Tác động của phán quyết PCA lên an ninh Biển Đông và thế giới
VOV.VN - Vừa ra đời, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông đã gặp phải sự phản đối của Trung Quốc. Nhưng đây vẫn sẽ là một án lệ quan trọng.
>> Xem Kỳ 1: Phán quyết Tòa trọng tài quốc tế PCA và cuộc đấu quyền lực quốc tế
Trong phạm vi Đông Nam Á
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay về Biển Đông (ở đây gọi tắt là PCA) xuất hiện sau cuộc bầu cử toàn quốc ở Philippines và sự ra mắt của chính phủ mới do ông Rodrigo Duterte đứng đầu.
Chiến hạm Mỹ tại Thái Bình Dương. Ảnh: Al Jazeera. |
Tổng thống Duterte đã thăm Trung Quốc. Hai bên đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc tổ chức các thảo luận song phương về các tranh chấp biển giữa hai nước.
Tổng thống Duterte không hối thúc Trung Quốc thực hiện phán quyết này, nhưng cũng không tuyên bố bỏ mặc phán quyết đó. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc đã có một số điều chỉnh đối với hành vi của mình và quá trình quân sự hóa các đảo nhân đạo ở Biển Đông, theo hướng tạm thời ôn hòa.
Hiện vẫn phải tiếp tục theo dõi liệu phán quyết PCA sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc quản lý các tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Philippines.
Có 4 bên có tuyên bố chủ quyền ở vùng Biển Đông. Phán quyết PCA yêu cầu các bên phải đưa yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế - bước đầu tiên để nhận diện và phân giới các khu vực chồng lấn.
Một hệ quả quan trọng của Phán quyết PCA là quy mô các tuyên bố chủ quyền biển đã bị giảm đáng kể, tạo ra một vùng biển mở không bị tranh chấp mà tại đó không có giới hạn đối với tự do hàng hải và hàng không.
Dù Trung Quốc không chấp nhận Phán quyết PCA, thì các nước khác vẫn có thể xem xét bài học kinh nghiệm của Philippines để tiến hành các vụ kiện tương tự nhằm vào Trung Quốc.
Phán quyết có nhiều tác động đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – tổ chức đã thực hiện các tham vấn với Trung Quốc về thực thi thỏa thuận không có tính ràng buộc là DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông) và về một Bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý là COC (Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông).
Việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) công bố Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông đã cung cấp cơ sở pháp lý cho ASEAN gây sức ép để Trung Quốc thực thi DOC và tiến tới đạt được thỏa thuận về COC.
Trụ sở Tòa trọng tài thường trực (PCA), nơi diễn ra các phiên tranh tụng của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông. Ảnh: PCA. |
Nếu Trung Quốc hạn chế quân sự hóa (trái phép) khu vực quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) thì hiện trạng này sẽ có lợi cho ASEAN trong các đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên nếu nguyên trạng này càng tồn tại lâu thì nó lại làm xói mòn vị thế của UNCLOS, khi Trung Quốc tận dụng hiện trạng đó để củng cố sự hiện diện trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp (phi pháp).
Tác động của phán quyết PCA lên cộng đồng quốc tế
Phán quyết PCA chỉ liên quan đến Philippines và Trung Quốc. Nhưng Tòa trọng tài lại làm rõ định nghĩa pháp lý về một hòn đảo (có quyền hưởng lãnh hải 12 hải lý và một Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý), đá (chỉ được hưởng lãnh hải 12 hải lý), và thực thể lúc nổi lúc chìm. Định nghĩa chi tiết của Tòa trọng tài có ứng dụng toàn cầu. Chiểu theo đó, tuyên bố của Nhật về đảo Okinotorishima hay của Mỹ về đảo Johnston đều có thể bị thách thức về mặt pháp lý.
Việc Trung Quốc từ chối tuân thủ Phán quyết PCA sẽ khiến cho nước này ở vào thế đối đầu với các đại cường quốc biển, nhất là Mỹ.
Mỹ có chương trình Tự do Hàng hải (FON) nhằm thách thức các tuyên bố hải phận quá đà. Mặc dù Mỹ chưa ký kết UNCLOS nhưng chính sách chính thức của Mỹ là tuân thủ UNCLOS như một phần trong thông lệ luật pháp quốc tế.
Việc Tòa trọng tài tại PCA bác bỏ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc sẽ đồng nghĩa hải quân Mỹ có thể đi sát qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát (bất hợp pháp), bởi các thực thể đó được xếp vào nhóm nửa nổi nửa chìm.
Các chương trình tuần tra trong khuôn khổ FON của Mỹ có thể dẫn tới căng thẳng với Trung Quốc, chưa kể sự cố nguy hiểm đột biến.
Phán quyết Tòa trọng tài quốc tế PCA và cuộc đấu quyền lực quốc tế
Bất chấp việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết PCA, tất cả các cường quốc hàng hải lớn sẽ chấp nhận phán quyết này – nó sẽ trở thành một án lệ và có ảnh hưởng lên tất cả các vụ kiện sau này liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trên toàn thế giới. Nếu các cường quốc không tuân thủ thì họ sẽ phá hoại chính cái trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà chính họ ủng hộ.
Một câu hỏi hiện nay là liệu chính quyền Trump có hối thúc các nước đồng minh như là Nhật Bản và Australia tham gia tuần tra FON cùng hải quân Mỹ hay không.
Nguy cơ chính trị cường quyền
Việc Trung Quốc bác bỏ các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất bắt buộc theo UNCLOS đã làm xói mòn vai trò của luật pháp quốc tế trong kiềm chế cách ứng xử của các cường quốc lớn. Điều này có thể dẫn tới sự lên ngôi của quan điểm chính trị thực dụng (chăm chăm bảo vệ lợi ích quốc gia và dựa nhiều vào sức mạnh) và quá trình cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nếu Phán quyết của Tòa trọng tài không được bảo vệ và đề cao thì điều này có nghĩa rằng luật pháp quốc tế - cụ thể ở đây là UNCLOS, sẽ bị hạ cấp với tư cách là một trong các phương tiện duy trì trật tự toàn cầu. Hậu quả là ở Đông Nam Á, chính trị thực dụng và các cơ chế cân bằng quyền lực sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định trật tự khu vực. Và trong trường hợp đó cuộc đấu giữa Trung Quốc đang trỗi dậy và nước Mỹ “mạnh trở lại” có thể sẽ tác động tiêu cực tới các mục tiêu của ASEAN muốn đóng vai trò trung tâm đối với cấu trúc an ninh khu vực và tính độc lập của Đông Nam Á./.