Sức ép luận tội đè nặng Tổng thống Trump trong những ngày cuối tại vị
VOV.VN - Chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump sẽ rời nhiệm sở, song sức ép luận tội ngày càng gia tăng trong khoảng thời gian ít ỏi này.
Trong chính đảng Cộng hòa, ngày càng có thêm tiếng nói kêu gọi ông từ chức, trong khi đó đảng Dân chủ đẩy nhanh quá trình xúc tiến luận tội ông Trump lần thứ hai.
Thủ tục luận tội Tổng thống
Vào đêm qua (11/1, theo giờ Hà Nội), Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã chính thức đệ trình nghị quyết luận tội Tổng thống Donald Trump, với điều khoản duy nhất là “kích động nổi loạn” trong vụ người biểu tình xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1, trong lúc lưỡng viện Quốc hội đang họp để xác nhận kết quả bầu cử của Cử tri đoàn.
Điều khoản luận tội do 3 nghị sĩ đảng Dân chủ là David Cicilline, Ted Lieu và Jamie Raskin đề xuất, cáo buộc các phát biểu của Tổng thống Donald Trump trong cuộc tập hợp lực lượng của những người biểu tình ủng hộ mình bên ngoài Nhà Trắng, đã kích động bạo loạn, khuyến khích họ hành động phạm pháp và gây chết người. Nghị quyết đánh giá Tổng thống Trump gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và các thể chế chính phủ.
Theo nghị quyết này, ông Trump đe dọa tính toàn vẹn của nền dân chủ, can thiệp vào quá trình chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình. Do đó, với tư cách là tổng thống Mỹ, ông Trump đã phản bội lòng tin và làm tổn thương người dân Mỹ. Nghị quyết cũng viện dẫn Tu Chính Án thứ 14, theo đó cấm bất cứ người nào từng tham dự vào các hành động nổi loạn hoặc chống lại nước Mỹ được quyền nắm giữ chức vụ trong chính quyền.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy khẳng định, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu luận tội ông Trump vào ngày 13/1 nếu Phó Tổng thống Mike Pence không thực hiện Tu chính án 25 nhằm phế truất Tổng thống. Nếu nghị quyết được thông qua tại Hạ viện, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội hai lần trong một nhiệm kỳ.
Về phần mình, Lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell tuần trước đã gửi bản ghi nhớ cho các nghị sĩ, chỉ ra quy trình Thượng viện sẽ tiến hành nếu Hạ viện thông qua điều khoản xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump. Theo đó, kịch bản có khả năng xảy ra nhất nếu điều này thành hiện thực là Hạ viện thông báo cho Thượng viện vào ngày 19/1, khi các thượng nghị sĩ làm việc trở lại sau kỳ nghỉ.
Những toan tính chính trị
Trước khi chính thức giới thiệu nghị quyết luận tội Tổng thống Trump, các thành viên đảng Dân chủ, ngày 11/1, đã giới thiệu một nghị quyết khác, kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence và các thành viên Nội các viện dẫn Tu Chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống thứ 45. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa đã ngăn chặn khiến nghị quyết không thể được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện. Trong bức thư gửi các thành viên đảng Dân chủ vào cuối ngày 10/1 (theo giờ Mỹ), Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi đã bày tỏ mong muốn Phó Tổng thống Mike Pence và Nội các bãi nhiệm Tổng thống Trump trước khi tiến hành thủ tục luận tội.
Lý do chính giải thích cho hành động của đảng Dân chủ, đó là trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hiện chưa còn tới 10 ngày nữa, nên dù có nhận đủ số phiếu ủng hộ từ các đồng nghiệp bên phía đảng Cộng hòa thì tiến trình luận tội chắc chắn cũng không thể hoàn tất trước 12h trưa 20/01 (theo giờ bờ Đông). Đảng Dân chủ, vừa kêu gọi, vừa gây sức ép để Phó Tổng thống Pence và Nội các kích hoạt Tu Chính Án thứ 25 là con đường ngắn nhất để khiến ông Trump phải rời bỏ chức vụ càng sớm càng tốt. Phó Tổng thống Pence không loại trừ khả năng thực thi hành động theo quyền hiến định, song đến thời điểm này ông vẫn chưa tỏ rõ chính kiến của mình và thời gian nắm quyền của ông Trump chỉ còn tính từng ngày, do vậy đảng Dân chủ buộc phải hành động.
Với việc đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Hạ viện, nghị quyết luận tội ông Trump chắc chắn sẽ được thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 13/1 tới, do yêu cầu chỉ cần quá bán. Nhưng có thể đảng Dân chủ sẽ không chuyển điều khoản luận tội lên Thượng viện ngay, mà sẽ chờ đến thời điểm sau 100 ngày đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, xuất phát từ hai lý do. Thứ nhất, phải đến ngày 22/1 thì kết quả cuộc bầu cử Thượng viện vòng hai tại bang Georgia mới được xác nhận và hai thành viên của đảng Dân chủ vừa đắc cử mới tuyên thệ nhậm chức, khi đó đảng này mới thực sự nắm thế đa số mong manh (50-50).
Để luận tội thành công, đảng Dân chủ cần phải có sự ủng hộ của ít nhất 17 đồng nghiệp bên phía đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Đây là kịch bản không dễ diễn ra. Thứ hai, Hạ nghị sĩ James Clyburn, lãnh đạo thứ hai của đảng Dân chủ tại Hạ viện, đã kêu gọi hãy cho Tổng thống đắc cử Biden 100 ngày ông cần để bắt đầu chương trình nghị sự và điều hành đất nước, đặc biệt là đối phó đại dịch Covid-19, kiện toàn nội các.
Toan tính quan trọng hơn của đảng Dân chủ trong việc thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống Trump đó là những hậu quả trong tương lai mà ông ấy sẽ phải đối mặt. Qua vụ việc này, ông Trump sẽ không thể ra tranh cử lần thứ hai vào năm 2024 như từng tuyên bố và sức ảnh hưởng của ông đối với đảng Cộng hòa chắc chắn đã bị giảm sút mạnh, không chỉ vì những người ủng hộ gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội, mà còn là sự “thất bại dây chuyền” trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Bài toán đoàn kết nước Mỹ thời “hậu Trump”
Do quá bất bình trước những hành động của Tổng thống Trump liên quan đến vụ bạo loạn gây chết người tại trụ sở Quốc hội, vốn được coi là biểu tượng cho nền dân chủ Mỹ và là chốn cao quý, nên trong nhiều ngày qua càng nhiều cựu quan chức và quan chức đương nhiệm đảng Cộng hòa “quay lưng lại” với ông Trump. Bất bình là vậy, song các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã ngăn chặn đảng Dân chủ đưa nghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Pence và Nội các kích hoạt Tu chính án thứ 25 để phế truất Tổng thống Trump.
Nhiều khả năng tiến trình luận tội Tổng thống Trump mà đảng Dân chủ vừa chính thức khởi động ở cấp Hạ viện, cũng sẽ một lần nữa bị chặn lại tại Thượng viện, cho dù đảng Cộng hòa sẽ không còn nắm quyền kiểm soát vào thời điểm nếu như vụ xét xử diễn ra. Hiện phần đông các chính trị gia đảng Cộng hòa cũng như cử tri Mỹ muốn Tổng thống Trump từ chức, thay vì bị đưa ra luận tội một lần nữa.
Trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, nước Mỹ ngày càng bị chia rẽ, không chỉ các vấn đề mang tính đảng phái mà ngay cả trong đời sống xã hội, đặc biệt trong mùa bầu cử 2020. Những gì xảy ra tại trụ sở Quốc hội hôm 6/1 được coi hành động “giọt nước làm tràn ly” và tác động rất tiêu cực của vụ việc này khiến Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ đứng đầu không thể làm ngơ. Tuy vậy, các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ phải toan tính rất kỹ lưỡng mọi bước đi trong tiến trình luận tội mà họ thực thi để không khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn đảng phái, cũng như đời sống chính trị-xã hội của nước Mỹ và gây thêm khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong những tuần và tháng đầu khi mới nhậm chức./.