước tiếp giáp Nga, đặc biệt là Ukraine và Gruzia, qua đó bộc lộ ý đồ chiến lược của họ đối với Moscow.
Mặt khác, Mỹ cũng tìm kiếm mở rộng ảnh hưởng quân sự và kinh tế ở các quốc gia giàu dầu mỏ như là Kazakhstan và Azerbaijan, nhằm khống chế “vựa dầu khí Caspia”, thế chân cả Nga và Trung Quốc trong khu vực.
Ông Trump chuyển hướng sang tập trung vào đối ngoại?
Chiến lược Afghanistan mới của ông Trump đã đảo ngược các quan điểm thường được chính ông cổ xúy trong giai đoạn chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khi ông nhấn mạnh rằng nước Mỹ cần rút quân khỏi chiến trường Afghanistan và Iraq.
Giáo sư Grosscup nhắc lại chuyện ông Trump đã tranh cử thành công nhờ vào việc hứa hẹn với cử tri sẽ rút Mỹ ra khỏi các cuộc chiến tranh bất tận và vô ích ở khắp nơi trên thế giới, xây dựng lại các mối quan hệ tốt đẹp với Nga và ưu tiên tái thiết nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho biết thêm, Tổng thống Trump lại toàn lựa chọn các vị cựu tướng làm nhân sự chủ chốt quanh mình, từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster cho đến Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly.
Giờ đây ông Trump đã theo đuổi đường lối cứng rắn là tăng cường sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột trên thế giới nhằm duy trì thế thượng phong toàn cầu của Mỹ và bác bỏ thực tế về một thế giới đa cực mà trong đó Nga và Trung Quốc đóng vai trò đáng kể.
Giáo sư Grosscup giải thích: Các nhân vật vây quanh ông Trump đã hiến kế cho ông, khuyên ông tiếp tục để quân Mỹ ở lại Afghanistan. Họ cũng cảnh báo vị Tổng thống này bằng cái mà họ gọi là mối đe dọa từ lực lượng nổi dậy Taliban đối với các giá trị phương Tây.
Cuộc chiến ngoại giao “khốc liệt” Mỹ - Nga bước sang giai đoạn mới
Giáo sư Grosscup chỉ ra rằng, bất chấp tuyên bố của ông Trump về việc từ bỏ các mục tiêu “xây dựng quốc gia” của người tiền nhiệm Bush và Obama, bài phát biểu của ông Trump vẫn là việc tiếp tục chính sách địa chính trị truyền thống của họ ở Afghanistan.
Brian Terrel, điều phối viên của tổ chức Voices for Creative Nonviolence, đồng thời là chuyên gia về Afghanistan, nhất trí rằng bài phát biểu của ông Trump về chiến lược Afghanistan cho thấy ông Trump đồng thuận với nhóm cứng rắn trong quân đội Mỹ ủng hộ tiếp tục cuộc chiến ở Afghanistan và duy trì các lực lượng chính của Mỹ ở trong khu vực.
Chuyên gia Terrell nói: “Ông ấy đã hòa giải với giới tướng lĩnh của mình, nhất trí cho phép tăng thêm một số lượng quân theo mong muốn của họ”.
Ông Terrell cũng gợi ý rằng có thể ông Trump muốn tiếp tục cuộc chiến Afghanistan nhằm đoàn kết người dân Mỹ dưới trướng của mình./.