Sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga khiến Mỹ và phương Tây nể sợ?
VOV.VN -Tổng thống Nga Putin đã chứng minh được rằng, phương Tây đang thất bại trong việc kiềm chế và ngăn chặn các bước tiến của Nga, đặc biệt là về quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 2/3 đã có cuộc điện đàm, bày tỏ quan ngại về kho vũ khí hạt nhân “bất khả chiến bại” của Nga mà Tổng thống Vladimir Putin nhắc đến trong thông điệp liên bang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ bên lề hội nghị G20 tại Hamburg, Đức ngày 7/7/2017. Ảnh: Reuters. |
Nhà Trắng dẫn tuyên bố chung nêu rõ “các nhà lãnh đạo chia sẻ mối lo ngại về những phát biểu gần đây của Tổng thống Putin về sự phát triển các loại vũ khí hạt nhân, đồng thời nhất trí cho rằng điều này đã ảnh hưởng đến những cuộc đàm phán tích cực về một loạt vấn đề giữa Nga và phương Tây.”
Cùng ngày, người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho rằng lời cảnh báo của Tổng thống Putin đối với Mỹ cùng các đồng minh trong khối NATO là “không thể chấp nhận được” và không đóng vai trò gì trong nỗ lực làm giảm căng thẳng.
"Chúng tôi đã ghi nhận thông điệp của Tổng thống Putin gửi tới Quốc hội Liên bang vào ngày 1/3. Tuyên bố của Nga xem các nước NATO như mục tiêu nhắm đến là không thể chấp nhận được, thiếu hiệu quả và phản tác dụng”.
Bà Lungescu nhắc thêm rằng NATO "không muốn quay lại cuộc Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua vũ trang". “Tất cả các nước thành viên đều ủng hộ các hiệp định kiểm soát vũ khí nhằm xây dựng sự tin tưởng, vì lợi ích chung của các bên”.
Người phát ngôn Lungescu cũng cho biết: “Hệ thống phòng thủ tên lửa của khối này không được bố trí để nhằm chống lại Nga. Hệ thống này phòng vệ trước tên lửa đạn đạo từ bên ngoài không gian Châu Âu- Đại Tây Dương. Hiện tại, NATO đang theo đuổi cách tiếp cận hai chiều đối với Nga, vừa tăng cường năng lực phòng thủ và đáp trả mạnh mẽ lại vừa kết hợp với thúc đẩy các cuộc đối thoại có ý nghĩa”.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí, người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo ngại về tuyên bố của Tổng thống Putin và các bước đi của Nga trong chính sách an ninh nói chung. Sự hiện đại hóa quân đội Nga, trong đó có việc phát triển vũ khí hạt nhân khiến Đức hoài nghi liệu Nga có tôn trọng các cam kết quốc tế hay không”.
Hôm 1/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn khi cho rằng, Nga phát triển các loại vũ khí hạt nhân gây bất ổn là vi phạm các nghĩa vụ trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định "Nga đang phát triển một hệ thống vũ khí gây mất ổn định cho hơn 10 năm, trực tiếp vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình".
Tiếp đến ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vốn được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama áp đặt vào tháng 3/2014 liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong thư gửi tới Quốc hội, ông Trump cho biết, Nhà Trắng sẽ tiếp tục coi cuộc khủng hoảng ở Ukraine là mối đe dọa bất thường và đặc biệt đến an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Do đó, ông Trump sẽ tiếp tục gia hạn việc lệnh trừng phạt này thêm 1 năm.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, đây có thể là phản ứng đầu tiên của Mỹ đối với tuyên bố của Tổng thống Putin hôm 1/3 khẳng định, Nga đã và đang phát triển các hệ thống vũ khí để đối phó với Mỹ và rằng Moscow sở hữu tên lửa “bất khả chiến bại” có thể xuyên thủng bất cứ lá chắn nào của Mỹ.
Phản ứng của Nga
Trước lời cáo buộc của Mỹ và các nước phương tây cho rằng Nga đang “kích động một cuộc chạy đua vũ trang, Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh, đây không phải là khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mà chỉ là hành động đáp lại việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, một động thái có khả năng phá vỡ thế cân bằng chiến lược, cân bằng hạt nhân và vô hiệu hóa lực lượng chiến lược của Nga.
Theo ông Peskov, Nga không tấn công bất cứ ai và những loại vũ khí này không tạo ra mối nguy hiểm đối với bất cứ quốc gia nào không có kế hoạch tấn công chúng tôi. Việc Nga phát triển các vũ khí mới không phá vỡ cân bằng hạt nhân trên thế giới và không nhằm mục tiêu vô hiệu hóa lực lượng chiến lược của nước khác.
Ông Peskov kiên quyết bác bỏ các cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của luật pháp quốc tế về kiểm soát giải trừ quân bị, đồng thời khẳng định Nga đã và vẫn đang tuân thủ các cam kết quốc tế của mình.Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu Mỹ tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng Mỹ đã phớt lờ.
Chính Tổng thống Vladimir Putin, hôm 2/3 cũng khẳng định rằng tất cả các loại vũ khí và công nghệ quân sự mới mà ông đề cập trong thông điệp liên bang là thành tựu to lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan khoa học, giáo dục, công nghệ Nga. “Điều đó cho chúng ta hy vọng rằng các loại vũ khí này sẽ được ứng dụng vì các mục đích dân sự, nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và sự phát triển bền vững của con người’, ông nói.
Trả lời phỏng vấn tạp chí quan hệ quốc tế của Bulgaria, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga với vai trò là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một quốc gia quan trọng trong việc đảm bảo ổn định toàn cầu sẽ đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng, xung đột, nhất quán duy trì gí trị của sự thật, công bằng và hợp tác rộng rãi trên thế giới. Vì vậy không có lẽ gì Nga lại muốn kích động chiến tranh hay một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tổng thống Putin đã thực sự đạt được mục đích?
Phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về những vũ khí hạt nhân mới “bất khả chiến bại” đã đạt được nhiều mục tiêu. Nó giúp ông Putin tạo dựng hình ảnh về một chính trị gia mạnh mẽ trước cuộc bầu cử ngày 18/3 tới, khẳng định chiến thắng “vang dội” của nước Nga sau nhiều năm đối mặt với bất ổn kinh tế và bước tiến chậm về mặt quân sự.
Tung video minh họa tấn công lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Putin ám chỉ gì?
Bà Alina Polyakova, chuyên gia về Nga tại Viện Brookings, trụ sở ở Washington, nhận xét: “Ông Putin lâu nay vẫn mong muốn khôi phục quyền lực và vị thế Nga trên trường quốc tế. Xây dựng sức mạnh quân sự là một phần trong nỗ lực ấy”. Theo bà Polyakova, bằng cách nhấn mạnh vào sự phát triển vượt bậc của hệ thống vũ khí Nga, Tổng thống Putin đã khơi dậy cảm giác về một "nước Nga vĩ đại trở lại" trước thềm cuộc bầu cử quan trọng.
Theo giới quan sát, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng minh được rằng, phương Tây đang thất bại trong việc kiềm chế và ngăn chặn các bước tiến của Nga, đặc biệt là về mặt quân sự. Ông Putin muốn gửi đi thông điệp rằng “hãy để nước Nga yên, nếu không mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”.
Ông Miroslav Lazanski chuyên gia chính trị của tờ Politika, Serbia nhận định, thay vì thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới, Tổng thống Putin đã hành động đúng theo cam kết của ông, đưa ra một phản ứng đối xứng với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của NATO ở Đông Âu và Châu Á.
Ông cho biết, “Người Mỹ đã tạo ra lá chắn phòng thủ tên lửa ở Romania và Ba Lan, quần đảo Aleutian và ở Hàn Quốc. Nga không ngay lập tức đưa ra phản ứng đáp trả tương đương, thay vì đó họ phát triển mạnh mẽ về mặt quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo tên lửa. Họ đã tạo ra tên lửa “Sarmat” với một lượng lớn đầu đạn hạt nhân có thể cơ động, tự thay đổi quỹ đạo và độ cao – được nói đến trong diễn văn của Tổng thống Putin”.
“Việc Mỹ muốn triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến lược tại các nước thành viên NATO ở Châu Âu, còn NATO thì mở rộng hoạt động tại các khu vực biên giới với Nga, hay liên tục cử tàu tuần tra hoạt động tại Biển Đen hoặc biển Baltic… tất cả đều chứng minh một thực tế họ đang muốn gây sức ép tối đa đói với Nga. Khi sự kiên nhẫn đã vượt quá giới hạn thì đó là điều tất yếu để Nga khẳng định rằng nước này cần có vũ khí và sức mạnh mới đáp trả mọi mối đe dọa.”
Theo Amin Khatit – một chuyên gia quân sự Lebanon, Tổng thống Nga Putin trên thực tế không muốn một cuộc chiến tranh với phương Tây mà ông chỉ muốn thể hiện sức mạnh, cũng như khả năng ngăn chặn phương Tây thực hiện tham vọng “không tưởng” trong lĩnh vực chính trị và quân sự.
Ông nêu rõ, các nhà chính trị phương Tây nên rút ra bài học “xương máu” từ phát biểu của Tổng thống Putin rằng, việc chống lại Nga ở cả khu vực biên giới hay trên chiến trường, chẳng hạn như tại Syria, sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào vì sức mạnh của Nga có thể phá hủy bất cứ kế hoạch nào tấn công nước này cùng các đồng minh. “Chúng ta có thể gọi bài diễn văn của Tổng thống Putin là một sự đáp trả cân bằng, mang tính chiến lược, đặc biệt trong mối quan hệ đối với phương Tây”, ông nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ quan điểm này, Giáo sư John Russell, chuyên nghiên cứu về Nga và các chiến lược an ninh tại Đại học Bradford cho rằng, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây đang ở mức thấp nhất hiện nay, phát biểu của ông Putin được xem là lời hùng biện mạnh mẽ.
“Ông Putin đã đạt được mục đích của mình đó là buộc phương Tây phải ngồi xuống, lắng nghe và lo lắng về những vấn đề quân sự chiến lược của Nga”. Những lời lẽ đanh thép hùng hồn trong bài phát biểu chứng minh rằng Nga sẵn sàng chấm dứt “thế độc tôn của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, tiến tới thay đổi “luật chơi”. Cùng với đó, Nga cũng khẳng định được các quy tắc riêng của nước này đối vơi phương Tây, đảm bảo ưu thế vượt trội trong năng lực phòng thủ, cũng như tạo ra “công cụ pháp lý” gây sức ép ngược trở lại đối với phương Tây./.