“Sự hồi sinh của IS” đằng sau cuộc tấn công đẫm máu ở Sri Lanka
VOV.VN - Các cuộc ném bom đẫm máu ở Sri Lanka ngày 21/4 có nhiều dấu hiệu giống như những cuộc tấn công IS từng thực hiện.
Trải qua 3 thập kỷ nội chiến đẫm máu, người dân Sri Lanka không còn lạ gì với những cuộc tấn công. Tuy nhiên, cuộc tàn sát ngày 21/4 vừa qua cho thấy sự tàn ác của những kẻ thù của quốc gia này đã ở một cấp độ khác.
Hiện trường vụ tấn công vào nhà thờ St Anthony ở Colombo, Sri Lanka ngày 21/4. Ảnh: Getty |
Các cuộc đánh bom đẫm máu vào ngày Lễ Phục sinh ở Sri Lanka cho thấy nhiều dấu hiệu giống như những cuộc tấn công IS từng thực hiện bởi chúng được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ và thực hiện một cách dã man.
Hiện chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố cũng như chưa có bất kỳ thông tin nào về động cơ của cuộc tấn công mặc dù 13 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ tối 21/4.
Những bằng chứng sơ bộ nghi ngờ thủ phạm đứng đằng sau sự việc là National Thowheed Jamath (NTJ) - một tổ chưc Hồi giáo cực đoan được thành lập ở Kattankudy năm 2014 - thị trấn với đa số người Hồi giáo ở phía đông Sri Lanka.
Tuy nhiên, tổ chức này chưa từng tiến hành những vụ tàn sát đẫm máu như ngày hôm qua. Thực tế thì, NTJ chỉ được nhắc tới vào năm 2018 khi tổ chức này có liên hệ với việc phá hoại các bức tượng Phật.
Các nguồn tin trong cộng đồng Hồi giáo ở Sri Lanka cho biết nhóm NTJ từng công khai ủng hộ IS. Họ cũng khẳng định rằng Zahran Hashim - một kẻ đánh bom được nhắc tới trong các báo cáo là người thành lập tổ chức này.
Mặc dù các tài liệu của cơ quan tình báo về nhóm Hồi giáo cực đoan này còn khá ít nhưng rõ ràng không thể bỏ qua những dấu hiệu đáng quan ngại về tổ chức này.
Ngày 11/4, cảnh sát Sri Lanka đã lan truyền một tài liệu có tiêu đề là "thông tin về một cuộc tấn công được cho là đã được lên kế hoạch". Theo đó, nhà chức trách Sri Lanka đã được một cơ quan tình báo nước ngoài giấu tên cảnh báo rằng NTJ đang lên kế hoạch tấn công vào các nhà thờ ở Colombo.
Tài liệu này cũng cho biết thêm về các cách thức thực hiện của các cuộc tấn công như: tấn công liều chết, tấn công bằng vũ khí hoặc bằng xe tải.
Ngoài ra, tài liệu này thậm chí còn nêu tên 6 cá nhân có thể là những kẻ đánh bom liều chết, trong đó có Hashim. Ngày 21/4, kế hoạch của những kẻ tấn công đã thành sự thật.
Tại sao cảnh sát không đưa ra cảnh báo trước đó về vụ tấn công hiện vẫn còn là một câu hỏi. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe thừa nhận rằng Sri Lanka đã nhận được các thông tin trước đó về các cuộc tấn công nhưng ông Wickremesinghe cho biết ông không trực tiếp biết các thông tin này.
"Chúng ta phải điều tra tại sao những sự đề phòng thích hợp lại không được đưa ra. Cả tôi và các Bộ trưởng đều không được thông báo gì", Thủ tướng Sri Lanka cho biết.
Chịu ảnh hưởng của IS
Dù là bất kỳ nhóm nào đứng đằng sau cuộc tấn công ngày 21/4 thì có thể những kẻ này đều bị ảnh hưởng từ các cách thức thực hiện của IS. Loạt vụ đánh bom này nhằm tới dân thường, được tiến hành một cách vô cùng dã man để tạo hiệu quả tối đa. Chúng cũng lựa chọn những địa danh nổi tiếng tập trung đông người và nhiều du khách nước ngoài.
IS - hiện đã mất đi thành trì cuối cùng ở Syria cách đây vài tuần từng có "tiền án" thực hiện những cuộc tấn công nhằm vào cộng đồng Thiên Chúa Giáo trong những ngày lễ, đặc biệt là Giáng sinh và Phục sinh.
Nhiều quốc gia đều cảnh báo rằng việc nhóm khủng bố này bị đánh bại ở Trung Đông không có nghĩa là chúng đã hoàn toàn biến mất, bởi có nhiều nhóm nổi dậy vẫn tiếp tục "thừa kế" những tư tưởng cực đoan của tổ chức khủng bố này.
Một số phần tử Hồi giáo cực đoan đã đi từ Sri Lanka tới Syria để tham gia vào cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này. Năm 2016, Bộ trưởng Tư pháp Sri Lanka cho biết, 32 người theo đạo Hồi sinh ra trong những gia đình "trí thức được giáo dục tốt" ở nước này đã gia nhập hàng ngũ IS ở Syria.
Chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố Raffaello Pantucci cho biết sự suy tàn của IS ở Trung Đông có thể khiến những kẻ cực đoan tìm đường trở lại quê hương và thực hiện các cuộc tấn công ngay tại đây.
Loạt vụ đánh bom ngày 21/4 đã chấm dứt 1 thập kỷ hòa bình ở Sri Lanka sau khi cuộc nội chiến kết thúc ở quốc gia này năm 2009. Sri Lanka là một đất nước với đa số tín đồ đạo Phật và không hề có cuộc tấn công nào gần đây nhằm vào cộng đồng Kitô giáo chỉ chiếm 7% dân số. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ với các nhóm tôn giáo khác, trong đó có người Hindu và người Hồi giáo không phải lúc nào cũng êm đẹp.
Dù động cơ nào đứng đằng sau cuộc tấn công ngày 21/4 thì câu hỏi liệu còn bao nhiêu nhóm cực đoan khác "kế thừa" tư tưởng và những hành động dã man của IS vẫn là một lời cảnh báo đáng lo ngại. IS có thể đã bị tiêu diệt ở Trung Đông nhưng nhưng tàn dư tư tưởng của chúng có thể vẫn tiếp tục “trỗi dậy” ở nhiều khu vực trên thế giới./.
Đánh bom ở Sri Lanka phản ánh hiềm khích tôn giáo sâu sắc